Sinh viên khoa toán - tin Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng mà sinh viên sư phạm Việt Nam nhận được tới đây ngang với mức hỗ trợ mà sinh viên quốc tế (Lào, Campuchia) được nhận khi học tại Việt Nam.
Chưa từng có
Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15-11 tới. Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học.
Ngoài ra, sinh viên còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt. Nguồn kinh phí cho sinh viên sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho GD-ĐT tại các địa phương, bộ, ngành theo quy định hiện hành.
Ông Cao Bá Cường, trưởng phòng công tác chính trị sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cho biết khi trường đăng thông tin nghị định 116, sinh viên đều ngỡ ngàng và bàn tán sôi nổi.
"Phải nói là chưa bao giờ sinh viên ngành sư phạm nhận được mức hỗ trợ tốt như thế này. Với mức hỗ trợ này thì sinh viên trường tôi không cần sự giúp đỡ của gia đình nữa. Ở ký túc xá Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, sinh viên chỉ mất 100.000 đồng/tháng, số tiền hỗ trợ hoàn toàn đủ để trang trải chi phí ăn uống, sinh hoạt" - ông Cường nói.
Sinh viên sư phạm nhận kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước có trách nhiệm trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp sẽ phải công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng. Nếu đảm bảo điều này thì sinh viên không phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong khu tự học của trường - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Trong trường hợp ra trường sau hai năm (kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp) mà không công tác trong ngành giáo dục, sinh viên phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đã nhận từ Nhà nước. Ngoài ra, những sinh viên đang trong thời gian đào tạo có nhu cầu chuyển ngành, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học sẽ có trách nhiệm bồi hoàn khoản hỗ trợ họ đã nhận.
Hỗ trợ để nâng cao chất lượng đào tạo
Ông Trần Tú Khánh, vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết chính sách không thu học phí được thực hiện hơn 20 năm qua đã góp phần tích cực trong việc thu hút sinh viên vào ngành sư phạm.
Tuy nhiên, thực trạng trong thời gian qua sinh viên ra trường không làm đúng ngành gây lãng phí ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, kinh phí cấp chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo sư phạm còn hạn chế trong khi các trường không được thu học phí, dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo.
"Nghị định 116 được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách này, giúp học sinh, sinh viên yên tâm học tập tốt, đồng thời thu hút sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm, xây dựng cơ chế đào tạo gắn với việc sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp nhằm tránh tình trạng sinh viên sư phạm làm trái ngành và thừa thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra tại các địa phương" - ông Khánh nói.
Còn ông Cường cho hay băn khoăn lớn nhất của các sinh viên sư phạm là khi ra trường nếu không thể xin được việc làm thì phải làm thế nào vì theo ông, đầu ra của sinh viên sư phạm hiện giờ vẫn là bài toán khó: "Kết nối giữa tỉnh và các trường sư phạm chưa tốt. Những năm gần đây chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm rất thấp so với 5-6 năm trước vì tỉ lệ sinh viên ra trường làm không đúng ngành rất cao".
Nghị định 116 quy trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh hằng năm căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên, xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm phù hợp nhu cầu sử dụng.
UBND tỉnh thực hiện công khai nhu cầu đào tạo giáo viên, kết quả giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với các cơ sở đào tạo giáo viên, kế hoạch tuyển dụng và bố trí vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn (phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Sinh viên yên tâm theo đuổi nghề
GS.TS Huỳnh Văn Sơn
Tôi cho rằng đây là một trong những vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng rõ đến quá trình đào tạo giáo viên. Một mặt, chính sách này thay thế những quy định đã thiếu tính cập nhật, thực tiễn; mặt khác, chính sách này thể hiện rõ định hướng đào tạo dựa trên nhu cầu, đào tạo để sử dụng, đào tạo để đáp ứng...
Ngoài ra, chính sách còn góp phần đào tạo gắn với trách nhiệm của các địa phương, tránh tình trạng sinh viên sư phạm làm trái ngành và thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Mức hỗ trợ này khá phù hợp để sinh viên sư phạm có thể an tâm học tập, theo đuổi nghề nghiệp, nhất là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng như gặp những thách thức trong học tập.
Thực tế cho thấy dù ít vẫn có những trường hợp các em chưa thật an tâm theo nghề bởi những lo lắng, trăn trở của bản thân về tài chính. Do vậy, đây sẽ là một giải pháp mang tính tác động tâm lý tích cực để các bạn yêu thích nghề sư phạm và gắn bó nghề sẽ an tâm để chọn nghề từ rung cảm của bản thân.
Điều cần nhấn mạnh là chính sách đã được nghiên cứu tác động giả định trên bình diện khảo sát, nhưng cũng cần có thêm thời gian để có thể đảm bảo tính khả thi. Cần nhất vẫn là sự kết hợp đúng nghĩa của hai nhánh: đề xuất - đào tạo; đào tạo - sử dụng; và sau đó là thực thi chức năng: kiểm tra, giám sát. Đó là vấn đề cần chú ý để đảm bảo tính hiệu quả dài lâu.
TR.HUỲNH ghi
Quan trọng là việc làm sau khi ra trường
* Hiện sinh viên sư phạm đã được miễn học phí, nay được hỗ trợ thêm 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí nữa nên tất nhiên là vui rồi, nhưng thật sự cũng còn băn khoăn.
Tôi cho rằng thà sinh viên sư phạm phải đóng học phí với mức như các trường công lập bình thường khác để nhà trường có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại là điều cần thiết hơn.
Với không ít sinh viên sư phạm, việc chi trả học phí không còn quá quan trọng và điều tất cả các bạn đều quan tâm hơn là việc làm sau khi ra trường. Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đảm bảo 100% sinh viên sư phạm ra trường đều có việc làm đúng ngành nghề được đào tạo sẽ tốt hơn nhiều so với việc miễn học phí.
Nguyễn Thị Ý Như (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
* Tôi cho rằng Nhà nước có thể thu học phí sinh viên sư phạm với mức hợp lý, đồng thời tăng nhiều loại học bổng giá trị cao để tạo động lực cho sinh viên phấn đấu học tập sẽ tốt hơn, thay vì miễn học phí và trợ cấp chi phí sinh hoạt.
Bên cạnh đó, nhà trường cần ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo sư phạm thật hiện đại, chứ thực tế hiện nay phòng học nóng, máy chiếu hư... nên hiệu quả học tập của sinh viên không cao.
Điều quan trọng hơn nữa là khảo sát nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở các địa phương để xác định chỉ tiêu đào tạo phù hợp, tránh tình trạng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp.
Đặng Nhật Ánh (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận