20/04/2016 07:58 GMT+7

Sinh viên than phiền chất lượng xe buýt

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Chất lượng xe xuống cấp, sử dụng thẻ trả trước thay vé, nghiên cứu lại tổng thể xe buýt... là những ý kiến mà sinh viên (SV) TP.HCM nêu ra tại buổi trao đổi với lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM sáng 19-4.

Sinh viên các trường đi xe buýt số 6 tuyến bến xe Chợ Lớn - ĐH Nông lâm TP.HCM trưa 19-4 - Ảnh: Q.Định
Sinh viên các trường đi xe buýt số 6 tuyến bến xe Chợ Lớn - ĐH Nông lâm TP.HCM trưa 19-4 - Ảnh: Q.Định

Qua góc nhìn SV, được nói chân tình, góp ý thẳng, hiến kế ngay, chủ đề “Buýt đến trường - buýt thân thiện” tưởng cũ mà mới.

Vẫn còn tư duy ban phát, xin - cho chứ chưa xem SV là đối tượng khách hàng thật sự. Tôi rất buồn vì vẫn còn những bộ phận chưa mang tư duy phục vụ khi thực tế số khách năm sau giảm hơn năm trước

Ông BÙI XUÂN CƯỜNG (giám đốc Sở GTVT TP.HCM)

Ước mong thay đổi

Bạn Phùng Thị Diệu Hương (ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) khiến mọi người chú ý khi cho biết có SV trường báo lại đã trả tiền nhưng không được đưa vé, phải gọi điện vào đường dây nóng phản ảnh.

Sau đó các bạn được yêu cầu lên gặp trực tiếp tài xế, nhân viên, nhưng khi chưa kịp gặp đã nhận được điện thoại, tin nhắn từ số máy lạ đe dọa về việc này.

“Các bạn cũng hay bị mất đồ trên xe nên tôi nghĩ cần có biện pháp mạnh, gắn camera đồng bộ trên xe có lẽ sẽ giải quyết tốt hơn điều này” - Hương nói.

Một vài ý kiến khác cho biết bất an khi đi xe, nhất là vào những giờ cao điểm. Có SV còn nói thẳng nhìn thấy mấy người móc túi trên xe nhưng nhân viên trên xe thấy cũng làm lơ, thậm chí lát sau còn thấy hai bên nói chuyện với nhau (!).

Về điều này, giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM Đậu An Phúc cho biết đến cuối năm 2016 sẽ lắp đặt camera trên tất cả các tuyến xe. Ông Phúc nhờ SV nếu được có thể chụp ảnh lại, gửi về trung tâm để kịp thời xử lý các đối tượng móc túi, vi phạm trên xe.

“Chúng tôi đã phối hợp với cảnh sát hình sự và nhiều lực lượng khác, thời gian qua đã bắt nhiều đối tượng nhưng chuyện này chưa giảm” - ông Phúc thông tin.

SV Hồ Quốc Tuấn (ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) nói nhiều xe cũ quá, sức nóng và khói đen thải ra nếu chẳng may đứng gần khi dừng đèn đỏ. Quốc Tuấn nói số xe chạy bằng công nghệ CNG thân thiện môi trường hiện mới có 134 xe trong hơn 2.600 xe buýt toàn TP là chưa nhiều.

Thông tin lại, giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết sẽ có hơn 500 xe được đổi mới sắp tới. Còn ông Đậu An Phúc nói TP có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện, dùng xe thân thiện môi trường và ưu tiên phương tiện mới cho các tuyến hiện nhận nhiều phản ảnh về chất lượng của xe.

“Sẽ phải tiếp tục làm để thay đổi bộ mặt xe buýt, phục vụ văn minh hơn, chất lượng tốt hơn và mong các bạn chung tay nhằm thực hiện điều này để cùng ngành vận tải TP giảm ùn tắc, tai nạn giao thông ở TP chúng ta” - giám đốc Sở GTVT TP đề nghị.

Văn hóa xe buýt phải từ hai phía

Phó giám đốc Sở GTVT Lê Hoàng Minh nói ngành vận tải TP tri ân SV vì thống kê cho thấy hơn 50% khách hàng thường xuyên sử dụng các phương tiện vận tải công cộng của TP là SV.

Ông thừa nhận việc phục vụ của xe buýt còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng hết nhu cầu SV cũng như sự kỳ vọng của lãnh đạo TP, nhất là vẫn còn những phản ảnh về thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên.

Có mặt tại buổi gặp, ông Lương Trọng Thọ - tài xế tuyến xe 52 - được SV bình chọn tài xế thân thiện, chân tình: “Các bạn SV thân thiện, dễ thương với mình thì cớ gì mình lại không thể thân thiện với các bạn”. Ông nói ngày chủ nhật ở nhà là thấy nhớ SV lắm.

Tuy vậy, chuyện văn hóa ứng xử trên xe buýt cũng được SV nghiêm túc nhìn nhận. Bạn Nguyễn Trần Hải Đăng (ĐH Luật TP.HCM) nói nhiều SV không biết nhường ghế cho người già, ăn uống và nghe nhạc ồn ào trên xe..., rất cần phải xem lại.

Trong khi đó, SV Phạm Thị Kim Hòa (ĐH Công nghệ thông tin) đặt câu hỏi: “Có phải tất cả SV khi đi xe buýt đều thân thiện với tài xế, nhân viên không?”. Và Hòa chỉ ra thực tế nhiều SV ý thức kém, không chịu xếp hàng khi chờ xe buýt tới, nhất là vào giờ cao điểm cứ chen lấn như đi mua đồ giảm giá!

Nhiều bạn kiến nghị cần có các lớp tập huấn cho tài xế, nhân viên phục vụ xe buýt về giao tiếp, ứng xử để làm việc tốt hơn.

Từ các ý kiến này, Chủ tịch Hội SV VN TP.HCM Lâm Đình Thắng nói xây dựng văn hóa ứng xử, văn hóa xe buýt của SV TP là trách nhiệm mà Hội SV phải làm thời gian tới. “Mong Sở GTVT có chính sách hỗ trợ SV khó khăn sử dụng xe buýt. Hội SV TP và sở sẽ hợp tác, hỗ trợ tốt hơn để cùng thay đổi, tạo ra hình ảnh thân thiện cho xe buýt TP” - anh Thắng nói.

Dịp này, ông Bùi Xuân Cường đã trao cho anh Lâm Đình Thắng 100 suất hỗ trợ đi xe buýt miễn phí trong suốt một năm, trị giá 135 triệu đồng cho SV nghèo của TP. Ngoài ra, 5.000 bản đồ các tuyến xe buýt của TP cũng được gửi tặng SV.

Dành vé hỗ trợ người nghèo!

Bạn Phạm Thị Kim Vân (ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) nói cảm ơn vì nhờ có xe buýt mà bạn có thể đi đến bất kỳ đâu của TP suốt hai năm qua dù mình là SV khuyết tật. Nhưng cũng từ thực tế bản thân, Kim Vân tha thiết mong có những hướng dẫn để người lành lặn đi xe buýt có kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật như mình vì “nhiều người muốn giúp mà không biết giúp thế nào!”.

Ông Lê Hoàng Minh hỏi Vân có biết bạn được miễn phí khi đi xe buýt không, Kim Vân nói có biết nhưng không làm thẻ mà vẫn trả tiền như những người khác.

“Bản thân tôi hay các bạn khuyết tật khác vẫn có khả năng kiếm tiền và việc trả vài ngàn đồng cho một lần đi xe được mà” - Vân tự tin.

Nghe vậy, ông Bùi Xuân Cường nói đây là chính sách của TP mà các bạn được hưởng.

“Xin hãy dành tiền đó hỗ trợ cho người nghèo đi xe buýt, chỉ mong tài xế đừng bỏ qua những hành khách như chúng tôi” - Vân khảng khái trong tiếng vỗ tay của cả hội trường.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên