Đây là hoạt động trao đổi sinh viên lần đầu được triển khai giữa Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng và Tổ chức Trường Kỹ thuật chuyên nghiệp (KOSEN) của Nhật.
Thầy Việt, trò Nhật
Lớp học những buổi chiều giữa tháng 9-2023 của ThS Nguyễn Văn Thông - phó trưởng bộ môn cơ khí chế tạo, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng - có thêm sự xuất hiện của 11 bạn trẻ người Nhật. Sinh viên Nhật ngồi học cùng các bạn Việt Nam. Đứng lớp, thầy Thông lần lượt giới thiệu về các nguyên lý, thao tác, kỹ thuật cơ bản với các loại máy phay, tiện CNC. Tuần tự sau những phần học lý thuyết, sinh viên sẽ được thực hành đứng máy trực tiếp, đảm nhận phần việc như trong một dây chuyền công nghiệp thực tế.
Một bên sinh viên Việt, một bên sinh viên Nhật và ngôn ngữ của lớp học đặc biệt này là tiếng Anh. Đôi lúc giảng đến những thuật ngữ kỹ thuật phức tạp, ThS Nguyễn Văn Thông sẽ hướng dẫn kỹ hơn bằng tiếng Việt cho nhóm "sinh viên nhà". Với "nhóm khách", thầy tìm được một sinh viên của trường biết tiếng Nhật, sẵn sàng hỗ trợ phiên dịch cho các bạn người Nhật khi gặp phải những khái niệm khó cho các bạn hiểu bằng tiếng Anh.
"Để chuẩn bị cho tuần lễ đứng lớp này, tôi phải dành nhiều công sức hơn đầu tư bài giảng. Các tài liệu cũng được phiên dịch cẩn thận. Những sinh viên Nhật thường rất chủ động hỏi sâu hơn về các chi tiết trong bài. Nhiều câu hỏi cũng rất hóc búa", ThS Nguyễn Văn Thông nói.
"Nhật rất mạnh về kỹ thuật, công nghệ. Sinh viên Nhật qua đây học có bị "chỏi" về kiến thức, kỹ năng không?", chúng tôi hỏi. Thầy Thông giải thích hầu hết những nội dung học về kỹ thuật bộ môn cơ khí chế tạo máy đều không khác biệt giữa các quốc gia sử dụng cùng một dòng máy, chẳng hạn dòng máy Nhật, dòng châu Âu... Nếu khác dòng, người đứng máy sẽ cần thời gian làm quen, nhưng các kỹ thuật cơ bản vẫn như nhau.
"Chúng tôi dạy sinh viên của mình nhiều dòng máy, trong đó có dòng của Nhật. Do đó, sinh viên từ Nhật sang vẫn có thể học như ở nước bạn", thầy Thông nói.
Thêm góc nhìn từ thực tế
Những nội dung về cơ khí chế tạo của ThS Nguyễn Văn Thông là phần thứ ba mà các sinh viên Nhật được học trong một tháng tại Việt Nam. Trước đó, các bạn đã trải qua những tuần học về điện lạnh và điện - điện tử. Bạn Kusunoki Takeru - chuyên ngành điện tử trong chương trình KOSEN (Nhật) - cho biết ở Nhật, trước khi vào chuyên ngành chính các bạn sẽ học chung một số môn về công nghệ, kỹ thuật. Vì thế với bạn, một vài nội dung "trái ngành" như về điện lạnh hay cơ khí dù đã từng được học nhưng không được sâu như học tại Việt Nam.
Một điểm lý thú khác, Takeru cho biết ở Nhật, phần nhiều các nội dung bạn được học nhằm áp dụng cho quy mô công nghiệp. Chẳng hạn như điện lạnh, những gì bạn được học hầu hết để dùng trực tiếp cho các tòa nhà, nhà máy, công ty...
Ở Việt Nam, ngoài những kiến thức "vĩ mô" như thế, các bạn được học về điện lạnh gia dụng, được hướng dẫn cách tháo lắp, sửa chữa những lỗi của máy lạnh gia đình. "Giờ thì mình biết sửa máy lạnh cho nhà mình luôn" - bạn Takeru nói.
ThS Nguyễn Hữu Quyền, phó trưởng khoa công nghệ nhiệt - lạnh Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết các chuyên gia của hãng máy lạnh DAIKIN cũng được các thầy mời đến các buổi dạy, nhằm giúp các sinh viên Việt Nam và Nhật có thêm những góc nhìn mới về điện lạnh trong thực tế.
DAIKIN cũng là một thương hiệu lớn của Nhật, từ đó cũng sẽ giúp cho các bạn sinh viên Nhật hiểu được những nét tương đồng của công nghệ khi được áp dụng tại Nhật và một vài hiệu chỉnh để phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
Trải nghiệm giáo dục, văn hóa Việt Nam
TS Lê Đình Kha - hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng - cho biết 11 sinh viên Nhật đến trường trao đổi là một phần trong hợp tác quốc tế giữa trường và Tổ chức KOSEN của Nhật. Trước đó, một số sinh viên Nhật đến trường tham quan hoặc tham gia một số cuộc thi nhưng đây là lần đầu tiên các bạn Nhật đến học trực tiếp trong khoảng thời gian một tháng. Nội dung học được trải rộng trên nhiều môn kỹ thuật. Ngoài ra, các bạn cũng được học tiếng Anh, tiếng Việt. Mục đích cuối cùng là giúp các bạn có thật nhiều trải nghiệm giáo dục và văn hóa Việt Nam.
Bạn Toyosaki Haruto - chuyên ngành cơ khí trong chương trình KOSEN - ấn tượng với bài học tiếng Việt ở trường. Các bạn được học từ cách phát âm đến những mẫu câu cơ bản. Haruto chia sẻ bạn đã biết cách hỏi mua đồ và trả giá bằng tiếng Việt. "Tôi còn được học những quy tắc ứng xử trong văn hóa Việt Nam, từ cách đi đứng, chào hỏi đến cách giao tiếp, ứng xử với thầy cô, bạn bè... Tôi rất hào hứng với những bài học văn hóa ngay trong một trường kỹ thuật", bạn Haruto nói.
Bạn Torigata Ichita ấn tượng với những chương trình ngoài trường học mà bạn được trải nghiệm. Các bạn có dịp được hướng dẫn đi thăm các di tích lịch sử nổi tiếng ở nội ô TP.HCM để hiểu thêm về quá khứ. Các bạn cũng được đến địa đạo Củ Chi, cảm nhận được những bài học về chiến tranh và giá trị của hòa bình.
"Một số thầy cô mời chúng mình tham gia những buổi nấu ăn các món Việt rất ngon - Torigata Ichita nói - Ngược lại, chúng mình cũng tổ chức một số buổi giới thiệu về tiếng Nhật và văn hóa Nhật cho các bạn Việt Nam. Đây là những kỷ niệm khó quên với chúng mình".
Học nghề ở Nhật ra sao?
Theo bạn Kusunoki Takeru, ở Nhật số đông học sinh thích học đại học. Tuy nhiên những học sinh thích các ngành kỹ thuật thường sẽ chủ động học các trường nghề. Số bạn trẻ học nghề mỗi năm không ít. Trong số đó, những học sinh giỏi sẽ được nhận vào học một mô hình dạy nghề đặc biệt, gọi là KOSEN.
Cụ thể, chương trình KOSEN đào tạo liên tục kéo dài năm năm, bắt đầu cho các bạn từ tuổi 15 tốt nghiệp THCS "rẽ ngang" không học THPT. Mô hình đào tạo theo hình chữ "V", được thiết kế sao cho các môn học đại cương được giảng dạy trong năm học đầu tiên và dần giảm đi theo thời gian, còn các môn học chuyên ngành sẽ tăng dần qua từng năm. Kiến thức và kỹ năng kết hợp giữa ba giai đoạn lý thuyết, nghiên cứu và thực hành.
Theo Kusunoki Takeru, mô hình KOSEN thường đào tạo cho người học trên nhiều lĩnh vực kỹ thuật như cơ khí, vật liệu, công nghệ thông tin, xây dựng, điện - điện tử, hóa học, sinh học... nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật của thị trường lao động. Các trường KOSEN thường hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghiệp ở địa phương bằng nhiều chương trình thực tập, tạo việc làm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận