11/11/2024 12:17 GMT+7

Sinh viên tỉnh lái xe ở thành phố: Người xe cứ ào ào, hoa mắt vã mồ hôi vì sợ

Nhiều sinh viên tỉnh, nhất là nữ sinh mới lên thành phố học, hay gặp khó khăn khi lái xe máy. Một số vụ tai nạn đau lòng xảy ra. Lời khuyên thiết thực của những tài xế nhiều năm trong nghề…

Sinh viên tỉnh lúng túng lái xe ở thành phố - Ảnh 1.

Phượng luôn cẩn thận khi qua đường Cộng Hòa giao với đường Trường Chinh - Ảnh: NGỌC SANG

Là sinh viên tỉnh lên học ở TP.HCM, Hoàng Thị Phượng (21 tuổi, quê Bình Phước, học Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại) kể rất lúng túng khi lái xe.

Cô thường hoa mắt với đường sá chằng chịt, nhiều vòng xoay kẹt cứng người, xe, những ngã ba, ngã tư khắp nơi rồi biển báo và hệ thống đèn tín hiệu dày đặc...

Người xe cứ ào ào thế này thì đi kiểu gì?

Giờ tan trường, đường phố đông nghẹt, Phượng loay hoay chờ có ô tô hoặc xe máy "che trước, che sau" mới dám qua đường.

Ở quê cô "chẳng ngán bất cứ loại đường nào", ngay cả sình lầy, ổ gà, ổ voi. Ấy vậy mà khi lên thành phố, cô lại phát hoảng, không dám qua đường đặc nghẹt xe cộ chạy ầm ầm cứ như chẳng ai nhường ai.

Đối với Phượng, những đoạn đường như đoạn giao Cộng Hòa và Trường Chinh (quận Tân Phú) là thử thách "khó nhằn", đặc biệt vào giờ cao điểm khi dòng xe dồn dập đến hỗn loạn.

Có lần vì cố băng qua, Phượng luống cuống ngã nhào, trầy xước khắp người. Cô sợ nhất là khi phải lái xe gần các xe tải hay xe buýt. Bởi đã đọc nhiều tai nạn giữa xe máy và những loại xe này nên cô phải ráng chắc tay lái và giữ khoảng cách an toàn.

Tương tự, bạn Phan Nguyên Hy (quê Gia Lai, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) lần đầu lên thành phố cũng rất lo lắng vì ở quê Hy đã quen với đường ít xe cộ. Hy nhớ lần đầu phải hòa mình vào dòng người xe chen chúc nhau, còi xe inh ỏi tứ phía mà cảm giác như mình bị "nuốt chửng" giữa dòng người đông nghẹt ở thành phố.

Đặc biệt là đi học qua đoạn cầu vượt Linh Xuân, Thủ Đức, Hy lúng túng mãi trong việc định hướng. Cậu tự nhắc mình phải gắng bình tĩnh và giữ vững tay lái vì đoạn này nhiều xe lớn lưu thông. Từng chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm xảy ra ngay trước mắt, cậu luôn lo lắng và cảnh giác.

Hy chia sẻ: "Với mình, một trong những thách thức lớn là xử lý các tình huống bất ngờ trên đường. Ở những ngã tư không có đèn giao thông, vào giờ cao điểm xe cộ như không theo trật tự nào cả, cứ ào ào từ mọi hướng buộc mình phải liên tục phán đoán và điều chỉnh tay lái".

Sinh viên tỉnh lúng túng lái xe ở thành phố - Ảnh 2.

Nhật Khánh luống cuống dắt xe vào lề vì đột nhiên xe tắt máy giữa đường - Ảnh: NGỌC SANG

Hoa mắt, vã mồ hôi vì sợ

Riêng đối với Đặng Kim Huệ (Bình Phước) lên thành phố học ngót bốn năm nhưng cứ trung thành với xe buýt, xe ôm công nghệ.

Lý do là Huệ hoảng sợ khi nhìn gương chiếu hậu thấy xe cộ đông đúc chạy phía sau như sắp đâm vào lưng mình. Huệ kể hay giật mình, dễ hoảng loạn, mất kiểm soát khi lái xe ở thành phố đông đúc.

Chưa kể vì không quen đường sá chằng chịt ở thành phố, có vài lần đầu Huệ tự lái xe và dò bản đồ điện tử chưa thạo nên cứ đi đường này lạc ra đường khác. Nhiều đoạn một chiều phải vòng đi vòng lại, Huệ bị lạc tới gần nửa đêm mới về tới nhà trọ.

"Còn có lần mượn xe của bạn đi học mà ngặt cái bị tắt máy giữa chừng ngay đèn đỏ, xe đằng sau bấm còi inh ỏi, mình thì cứ đứng im một chỗ, lúc đó chỉ muốn khóc vì áp lực và sợ hãi ", Huệ kể.

Đa phần sinh viên ở quê không trải nghiệm tình hình giao thông phức tạp như ở thành phố nên thiếu kinh nghiệm và kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ. Khi rủi ro xảy ra va chạm hoặc có sự cố bất ngờ, các bạn hay hoảng hốt không biết nên làm thế nào.

Bạn Nông Thị Trúc, quê Lạng Sơn, vào tận TP.HCM để theo học con chữ. Ở quê, Trúc đi đường đèo núi, vào thành phố mỗi lần đi qua đoạn vòng xoay dưới chân cầu vượt Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp) là Trúc lại luống cuống. Nhiều vòng xoay lắm lối ra, Trúc cứ hoa mắt, vã mồ hôi...

Có lần cô bị trượt bánh xe xuống đường ray tàu hỏa ngay chợ Phú Nhuận. Xe thì nặng, Trúc cố vít tay ga mạnh nhưng bánh xe cứ xoay vòng, phía sau là hàng dài kẹt xe, bóp còi inh ỏi. Cô nhấc được một bánh xe lên thì bánh sau lại trượt xuống, may mắn có người đi đường dừng lại hỗ trợ nên Trúc mới đưa xe lên được.

Cho con cái mang xe lên thành phố đi học, nhiều phụ huynh ở tỉnh lo lắng, dặn dò đủ điều, cứ sợ con chạy nhanh, chạy ẩu, bị tai nạn. Bạn Hồ Phan Nhật Khánh, ở Đồng Tháp, được mẹ cho đem xe lên để đi lại cho tiện.

Khánh đã chọn ở trọ gần trường tại Thủ Đức để đi học cho đỡ xe cộ nhưng cũng không tránh khỏi những lúc phải đi thực tập xa. "Mỗi lần đi đâu xa như vậy, mẹ tôi lại gọi điện nhắc nhở. Tôi cũng không dám lơ là vì sợ xảy ra tai nạn", Khánh chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thủy (giáo viên Trường THPT Thống Nhất, huyện Bù Đăng, Bình Phước) tâm sự hằng năm học sinh của cô lên thành phố học đại học rất nhiều. Đa số các bạn được cha mẹ cho đem xe máy đi học, nên cô cũng lo lắng vì các bạn chưa quen đi đường đông đúc như vậy.

"Trước khi các em lên thành phố nhập học, tôi căn dặn các em phải tuân thủ pháp luật, vì đường thành phố đông xe cộ, nhiều làn khác nhau, đèn xanh đèn đỏ cũng nhiều, cần chú ý an toàn khi lái xe, đi chậm một chút cũng không sao" - cô Thủy tâm sự.

Sinh viên tỉnh lúng túng lái xe ở thành phố - Ảnh 3.

Trúc luôn loay hoay với các giao lộ như vòng xoay chân cầu vượt Nguyễn Thái Sơn - Ảnh: NGỌC SANG

Gần đây nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan tới sinh viên từ tỉnh mới lên thành phố đi học. Ngày 1-10 tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh xảy ra vụ việc xe tải ôm cua, va chạm xe máy do nữ sinh viên điều khiển bị cán tử vong rất thương tâm.

Ngày 10-10 lại thêm một vụ tai nạn thương tâm khác là hai nữ sinh 20 tuổi quê An Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu bị cuốn vào gầm xe bồn, tử vong tại đoạn vòng xoay Phú Hữu, TP Thủ Đức.

Đến ngày 18-10, một tai nạn thương tâm cũng xảy ra giữa xe tải và hai xe máy cùng chiều trên đoạn đường Linh Trung ra quốc lộ 1 khiến một bạn sinh viên 19 tuổi bị ngã xuống đường, cuốn vào gầm xe.

Ngày 21-10, một bạn nữ sinh 20 tuổi khi lái xe băng qua đường Lê Văn Việt cũng bị tông tử vong khi đang trên đường tới bệnh viện.

Quy tắc khi mới lái xe ở thành phố

Theo các tài xế xe công nghệ nhiều kinh nghiệm, những sinh viên quê ở tỉnh, nhất là nữ sinh lên thành phố học, hay gặp khó khăn và sự cố trong việc lái xe thường vì những lý do như mới biết lái xe, không thạo đường và không quen tình cảnh đường sá đông đúc ở các thành phố lớn.

Trong đó lý do mới biết lái xe là điều đặc biệt cần lưu tâm vì các bạn mới tập lái và thi lấy bằng năm lớp 12 (đủ 18 tuổi) nên vài tháng sau lên thành phố học đều còn rất non tay lái, chưa kinh nghiệm gì.

Để khắc phục vấn đề này, phụ huynh nên tạo điều kiện cho con mình được tập lái xe nhiều hơn dù đã đậu bằng lái. Vài tháng hè còn ở quê, các bạn cần tranh thủ chạy xe nhiều, thực tế một bạn mới lái xe vài chục giờ sẽ yếu tay lái và thiếu kinh nghiệm hơn hẳn bạn đã lái vài trăm giờ hay ngàn giờ.

Kế tiếp, khi mới lên thành phố học, các bạn dù đã biết lái xe ở quê cũng nên nhờ người thân (nếu có) hoặc đi xe công nghệ ít hôm để quen đường, đỡ sốc, sợ với cảnh người xe đông đúc.

Hiện nay có bản đồ điện tử chỉ đường, các bạn cũng không nên tự lái xe ngay vì chắc chắn sẽ lúng túng mỗi khi phải quẹo vào đường sá xa lạ, kể cả lời chỉ dẫn từ bản đồ có thể tiếng được tiếng mất giữa đường phố ồn ào khiến việc lái xe bị lúng túng, rất nguy hiểm.

Khi lái xe gần đến các vòng xoay, ngã ba, ngã tư mà các bạn vẫn chưa biết quẹo đường nào cho đúng thì nên tấp vào sát lề từ khoảng cách xa để xác định bản đồ hoặc hỏi lại cho chính xác rồi hãy đi tiếp. Đừng lơ ngơ quẹo trái rồi lại quẹo phải giữa đường rất dễ bị tai nạn.

Sinh viên tỉnh lúng túng lái xe ở thành phố - Ảnh 4.Va quẹt xe đạp, một sinh viên đi xe máy ngã xuống đường bị xe buýt cán tử vong ở Gò Vấp

Người đi xe máy va quẹt với người chạy xe đạp trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp, TP.HCM) rồi ngã xuống đường, bị xe buýt chạy cùng chiều cán tử vong chiều 8-11.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên