Chương trình tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người trẻ về bảo vệ môi trường và tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam là quốc gia đối mặt với ô nhiễm môi trường
Phát biểu tại lễ phát động, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - chia sẻ: Thông điệp của Ngày Môi trường thế giới năm 2024 là "Our Land, Our Future" (tạm dịch: Đất đai của chúng ta, Tương lai của chúng ta) nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục đất đai, chống hạn hán và sa mạc hóa, từ đó làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỉ người trên toàn thế giới.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia đang phải đối mặt với các vấn đề về hạn hán, xâm nhập mặn, thoái hóa đất và ô nhiễm môi trường đất.
Theo thống kê năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có gần 11.838 héc ta, chiếm 35,74% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước, đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa. Đặc biệt, Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là ba khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và diễn ra với tốc độ nhanh chóng, phổ biến.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh cần tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm, sống thân thiện với môi trường; tích cực tham gia các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, từ những hành động nhỏ nhất như tiết kiệm năng lượng, nước, quản lý rác thải, cải thiện môi trường không khí và giữ gìn vệ sinh môi trường, từ đó lan tỏa tới cả cộng đồng lối sống xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Ngoài ra, ông Phúc cũng kêu gọi việc tích cực phục hồi các hệ sinh thái rừng, trồng rừng và thêm nhiều cây xanh; đồng thời biểu dương, khen thưởng và động viên các cá nhân, đơn vị có đóng góp hiệu quả trong nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhiều hoạt động đa dạng hướng tới bảo vệ môi trường
GS.TS Huỳnh Văn Sơn, hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, khẳng định trong nhiều năm qua, trường luôn xác định giáo dục về môi trường và thực hiện yêu cầu có liên quan đến vấn đề này trong đào tạo và bồi dưỡng như là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Đây cũng là cơ hội để trường tổ chức tuyên truyền cho học sinh, sinh viên, các cán bộ, giảng viên về việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng nhiều phương thức khác nhau, góp phần lan tỏa sứ mệnh đến cộng đồng.
Chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 2024 là "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa", hướng tới kêu gọi các cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân trên khắp hành tinh cùng hành động để bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, cần chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn hán, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực quốc gia, vì cuộc sống và tương lai của chính mình.
Với mục tiêu lan tỏa chủ đề và thông điệp của Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Trường đại học Sư phạm TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị nhằm tổ chức các hoạt động cộng đồng như mít tinh, phong trào vệ sinh môi trường, đổi rác nhựa lấy cây xanh, thu gom pin cũ, triển lãm sản phẩm từ hội thi "Thiết kế sản phẩm STEM, STEAM trong dạy học và giáo dục bảo vệ môi trường từ các vật liệu tái chế", đạp xe vì môi trường…
Trong đó, hoạt động thu gom pin cũ mang thông điệp "Thu gom pin cũ bảo vệ Trái đất xanh" đã đạt được nhiều hiệu quả đáng kể trong cộng đồng. Theo ông Phạm Minh Dũng - giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty Y&B, chương trình thu hồi pin cũ được khởi động từ tháng 4-2022.
Trong hai năm đầu, chương trình thu được hơn 10,4 tấn pin tại TP.HCM và Hà Nội. Năm 2024, chương trình mở rộng thành 96 địa điểm thu hồi pin tại các trường học, Quận Đoàn, các hệ thống mỹ phẩm, nhà thuốc, siêu thị ở 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ. Kết quả, tổng số pin cũ thu được là 10,5 tấn, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2023 và nhiều hơn tổng lượng pin ở 2 năm đầu cộng lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận