Phóng to |
Điều đó khiến nhiều sinh viên lo lắng nguồn nước sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nước nổi váng, có cặn
“Vài tháng trước, tôi thấy nguồn nước giếng khoan khu trọ nổi màng trên bề mặt nên không dám lấy nước này nấu ăn nữa” - Hồ Văn Tiến (sinh viên năm cuối khoa triết học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đang ở tại khu trọ 3/8 khu phố Tân Lập, P.Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương, kể.
Lo lắng cho sức khỏe, cả phòng của Tiến và khu nhà trọ quyết định mua nước đóng bình dùng để sinh hoạt, ăn uống...
Nhiều sinh viên trọ ở làng ĐH Quốc gia TP.HCM đều chịu chung thực trạng dùng nước giếng khoan sinh hoạt. Có sinh viên chọn cách mua nước bình về nấu ăn để đảm bảo sức khỏe, nhưng cũng có nhiều sinh viên dãy trọ khác dùng nguồn nước này nấu ăn luôn. Chưa kể các bồn nước đặt trên cao không được lau chùi thường xuyên nên lâu ngày phèn bám dày đặc.
Thực tế, phần lớn sinh viên ở các dãy trọ xung quanh hai trường ĐH Ngân hàng TP.HCM (P. Linh Chiểu, Q.Thủ Đức) và ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2, TP.HCM (P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9) đều dùng nước giếng khoan để sinh hoạt và cả nấu ăn.
Một số sinh viên cho biết nhiều chủ nhà trọ khu vực Thủ Đức, Q.9 dùng nước máy sinh hoạt nhưng lại để sinh viên dùng nước giếng khoan. Mức phí nước giếng khoan rất rẻ, trung bình từ 10.000-20.000 đồng/tháng/sinh viên, nhiều dãy trọ miễn phí luôn tiền nước cho sinh viên.
Theo anh Phạm Phi Hải, trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức, hiện nay có 132 địa chỉ nhà trọ Q.Thủ Đức (gồm cả làng sinh viên ĐHQG - TP.HCM), 83 địa chỉ nhà trọ ở Q.9 và 107 địa chỉ nhà trọ ở Q.2 đăng ký sử dụng nước sạch cho người ở trọ theo định mức nước quy định với giá ưu đãi.
Cảnh báo nguy cơ mắc bệnh từ nước bẩn
Khi trao đổi những nguy cơ có thể dẫn đến bệnh tật từ nguồn nước bẩn, bác sĩ Ngô Cao Lẫm - chuyên viên khoa sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết: Khi kiểm tra vi sinh vật ở trong nước tại TP.HCM, thường phát hiện nhóm coliform mà đại diện là vi trùng E.coli.
Khi phát hiện E.coli tức nước đã bị nhiễm phân gây nguy hiểm. Nguy cơ này thường xuất hiện ở những vùng ven xây dựng nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc không đúng chuẩn khiến nguồn phân từ người và súc vật thải ra môi trường, ngấm xuống đất là rất lớn. Trong trường hợp khoan, đào giếng ở gần khu dân cư, chuồng trại, giếng không nắp đậy, giếng nông... lại càng dễ bị ô nhiễm hơn. Nguồn nước nhiễm phân này thường gây tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột, các bệnh ngoài da, mắt...
Theo thống kê, nguồn nước nhiễm vi sinh vật gây 80% các bệnh nhiễm trùng liên quan đến nước do uống nước trực tiếp, ăn các loại thực phẩm hoặc sử dụng nước trong vệ sinh cá nhân.
Bên cạnh đó về chỉ tiêu lý hóa, thường phát hiện các chất như sắt, đồng, mănggan, manhê, canxi, kim loại nặng (chì, thủy ngân, thạch tín)... từ nước thải công nghiệp. Nguy hiểm nhất là nước không đạt chỉ tiêu về kim loại nặng xuất phát từ nguồn thải công nghiệp luyện kim, sản xuất ắcquy, các linh kiện điện tử, công nghệ kỹ thuật cao sẽ phá hủy hoặc làm tổn hại gan, thận... Nước nhiễm độc chì, thạch tín, thủy ngân có thể gây ung thư.
Nước có độ pH quá thấp sẽ gây kích ứng da. Nước nhiễm phèn (nguồn nước trở nên giàu các chất độc dạng ion và pH thấp) cũng ảnh hưởng tiêu hóa nếu dùng lâu ngày.
Hết năm 2012 sẽ giảm thiểu tình trạng này Toàn bộ khu dân cư trong làng ĐHQG nằm trong diện quy hoạch, đang chờ giải tỏa đi nơi khác nên các dãy trọ của sinh viên thường dùng nguồn nước sinh hoạt được khoan ngầm tạm thời với độ sâu cách mặt đất từ 15-18m. Do các giếng thường khoan độ sâu cạn, bề mặt không có lớp đất sét lọc khiến nước giếng khoan có khả năng ô nhiễm cao. Dự kiến hết năm 2012, toàn bộ khu B ký túc xá ĐHQG hoàn thành sẽ giải quyết chỗ ở cho hơn 40.000 sinh viên. Khu ký túc xá mới này cũng sẽ đưa vào sử dụng hệ thống nước máy sạch. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận