12/06/2018 20:54 GMT+7

Sinh viên tốt nghiệp điểm cao nhưng chất lượng lại thấp

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão (Nghệ An) đã nêu thực trạng này khi nói đến nhiều bất cập trong chính sách đào tạo, tuyển sinh vào đại học tại buổi thảo luật về Luật Giáo dục đại học sửa đổi chiều 12-6.

Sinh viên tốt nghiệp điểm cao nhưng chất lượng lại thấp - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An). Ảnh: Quochoi.vn

"Việc quy hoạch mạng lưới đào tạo đang có vấn đề. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đang diễn ra nhiều nơi và mỗi hàng năm có hơn 200.000 sinh viên ra trường bị thất nghiệp" - đại biểu tỉnh Nghệ An nêu thực trạng.

Sinh viên thất nghiệp tăng, "lạm phát" thạc sĩ, tiến sĩ

Đại biểu Mão cho rằng chính sách sắp xếp, bố trí và điều hành các trường đại học hiện nay đang bất cập ngay từ vấn đề "thượng tầng" là các cơ quan chủ quản. Hiện nay hệ thống giáo dục đại học đang quản lý theo hai nấc, vừa Bộ GD-ĐT lại vừa có cơ quan chủ quản ngành.

Ông Mão nêu ví dụ hệ thống trường đại học sư phạm kỹ thuật trên toàn quốc có năm trường, nhưng hai trường thuộc Bộ GD-ĐT quản lý, ba trường khác lại dưới sự điều hành của Bộ LĐ-TBXH.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu con số hiện nay có tới 235 trường đại học để nhấn mạnh việc quản lý thiếu chặt chẽ từ Bộ GD-ĐT đối với mảng giáo dục đại học.

Theo quyết định của chính phủ về điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng thì đến năm 2020 cả nước sẽ có tổng cộng 224 trường đại học, 236 trường cao đẳng nhưng hiện số trường đại học dân sự (chưa kể các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh) đã lên 235.

Một mối bức xúc khác, theo đại biểu Tiến là tình trạng "lạm phát" thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều trường mở ngành đào tạo sau đại học dẫn đến lượng tiến sĩ, thạc sĩ "bội thực", kiến thức có mà thiếu thực tiễn.

"Để chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của nước ta trong những năm tới được nâng cao, tôi đề nghị cần triển khai một cách nghiêm túc hơn, thực chất hơn chương trình đào tạo sau đại học" - đại biểu tỉnh Hà Nam nói.

Nhà nước không nên ôm đồm việc xếp hạng ĐH

Mối quan tâm của rất nhiều đại biểu khi thảo luận về Luật Giáo dục đại học sửa đổi là các quy định về xếp loại đại học. Đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng hiện nhiều trường không mấy hào hứng với việc xếp hạng.

Một trong các nguyên nhân của việc này, theo ông Tiến, là do chất lượng giáo dục đại học đang ở mức thấp, nhiều trường biết rằng nếu có tham gia xếp hạng cũng không được nên không hào hứng.

Sinh viên tốt nghiệp điểm cao nhưng chất lượng lại thấp - Ảnh 2.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng mục đích của việc xếp hạng đại học là nhằm giúp người học tham khảo trường phù hợp, đồng thời là cơ sở đầu tư nâng cấp trường cũng như giúp các nhà tuyển dụng nhân lực.

Nhưng bất cập là trong khi việc xếp hạng ở các nước thì do các tổ chức xã hội độc lập công bố, không cần thiết phải có sự công nhận của các cơ quan nhà nước, thì ở ta lại do chính phủ quy định. "Việc này không phù hợp với xu thế thế giới, dễ tạo ra sự nghi vấn về sự trung thực, xếp hạng không phải là một công cụ quản lý về giáo dục của nhà nước" - ông Mão phản biện.

Chính phủ không nên tham gia trực tiếp hoạt động xếp hạng, hoạt động này nếu do Chính phủ làm thì bị hạn chế, mất tính khách quan và hiệu quả không cao. Chúng ta nên xây dựng một hệ thống chuẩn đối chiếu so sánh giúp đánh giá các trường đại học.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cũng cho rằng việc quy định chính phủ sẽ đặt điều kiện cho việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học là rất bất hợp lý.

Theo bà Mai, lĩnh vực xếp hạng cơ sở giáo dục không nằm trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nếu Nhà nước quyết định đến việc này thì dư luận, người học và cộng đồng sẽ đặt nghi ngờ về tính khách quan, độc lập của các điều kiện xếp hạng này.

"Hiện nay trên thế giới có rất nhiều tổ chức xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Mỗi tổ chức có những tiêu chí riêng của mình nhưng đều dựa trên 4 nội dung gồm nghiên cứu, giảng dạy, việc làm và triển vọng quốc tế. Do đó, tôi đề nghị cần quy định rõ việc xếp hạng đại học là tự nguyện hay bắt buộc?" - bà Mai đặt vấn đề.

Đề nghị cân nhắc sửa toàn bộ Luật giáo dục đại học

TTO - Ngoài đề nghị sửa toàn bộ Luật giáo dục đại học, cũng có ý kiến cho rằng cần có cơ chế giám sát để kiểm soát việc thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên