Trường ĐH Y dược TP.HCM đã sẵn sàng để đón sinh viên đi học lại. Trong ảnh: một buổi học của sinh viên năm 2 khoa y Trường ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Hôm 21-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) gây ra - cho biết Bộ Y tế đã yêu cầu hiệu trưởng 11 trường ĐH trực thuộc bộ chuẩn bị các phương án để đón sinh viên học lại từ ngày 2-3.
"An toàn - an tâm"
Chiều 23-2, PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết nhà trường đã thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác thường trực chống dịch từ sớm, đồng thời đã xây dựng quy trình phòng dịch cho tất cả các cơ sở thuộc trường, khử khuẩn toàn trường, trang bị nước rửa tay khử khuẩn ở các vị trí công cộng, phòng học, nhà vệ sinh, dán các bảng hướng dẫn phòng bệnh...
Trường cũng có quy trình xử lý khi phát hiện sinh viên có triệu chứng nghi ngờ, phát phiếu khảo sát hành trình và triệu chứng hiện tại của sinh viên, gửi email đến từng sinh viên để lấy thông tin nhằm xác định các trường hợp nghi bệnh để có hướng xử lý kịp thời.
TS Ngô Đồng Khanh - phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết thêm trên các cổng thông tin, màn hình tivi trong khuôn viên trường hiện đều có thông tin hướng dẫn cách phòng bệnh để sinh viên có thể theo dõi mỗi ngày. "Chúng tôi yêu cầu mở cửa thông thoáng các phòng học, không mở máy lạnh, lau bề mặt bằng dung dịch sát khuẩn mỗi ngày, phun tồn lưu khử khuẩn tất cả các phòng học mỗi tuần. Trước mỗi giảng đường đều có gắn chai nước rửa tay" - ông Khanh chia sẻ.
Cũng theo ông Khanh, trong thời gian có dịch, cán bộ viên chức, người lao động khối các phòng chức năng của trường làm việc bình thường từ sau tết. Việc cho sinh viên nghỉ học thời gian dài ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, nhưng hiện trường đã điều chỉnh toàn bộ kế hoạch. "Nhìn chung các phương án đã được chuẩn bị khá tốt, nhà trường đã sẵn sàng để đón sinh viên học lại từ ngày 2-3 trên tinh thần "an toàn - an tâm" theo chỉ đạo của Bộ Y tế" - ông Khanh khẳng định.
Theo thông báo gần nhất của Trường ĐH Y dược Cần Thơ, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2-2020, tuy nhiên lãnh đạo nhà trường cho biết hiện vẫn phải chờ văn bản chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, trong khi trường cũng chưa nhận được văn bản của Bộ Y tế. PGS.TS Đàm Văn Cương - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ - đánh giá thực tế cho thấy công tác phòng, chống dịch bệnh ở nước ta được thực hiện rất tốt và tiếp tục tiến triển thuận lợi.
"Nhà trường luôn chấp hành chỉ đạo của Bộ Y tế và TP Cần Thơ. Ngay sau tết chúng tôi đã phun thuốc khử trùng trong trường, trang bị dung dịch rửa tay tại các phòng học... Việc cho sinh viên nghỉ học thời gian qua cũng ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, trường chỉ có một tuần dự trữ nên sẽ dạy bù trong tháng hè.
Sinh viên ngành y còn phải đi thực hành lâm sàng tại các bệnh viện, ngoài các biện pháp phòng ngừa trên, trường còn lưu ý thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm tại cơ sở thực hành theo hướng dẫn của bệnh viện và Bộ Y tế" - ông Cương cho hay.
Đội cơ động phản ứng nhanh
Đại diện Trường ĐH Y tế công cộng cho biết nhà trường đã sớm chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và khống chế dịch COVID-19, sẵn sàng ứng phó với các tình huống từ sớm.
Cuối tháng 1-2020, trường đã công bố kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 của trường, trong đó thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch và đã triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống dịch.
Trường cũng đã thành lập đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch, công bố quy trình hoạt động của đội phản ứng nhanh này. Đội phản ứng nhanh luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ 24h/7...
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, sinh viên của trường vẫn đi học bình thường sau kỳ nghỉ tết. Tuy nhiên, đến ngày 14-2, Bộ GD-ĐT và UBND TP Hà Nội có công văn hỏa tốc về việc cho sinh viên nghỉ học nên trường phải cho sinh viên học trực tuyến, không học tập trung tại trường đến hết ngày 29-2.
Trong thời gian không tham gia học tập tập trung, trường yêu cầu các sinh viên thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới.
"Đó cũng là những việc chuyên môn thường xuyên của nhà trường. Do vậy, nay Bộ Y tế yêu cầu cho sinh viên học lại nhà trường cũng rất sẵn sàng" - TS.BS Nguyễn Ngọc Bích, trưởng phòng hợp tác quốc tế nhà trường, khẳng định.
Trong khi hiện nay sinh viên phần lớn các trường khác nghỉ học thì sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội vẫn đi học bình thường. Theo GS.TS Tạ Thành Văn - hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, khi có thông tin về bệnh nhân cúm corona đầu tiên ở VN, nhiều trường cho sinh viên kéo dài kỳ nghỉ tết thêm một tuần, nhưng ban giám hiệu Trường ĐH Y Hà Nội quyết định cho sinh viên đi học bình thường.
"Vì đặc thù của sinh viên ngành y là học tập tại các cơ sở y tế, tiếp xúc thường xuyên với người bệnh nên phải có kiến thức, thái độ, kỹ năng đúng để tự bảo vệ bản thân, có khả năng giải thích, hướng dẫn cách phòng tránh cho người bệnh và cộng đồng, đồng thời chung tay cùng ngành y tế phòng chống dịch" - GS Văn nhấn mạnh.
Hà Nội bàn giải pháp đón học sinh trở lại trường
Chiều 25-2, Sở GD-ĐT Hà Nội họp trực tuyến với 30 điểm cầu ở các quận huyện để bàn giải pháp đón học sinh trở lại trường an toàn sau đợt nghỉ dài phòng dịch COVID-19. Với yêu cầu của chủ tịch UBND TP Hà Nội rà soát cán bộ, giáo viên, học sinh đã đi qua vùng dịch tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ý và một số nước Đông Nam Á, Sở GD-ĐT đã tiến hành thống kê các trường hợp liên quan, tính từ ngày 10-2.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết đã kết hợp với các cơ quan liên quan phun thuốc khử khuẩn 4 đợt với 100% trường học trên địa bàn, gồm 5.672 trường học. Từ ngày 29-2 đến 1-3, Hà Nội sẽ phun thuốc khử khuẩn đợt 5 đối với 100% các trường học.
Trao đổi tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Kiều Anh - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội - cho biết Hà Nội cần có các giải pháp phòng ngừa, thậm chí cần chuẩn bị các điều kiện để ứng phó nếu như phát sinh người bị nhiễm bệnh. Trong đó, việc cần lưu ý là tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, học sinh những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch.
Việc rà soát, theo dõi sát sao sức khỏe những cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đi qua vùng dịch hoặc có tiếp xúc với người đi qua vùng dịch cần được tăng cường, thực hiện nghiêm túc.
Vĩnh Hà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận