01/01/2014 15:17 GMT+7

Sinh viên Tây sang ta học y

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TT - Đông bệnh nhân, nhiều bệnh hiếm mà thế giới không có, làm việc trong môi trường không đầy đủ phương tiện... là những yếu tố khiến các bệnh viện ở VN thu hút nhiều sinh viên y khoa nước ngoài tới học việc.

TKc2FcrF.jpgPhóng to
Bác sĩ Đinh Thị Thảo Mai - phó khoa nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy - hướng dẫn Daniel Klaphake (sinh viên ĐH Y khoa Innsbruck, Áo) chẩn đoán cho bệnh nhân - Ảnh: Bình Minh

Trong không khí hối hả và bận rộn ở phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), một cô gái dáng người nhỏ nhắn đang chăm chú quan sát các bác sĩ khám cho bệnh nhân.

Thi thoảng cô lại đặt câu hỏi và cẩn thận ghi chép lại. Cô là Nguyễn Hoàng Linh, sinh viên ĐH Griffith (Úc), thực tập tại khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy.

Linh sinh ra và lớn lên tại Úc. Suốt 27 năm qua, Linh chỉ được biết về VN qua sách báo và chỉ một lần về VN chơi cùng gia đình vào đầu năm 2010.

Cơ hội thực tập

"Bác sĩ chỉ dẫn chúng tôi từng chút một. Có khi không diễn đạt được do cách biệt ngôn ngữ, họ cố gắng dùng ngôn ngữ cơ thể để giải thích. Ở Úc, sinh viên không hỏi được nhiều như vậy. Tôi ước gì có thể ở lại khoa để học thêm"

TAVISH FERNANDO (sinh viên ĐH Newcastle, Úc, thực tập tại khoa phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy)

Đến thực tập tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các học viên được cọ xát nhiều với thực tế và nhìn thấy các bệnh ít gặp nơi họ sinh sống.

Bác sĩ Lâm Văn Hoàng, phó khoa nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ngoài môi trường phong phú về bệnh tật, Chợ Rẫy còn là nơi tập trung nhiều ca khó, nặng của cả miền Nam và miền Trung như đái tháo đường có biến chứng nặng - đặc biệt biến chứng bàn chân, hôn mê do nhiễm axit tonic, bệnh lý tuyến giáp, cường giáp có biến chứng...

Một trong những nguyên nhân khiến các ca bệnh tại VN nặng hơn là bệnh nhân nhập viện muộn, đợi đến lúc bệnh trở nặng mới đi khám. Trong khi đó, phần lớn bệnh nhân ở nước ngoài đến bệnh viện từ rất sớm nên các bệnh đều ở mức độ nhẹ.

“Ở Úc, gan vàng chút xíu là người ta vô nhà thương rồi, ở đây bệnh nhân bị nặng đến mức cơ thể xuất huyết tím hết. Trước đây tôi chỉ đọc trong sách, lúc gặp mới biết người ta bị xuất huyết thế nào” - Linh kể về một trường hợp mà cô gặp chỉ trong ngày đầu tiên vừa vào khoa.

Theo BS Hoàng, học viên thường chọn học tại khoa cấp cứu, khoa phỏng, khoa nội tiết hay khoa bệnh nhiệt đới, vì bên cạnh các ca nặng còn có các ca hiếm gặp ở những nước tiên tiến. Đây cũng là một trong những điểm thu hút sinh viên nước ngoài sang Bệnh viện Chợ Rẫy học.

Khi được chúng tôi hỏi về những cảm xúc trong thời gian ở khoa, nét mặt của Julian Kelman, sinh viên ĐH Newcastle (Úc), thực tập tại khoa phỏng, thoáng chút sợ hãi: “Ở Úc chúng tôi rất ít gặp trường hợp phỏng điện, cũng không có ai dùng axit để tấn công người khác, nên lần đầu tiên đến khoa tôi sợ và bị sốc khi thấy bệnh nhân quằn quại vì đau đớn”.

Tương tự, Eva Unterpaintner, sinh viên ĐH Regensburg (Đức), chia sẻ: “Lần đầu tiên thấy người ta bị phỏng, toàn thân cháy đen, tôi sợ kinh khủng”. Nói rồi cô lắc đầu bảo mong sao mình có thể làm gì đó để cứu các bệnh nhân đang oằn mình vì những cơn đau.

Bên cạnh làm quen với các ca bệnh hiếm gặp, học viên phải tập làm việc trong môi trường thiếu dụng cụ, điều ít gặp ở các bệnh viện nước ngoài. TS.BS Lâm Việt Trung, trưởng khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết để tiết kiệm chi phí, đặc biệt là trong các phẫu thuật đòi hỏi dụng cụ mắc tiền như nội soi, các bác sĩ VN thường tìm cách cải tiến các dụng cụ nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh và chất lượng cuộc phẫu thuật. Điều này giúp học viên nâng cao kỹ năng thực hành, đồng thời linh hoạt hơn trong quá trình khám, chữa bệnh.

“Ở Đức chúng tôi dùng máy khâu vết thương, nhưng thời gian ở đây tôi đã học khâu bằng tay” - Eva nói, không quên “khoe” tay nghề của cô đã khá hơn rất nhiều nhờ tập làm những công việc đơn giản ấy.

Một điểm khác biệt nữa giúp học viên có thêm kinh nghiệm là số bệnh nhân ở bệnh viện VN rất đông, đòi hỏi bác sĩ phải làm việc nhanh nhạy hơn.

Theo Daniel Klaphake - sinh viên ĐH Y khoa Innsbruck (Áo), tại Đức quê hương anh, mỗi phòng chỉ có bốn bệnh nhân, mỗi bệnh nhân nằm giường riêng, trong khi VN có tới 16 bệnh nhân/phòng, tức nhiều gấp 2-3 lần và hai bệnh nhân phải nằm chung giường.

“Ở Úc, trong ca trực cấp cứu tám tiếng, một bác sĩ chỉ khám được 8-10 bệnh nhân, mỗi bệnh nhân họ khám khoảng 30 phút. Nhưng ở VN cùng thời gian đó, bác sĩ phải khám đến mấy chục bệnh nhân, bắt buộc phải thao tác lẹ hơn vì chỉ có gần 10 phút để khám cho một người. Hơn nữa ở Úc lúc học cái gì cũng đủ hết, tôi chỉ biết cách khám bệnh lúc có đủ phương tiện chứ lúc thiếu thì không biết làm sao” - Linh chia sẻ về điểm nổi bật mà cô nhận thấy tại các bệnh viện VN.

Tôi yêu VN

Daniel đến VN và ở cùng một người bạn ngay khu trung tâm TP. Anh cho biết bên cạnh việc muốn thử sức ở môi trường bệnh viện thật sự khác với các nước châu Âu, lý do lớn nhất khiến anh sang VN thực tập là vì anh yêu đất nước và con người VN.

“Tôi rất muốn tìm hiểu thêm về nơi này, vì thế tôi nghĩ sang đây thực tập là cách tốt nhất vì có nhiều cơ hội tiếp xúc với người bản xứ” - anh nói.

Chính vì suy nghĩ ấy nên ngoài học tập kinh nghiệm, Daniel còn quan sát những điểm khác biệt về văn hóa giữa VN và quê hương mình.

“Ở bệnh viện VN, mỗi bệnh nhân luôn có 2-3 người thân chăm sóc, giúp người bệnh thay đồ, thay khăn trải giường. Điều này rất thú vị. Còn ở Đức bệnh nhân thường phải ở một mình, mọi việc có y tá làm hết vì thân nhân thường rất bận nên ít khi vào thăm. Cách vài bữa họ mới vào thăm một lần” - anh cười bày tỏ sự khâm phục tình cảm gắn bó mà những người thân trong gia đình ở VN dành cho nhau.

Dù bận rộn với lịch học cách mấy, Daniel vẫn cố gắng dành những ngày cuối tuần để tham quan nhiều địa điểm ở VN như Mũi Né, sông Mekong hay Cần Thơ.

“Tôi nhất định sẽ quay lại VN để du lịch vì đây là một đất nước tuyệt vời. Người VN lại cực kỳ dễ thương, thân thiện. Thức ăn ở VN ngon vô cùng, tôi rất thích phở và gỏi cuốn. Tôi yêu Cần Thơ, yêu cả chợ nổi nữa” - Daniel liến thoắng kể về những tình cảm thôi thúc anh lên kế hoạch quay lại VN ngay khi còn chưa kết thúc khóa học.

Khoảng 150 học viên/năm

Theo TS.BS Nguyễn Ngọc Bích - trưởng phòng đào tạo, trung tâm đào tạo - chỉ đạo tuyến Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện triển khai đào tạo cho người nước ngoài từ năm 1999, và là một trong những bệnh viện VN cấp giấy chứng nhận được quốc tế công nhận. Mỗi năm có khoảng 150 học viên nước ngoài đến từ các nước Úc, Đức, Pháp, Áo, Mỹ...

Để được đứng lớp, các bác sĩ phải trải qua lớp tập huấn sư phạm y học, có kinh nghiệm làm việc từ năm năm trở lên, đồng thời có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Theo ông, một số bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy là giảng viên của ĐH Y dược TP.HCM, vì vậy rất thuận lợi trong việc đào tạo cho các học viên người nước ngoài vì họ có cả kinh nghiệm giảng dạy lẫn chuyên môn.

TS.BS Lâm Việt Trung, trưởng khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết các học viên đều có thái độ nghiêm túc, kỷ luật tốt, luôn chủ động đặt câu hỏi và đóng góp ý kiến trong các buổi học. Trong quá trình phụ mổ, bên cạnh việc tích cực hỗ trợ các bác sĩ, các học viên luôn chăm chú quan sát và ở lại đến khi ca mổ kết thúc. Bên cạnh giờ học tại bệnh viện, thỉnh thoảng các bác sĩ và học viên còn có các buổi giao lưu ngoài giờ để trao đổi thêm kinh nghiệm.

Theo BS Trung, BS Hải Bùi (người Úc gốc Việt) sau khi kết thúc khóa học phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào năm 2009 nay đã là chuyên gia mổ nội soi có tiếng tại Melbourne. Tháng 6 vừa qua, anh Hải còn quay lại VN để báo cáo chia sẻ nhiều kinh nghiệm tại Hội nghị quốc tế về phẫu thuật nội soi ung thư thực quản tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Còn BS Lâm Văn Hoàng, phó khoa nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay học viên từ các nước như Đức, Nhật rất thích sang VN học vì họ cho rằng chứng chỉ thực hành ở Bệnh viện Chợ Rẫy được đánh giá cao nhờ môi trường thực hành tốt, khả năng làm việc của học viên cũng được nâng lên.

Hơn 10.000 sinh viên nước ngoài đang học tại VN

Ngày 30-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Vang - cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) - cho hay hiện nay có trên 10.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập ở VN. Trong đó, có trên 5.000 được nhận học bổng của Chính phủ VN, các địa phương và các trường đại học. Số còn lại là tự túc và học bổng của các trường nước ngoài gửi vào VN học tập.

Số lượng lưu học sinh nước ngoài nhiều nhất là Lào (trên 7.000), tiếp đó là Trung Quốc (khoảng 3.500, chủ yếu là tự túc), sau đó là Campuchia. Lưu học sinh Lào và Trung Quốc có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Sinh viên các nước Hoa Kỳ, Anh, Úc, châu Âu đến VN học tập thông qua các chương trình trao đổi với các cơ sở giáo dục VN hoặc theo chương trình Study abroad của các trường nước ngoài. Hiện tại các nước gửi sinh viên sang VN theo học bổng hiệp định giữa Chính phủ VN và các nước gồm: Canada, Nga, Belarus, Ukraine, Kazakhstan, Romania, Mozambique, Angola, Hungary, Bulgaria, Ba Lan, Czech, Cuba, Mông Cổ, Sri Lanka, Palestine, Iran, Trung Quốc, Lào, Campuchia.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên