Đừng để tiệc sinh nhật thành gánh nợ - Ảnh: Giphy
Tôi một một người bạn cùng quê, học chung phổ thông, mời đi dự tiệc sinh nhật. Nghe bạn nói tổ chức tại một quán ăn khá sang trọng, tôi choáng, vì đang là sinh viên, cha mẹ làm nông nghiệp.
Khi tới nơi, tôi thấy 3 bàn tiệc được bày biện từ đặc sản cho tới vài món hải sản... Các thùng bia chai xếp dưới chân bàn. Bạn tôi bảo: "Sinh nhật lần này, mình tổ chức xôm tụ hơn chút xíu so với những năm trước, bởi ngoài số bạn học cùng, mình còn mời một số người bạn ở chỗ đi làm thêm, tổng khoảng 30 người!".
Số tiền mà cậu bạn tôi phải trả cho buổi tiệc sinh nhật là 9 triệu đồng.
Lo không biết bạn sẽ lấy tiền ở đâu mà làm sinh nhật hoành tráng như vậy, nên tôi hỏi, và bạn bảo: "Bạn cũng thừa biết là mình đâu có tiền, nhưng đợt này mới xin đi làm thêm, có quen người mới, vì vậy mình tổ chức sinh nhật hoành tráng chút cho vui, và tạo mối quan hệ...
Mình vay lãi, và dự định trả nợ dần trong khoảng 3 tháng bằng tiền thu nhập từ đi làm thêm".
Năm sau hoành tráng hơn năm trước
Hoàn cảnh của Hùng, sinh viên năm 2 một trường đại học, hiện thuê nhà trọ ngay gần khu tôi sinh sống là một trong các trường hợp như vậy. Nhà Hùng nghèo, bố mẹ làm ruộng. Lên thành phố học, Hùng ở ghép chung tới 4 người bạn, với mong muốn chia sẻ cho nhẹ gánh tiền phòng trọ.
Nhưng cậu luôn thích phô trương, muốn hoành tráng, mà bằng chứng thông qua những buổi tiệc sinh nhật. Năm trước, khi mới lên thành phố học chưa tròn năm, Hùng tổ chức ở quán cà phê lớn, mời 50-60 bạn bè tới chung vui. Số tiền chi trả cho bữa tiệc ấy lên tới hơn 2 triệu đồng, và nghe nói sau hai tháng Hùng mới trả hết nợ.
Năm nay, Hùng "lên đời" khi tổ chức ở quán nhậu hải sản, hết hơn 7 triệu đồng. Tiền lương làm thêm của Hùng phải mấy tháng mới trả đủ.
Trường hợp của sinh viên tên Tuấn, mà tôi biết thông qua một người bạn, món nợ tổ chức sinh nhật thực sự làm Tuấn khốn khổ.
Bạn tôi kể, Tuấn thích làm sinh nhật hoành tráng nên cũng mời bạn bè, rồi tổ chức ở nhà hàng, chi khoảng 8 triệu đồng.
Tuấn phải đi vay lãi, với mức lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/ngày. Như vậy, mỗi ngày qua đi khi chưa trả được nợ, Tuấn phải trả lãi 40.000 đồng.
Tôi không bao giờ làm tiệc sinh nhật hoành tráng, rồi phải nai lưng trả nợ, chẳng khác gì tự mình rước lo nghĩ.
Tiền ít, tôi tổ chức theo kiểu bạn bè tụ tập, mua ít trái cây, nước ngọt rồi cùng nhau ăn, uống, hát hò cho vui.
Không có điều kiện tiền bạc, tạm quên ngày sinh nhật cũng chẳng ai cười chê.
Lúc đầu Tuấn dự định làm thêm để lấy tiền trả nợ. Nhưng sinh nhật qua đi cả tháng, Tuấn vẫn không tìm được công việc phù hợp.
Cậu ta chẳng còn cách nào khác là gọi điện về nhà, nại ra nhiều lý do để xin tiền: tiền học thêm tiếng Anh, tiền mua máy tính, tiền phòng trọ tăng...
Bố mẹ Tuấn ở quê dẫu tin con cũng không thể đáp ứng một lúc ngần ấy tiền, mà chỉ mỗi tháng "phụ trội" thêm một khoản tiền mà Tuấn nói dối so với khoảng 3 triệu là khoản "cứng" hàng tháng vẫn gửi. Vì vậy mà mỗi tháng Tuấn chỉ giải quyết được một ít tiền nợ gốc và tiền lãi.
Gần nửa năm sau Tuấn mới trả hết nợ, do kiếm được việc làm. Nghe nói, chỉ riêng số tiền lãi gần bằng số tiền gốc.
Phần lớn sinh viên hiện nay thuộc diện ăn bám của bố mẹ, nên đừng chạy đua, mà hãy tổ chức tiệc sinh nhật thật đơn giản, lượng theo sức mình. Ngay cả có thể đi làm thêm để trang trải số nợ vay tổ chức tiệc cũng không nên làm vậy, vì tự mình làm khổ mình.
Muốn tiệc sinh nhật hoành tráng, rồi nói dối cha mẹ bằng các khoản "hợp lý" để xin tiền trả nợ thì lại càng không bao giờ nên, vì bạn phải biết rằng cha mẹ ở quê, nhất là những người làm nông nghiệp phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, lao tâm khổ tứ, thức khuya dậy sớm... mới có thể làm ra được đồng tiền.
Thăm dò ý kiến
Bạn tổ chức sinh nhận như thế nào?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận