Bức ảnh chụp Nhà máy thủy điện Đray H’linh được Võ Minh Thắng gửi đi dự thi về năng lượng tái tạo
Minh Thắng thực hiện dự án Greenting from Vietnam nhằm lan tỏa ý nghĩa của nguồn năng lượng tái tạo và thông điệp về sự đoàn kết, hợp tác giữa các nước Đông Nam Á để phát triển nguồn năng lượng này.
Người trẻ cần có trách nhiệm với năng lượng tái tạo
Trong bài thi, Minh Thắng khẳng định nguồn năng lượng tái tạo là vấn đề cấp thiết của các quốc gia Đông Nam Á, hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN xanh, sạch và hiện đại. Đến nay, Việt Nam đã thu hút nhiều vốn đầu tư trong việc lắp đặt năng lượng mặt trời từ nhà dân đến trung tâm thương mại. Nếu tiếp tục duy trì, ngành năng lượng tái tạo Việt Nam có thể đóng góp 23% trong cơ cấu năng lượng tổng thể của ASEAN vào năm 2025.
Tuy nhiên, anh cho rằng việc triển khai năng lượng tái tạo đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên đất và rừng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, phá vỡ đa dạng sinh học. Ngoài ra, các nước chưa loại bỏ rào cản khu vực, chưa tự do hóa thương mại khiến việc chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn. ASEAN đối mặt với sự chênh lệch về trình độ chuyên môn, chi phí, kỹ thuật của các nước, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa Chính phủ và tư nhân,...
Để lý giải những luận điểm trên, Minh Thắng đã chụp những công trình: Nhà máy điện gió Bình Thạnh (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận); Nhà máy thủy điện Đray H’linh (một phần nằm ở xã Phú Hòa, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; một phần nằm ở xã Ea Pô, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông); đèn đường chạy bằng pin mặt trời tại ký túc xá khu B - Đại học Quốc gia TP.HCM (phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Từ đây, Minh Thắng băn khoăn: “Liệu những công trình này có khẳng định sự tồn tại của nguồn năng lượng tái tạo có thể trụ vững trước hiệu quả kinh tế quá lớn mà các nguồn năng lượng hóa thạch mang lại hay không? Tương lai của các công trình này sẽ như thế nào nếu Trái đất xảy ra biến đổi khí hậu?”.
Chàng sinh viên đô thị học cho rằng người trẻ Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung cần có trách nhiệm với năng lượng tái tạo. Điều quan trọng nhất mà người trẻ cần quan tâm là việc phổ cập tầm quan trọng của năng lượng tái tạo: thủy điện, điện gió, điện mặt trời,... đến người dân, doanh nghiệp; vận động họ chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu.
“Chúng ta không thiếu nhân lực, chúng ta chỉ cần sức lan tỏa nhận thức về nguồn năng lượng này. Đối với người trẻ, đó là niềm vinh dự và nhiệm vụ cao quý” - Minh Thắng nhận định.
Đèn đường chạy bằng pin mặt trời tại ký túc xá khu B - Đại học Quốc gia TP.HCM
Cơ hội bước ra vùng an toàn
Minh Thắng biết đến cuộc thi khi chỉ còn 2 tuần để nộp bài nên việc hoàn thiện bài thi khá gấp gáp. Khi đọc đề, anh luôn suy nghĩ về những từ khóa “năng lượng tái tạo”, “giới trẻ”, “định hình nhận thức”, “Việt Nam”... để làm sao truyền tải đầy đủ thông điệp. Anh chuẩn bị ba bản thuyết trình và một số bộ ảnh nhưng chưa tạo được sự khác biệt.
Đến ba ngày cuối, Minh Thắng quyết định chụp ba loại hình năng lượng tái tạo khác nhau ở ba địa điểm khác nhau.
Không có kế hoạch cụ thể, anh chỉ xách balô lên và đi. “Đây là lần đầu tiên mình đi xa và đi một mình nên gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, mình đã hoàn thành bài dự thi. Mình xem đây là cơ hội để vượt qua vùng an toàn của bản thân” - anh chia sẻ.
Nhận được kết quả top 10 sau 3 tháng gửi bài, Minh Thắng khá bất ngờ và vinh dự khi đại diện Việt Nam bước vào chung kết. Để trình bày dự án với ban giám khảo quốc tế, Minh Thắng đã chuẩn bị kỹ về vốn tiếng Anh và khả năng thuyết trình.
Ông Frederic Lezmi - giám khảo vòng chung kết - nhận xét: “Thắng đã lựa chọn concept, layout đẹp và phù hợp với ảnh. Đặc biệt, thông điệp phía sau bức ảnh khiến người xem phải suy nghĩ về vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo. Tôi nghĩ Thắng đã đi đúng hướng và điều cần làm bây giờ là tìm cách lan tỏa dự án này đến cộng đồng”.
“Dù không lọt top 3 chung cuộc, ASEAN Photo Competition 2021 đã mang đến những trải nghiệm quý giá cho thời sinh viên, giúp mình có thêm động lực để lan tỏa thông điệp dự án Greenting from Vietnam” - Minh Thắng khẳng định.
Anh cũng nhắn nhủ người trẻ hãy bước ra khỏi vùng an toàn để đột phá và khác biệt; tham dự những cuộc thi, tổ chức lớn với tinh thần học hỏi và giao lưu, nhìn nhận và rèn luyện bản thân. Đồng thời, chúng ta hãy trở thành nhân vật lan tỏa những thông điệp tốt đẹp, giá trị cho xã hội.
ASEAN Photo Competition là cuộc thi ảnh quốc tế do Quỹ ASEAN tổ chức để nâng cao nhận thức cộng đồng ASEAN qua những vấn đề liên quan tới dân số, môi trường, phát triển công dân, giáo dục...
Năm 2021, cuộc thi quay trở lại với chủ đề Giới trẻ ASEAN - Định hình nhận thức về nguồn năng lượng bền vững trong bối cảnh bình thường mới (môi trường). Ban tổ chức chọn ra ba thí sinh xuất sắc tham gia Hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng về vấn đề môi trường năm 2021. Cuộc thi diễn ra từ tháng 3 đến tháng 11-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận