30/10/2023 16:28 GMT+7

Sinh viên thức khuya chạy deadline: Năng suất cao nhưng giảm chất?

Nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên có thói quen thức khuya chạy deadline vì cho rằng đây là khoảng thời gian yên tĩnh, thích hợp để tập trung làm việc, mà không lường trước hệ lụy.

Một sinh viên thức đêm chạy deadline - Ảnh: K.LINH

Một sinh viên thức đêm chạy deadline - Ảnh: K.LINH

Dễ học, dễ làm việc do không bị làm phiền

Sinh viên là độ tuổi có sức trẻ, có nhiều thời gian để làm những việc mình yêu thích. Chính vì vậy, thay vì chạy deadline vào thời gian phù hợp trong ngày, nhiều bạn trẻ chọn cách thức khuya hoặc thậm chí thức đến sáng để làm việc.

Bạn T.L.N. (sinh viên năm 2, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: "Mình thường chạy deadline vào buổi tối vì cảm thấy có thể tập trung tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn, đầu óc thư giãn không phải nghĩ đến những việc khác. Mình hay đi các quán cà phê 24/7 vì cảm thấy đây là khoảng thời gian yên tĩnh, không bị ai làm phiền".

Tuy nhiên, N. cho biết việc thức khuya chạy deadline đã có tác động xấu đến sức khỏe và thời gian biểu của bạn. Do mệt mỏi, uể oải, phải ngủ bù vào ban ngày nên đôi khi có lịch học hay công việc bất chợt vào buổi sáng, bạn thường mất tập trung.

Nhưng thay vì sắp xếp lại thời gian biểu để sống lành mạnh hơn và cải thiện điểm số, N. vẫn chọn chạy deadline vào buổi đêm vì không thể từ bỏ thói quen thức khuya đã lâu của mình.

Khác với các bạn đồng trang lứa, Trần Phương Dung (sinh viên năm 2, Trường đại học Ngoại thương) chọn chạy deadline vào buổi sáng vì hiểu rõ hệ lụy của việc thức khuya. Do từng có một khoảng thời gian thường xuyên làm việc vào ban đêm, Dung đánh giá việc làm này không đem lại hiệu quả cao, thay vào đó còn để lại nhiều tác động tiêu cực đến công việc và học tập.

"Thức khuya làm việc tuy hiệu quả nhất thời nhưng lại sản sinh ra nhiều mầm bệnh, cơ thể suy nhược vào buổi sáng và có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, năng suất làm việc của mỗi người. Thêm vào đó, thức khuya gây mụn, những vấn đề về da… khiến mình mất tự tin, mặc cảm và điều đó vô hình trung ảnh hưởng đến các cơ hội trong công việc", Dung chia sẻ.

Chọn cày đêm để hoàn thành deadline khiến nhiều sinh viên mệt mỏi khi phải học tiếp vào hôm sau - Ảnh: K.LINH

Chọn cày đêm để hoàn thành deadline khiến nhiều sinh viên mệt mỏi khi phải học tiếp vào hôm sau - Ảnh: K.LINH

Đi làm thêm nên phải "cày" đêm

Khi được hỏi về lý do thức khuya, Trần Bảo Hân (sinh viên năm 3, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) nói rằng do ban ngày ngoài lịch học, bạn còn phải đi làm thêm để lo trang trải việc học.

Việc xếp lịch làm và lịch học xen kẽ nhau khiến Hân có rất ít thời gian rảnh để hoàn thành các bài tập được giao về nhà. Vì vậy, Hân thường dành thời gian nghỉ vào buổi tối để đua cho kịp buổi học sau.

"Mình đang thực tập ở công ty truyền thông, có nhiều việc cần làm nên một tuần phải lên công ty ít nhất 3 buổi. Trừ những ngày vướng lịch học, mình đều phải đến công ty để làm cho kịp các dự án, đôi khi còn làm đến tối.

Do vậy, dù mình rất muốn ngủ sớm nhưng không còn lựa chọn nào khác. Chịu mệt một chút nhưng mình vừa kiếm được tiền, vừa hoàn thành bài tập được giao", Hân nói.

Theo ngành quản trị công nghệ truyền thông, Nguyễn Lê Uyển Thư (sinh viên năm cuối, Trường đại học Hoa Sen TP.HCM) cũng nhiều lần thức khuya để hoàn thành các bài tập về nhà.

Thư cho biết do đang làm việc trong một câu lạc bộ về phim nên vào thời gian rảnh ban ngày bạn thường ở trường quay để phụ việc. Đồng thời, Thư muốn dành quãng thời gian sinh viên để vừa làm vừa học nhằm tích thêm kinh nghiệm, nhất là với ngành học cần nhiều trải nghiệm thực tế như ngành truyền thông.

Việc sắp xếp thời gian như vậy buộc Thư phải chạy deadline vào ban đêm vì không còn khung giờ rảnh nào khác.

Chọn cày đêm để hoàn thành deadline khiến nhiều sinh viên mệt mỏi khi phải học tiếp vào hôm sau - Ảnh: K.LINH

Chọn cày đêm để hoàn thành deadline khiến nhiều sinh viên mệt mỏi khi phải học tiếp vào hôm sau - Ảnh: K.LINH

Cơ thể mệt mỏi, tâm lý căng thẳng

Nói về vấn đề thức khuya làm việc, PGS.TS Ngô Minh Tuấn - giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM - cho hay hiện nay có nhiều sinh viên mang tâm lý đợi "nước đến chân mới nhảy", từ đó làm việc đến tận khuya, thậm chí là sáng hôm sau, một phần là vì không có kế hoạch làm việc phù hợp.

PGS.TS Ngô Minh Tuấn - giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: K.LINH

PGS.TS Ngô Minh Tuấn - giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: K.LINH

PGS Tuấn cho biết việc lấy lý do không có đủ thời gian để hoàn thành vào thời gian rảnh ban ngày là vô lý, vì bài tập cho các môn cũng đều có giới hạn thời gian rõ ràng.

Nếu đặt ra kế hoạch làm việc khoa học, tuân thủ đúng với kế hoạch đặt ra, biết tính toán sắp xếp hợp lý, phân bố thời gian phù hợp, cá nhân sẽ hoàn thành được các nhiệm vụ, làm việc sẽ đạt kết quả tốt.

"Các sai sót trong làm việc đêm nhiều nhất là khoảng thời gian từ 2-3h sáng, bởi sau một ngày làm việc, buổi tối cơ thể cần phải được nghỉ ngơi", thầy Tuấn nói.

Theo ông, việc thức khuya sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi cơ thể, tâm lý căng thẳng, phải đối phó với công việc, do đó dù năng suất có tăng cũng không thể đem lại một kết quả cao được.

Thức khuya, ngủ "nướng" tác hại thế nào?Thức khuya, ngủ 'nướng' tác hại thế nào?

Nhiều người có thói quen thức khuya nên sáng hôm sau sẽ ngủ 'nướng'. Bình minh của những người này thường vào lúc 11h-12h trưa. Thói quen ngủ 'nướng' sẽ gây hại cho cơ thể như thế nào?



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên