Theo quy định của Bộ Công thương, giá bán lẻ điện sinh hoạt được tính theo sáu bậc. Bậc 1 với mức tiêu thụ điện từ 0-50 kWh, giá điện là: 1.388 đồng/kWh; cao nhất là bậc 6 với mức tiêu thụ từ 401kWh trở lên, giá 2.399 đồng/kWh. Tuy nhiên, các chủ nhà trọ ở Huế đã thu tiền điện của sinh viên thuê trọ với giá gấp 2-3 lần.
Khu nhà trọ sinh viên ở số 8/205 đường Bà Triệu (TP Huế) có 12 phòng, mỗi phòng có đồng hồ điện riêng như một hộ gia đình. Mức tiêu thụ điện mỗi tháng của các phòng đều dưới 50kWh nhưng sinh viên phải trả tiền điện với giá 4.000 đồng/kWh suốt một năm qua.
Tương tự, khu nhà trọ 28/85 đường Nguyễn Huệ có 14 phòng với hơn 30 sinh viên thuê trọ, cũng trả tiền điện theo giá 4.000 đồng/kWh. Trong khi đó, khu nhà trọ số 34 và 10/44 đường Bà Triệu, mặc dù sinh viên ở đây đã đăng ký tạm trú và đăng ký hỗ trợ giá điện cho sinh viên nhưng chủ trọ vẫn thu với giá 3.500 đồng/kWh.
“Chúng tôi phản đối tiền điện quá cao và không theo đúng quy định của ngành điện; chủ trọ trả lời ở được thì ở, không thì đi chỗ khác. Chúng tôi tìm hiểu tại nhiều nhà trọ khác cũng tính giá điện như vậy, đành chấp nhận trả, dù rất bất bình” - một sinh viên ở trọ trên đường Bà Triệu cho biết.
Khó xử lý Theo ông Hà Thanh Long, việc phát hiện và xử lý các chủ trọ thu tiền điện cao hơn quy định cũng rất khó, vì sinh viên ngại đứng ra làm chứng. Nếu phát hiện các trường hợp thu tiền điện sai quy định, sinh viên có thể liên hệ phòng kinh doanh của Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế theo số điện thoại: 054.2210208 hoặc website của công ty này để được giải quyết. |
Theo kết quả khảo sát trên mạng xã hội do một nhóm sinh viên thực hiện, với hơn 500 sinh viên thuê trọ tại Huế tham gia, cho thấy họ bị thu tiền điện cao hơn giá quy định ưu đãi cho sinh viên, với nhiều kiểu giá, từ 2.500-4.000 đồng/kWh.
Chi phí tiền điện mỗi tháng của một phòng trọ sinh viên (hai người) bằng một hộ gia đình (bốn người với nhiều thiết bị sử dụng điện).
Lý giải về điều này, các chủ trọ đều có chung câu trả lời là họ phải thu tiền điện cao hơn thực tế để bù lỗ chênh lệch giữa đồng hồ chính và các đồng hồ phụ.
Bà Trương Thị Khánh Trang, chủ nhà trọ số 8/205 Bà Triệu, cho biết đồng hồ chính của ngành điện lực lắp đặt chạy nhanh hơn các đồng hồ phụ do Trung Quốc sản xuất mà các chủ trọ tự lắp đặt cho các phòng trọ, nên phải thu cao hơn để bù vào số điện hao hụt.
Tương tự, ông Trần Văn Đề, chủ trọ số 10/44 Bà Triệu, cho rằng: “Nếu ngành điện hỗ trợ sinh viên theo giá thấp thì cứ mời họ đến lắp đồng hồ rồi tự thu tiền điện của sinh viên. Chủ trọ chúng tôi khỏi phải dính líu đến chuyện tiền điện”.
Ông Hà Thanh Long, phó giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, cho rằng rất bất ngờ khi biết có hàng ngàn sinh viên bị thu tiền điện cao hơn gấp đôi, gấp ba so với giá quy định. Theo ông Long, nhiều chủ trọ viện lý do hao hụt phát sinh để thu tiền điện cao, tuy nhiên ngành điện lực chỉ quản lý đến đồng hồ tổng của hộ chủ trọ, còn các đồng hồ phụ do các chủ trọ tự mua và lắp đặt thì ngành điện không quản lý.
“Chúng tôi sẵn sàng lắp đặt đồng hồ riêng cho sinh viên để tính tiền theo giá ưu đãi, nhưng cái khó ở đây là việc thuê trọ của sinh viên không ổn định, khó thống nhất với nhau để có một sinh viên đại diện đứng ra làm hợp đồng và thanh toán tiền điện hằng tháng” - ông Long nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận