15/07/2024 17:50 GMT+7

Sinh viên mới tốt nghiệp nhận lương theo năng lực: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói gì?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các trường nghề phối hợp với doanh nghiệp tuyển dụng, trả tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Ảnh: HÀ QUÂN

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Ảnh: HÀ QUÂN

Hưởng ứng Ngày Kỹ năng nghề thanh niên thế giới (15-7), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề chú ý một số hoạt động.

Trong đó có việc phối hợp với doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề.

Trả lương cho sinh viên tốt nghiệp theo vị trí việc làm

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết việc trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề đã được đưa vào các chỉ đạo, chỉ thị, ưu tiên trong chính sách, chỉ đạo của Chính phủ cũng như chỉ thị của Ban Bí thư.

Tuy vậy bà phân tích quyền trả lương thuộc về quyền tự chủ của doanh nghiệp, nhưng khi có định hướng, việc truyền thông, tăng cường nhận thức vai trò của yếu tố kỹ năng, doanh nghiệp sẽ có chính sách phù hợp hơn.

“Đó cũng là động lực để các trường thu hút tuyển sinh và cung ứng lao động trình độ kỹ năng nghề cao ra thị trường lao động”, bà nói.

Sinh viên thực tập tại một xưởng ô tô tại Trường cao đẳng nghề Hà Nam - Ảnh: HÀ QUÂN

Sinh viên thực tập tại một xưởng ô tô tại Trường cao đẳng nghề Hà Nam - Ảnh: HÀ QUÂN

Chính phủ cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trả lương cao

Theo bà Hương, cơ quan chức năng đang đề xuất Chính phủ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trả lương cho sinh viên tốt nghiệp theo vị trí, công việc, trình độ phù hợp như một số tập đoàn lớn đang áp dụng.

Qua trao đổi với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà được biết việc trả lương theo vị trí việc làm, trình độ kỹ năng của từng người được doanh nghiệp chú ý, coi đó là giải pháp giữ chân nhân tài.

TS Phạm Xuân Khánh - hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội - bày tỏ Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp trả tiền lương tốt hơn cho học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp. Ví dụ chính sách như giảm thuế, song cần thí điểm trước khi áp dụng đại trà. 

Ông Khánh nói vai trò của nhà trường rất quan trọng ngay từ khi các em còn đi thực tập.

“Ví dụ, sinh viên chuyên ngành ô tô thì thực tập về ô tô, chuyên ngành điện thì thực tập điện và gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Nhà trường sẽ tìm những doanh nghiệp có nhu cầu, đúng lĩnh vực để sinh viên thực tập, tham gia các hoạt động ở doanh nghiệp như thiết kế, sản xuất đem lại nguồn lợi cho doanh nghiệp”, ông nói.

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 nêu rõ sau tốt nghiệp, người học được hưởng tiền lương dựa trên vị trí việc làm, năng lực, hiệu quả công việc, không thấp hơn lương cơ sở, lương tối thiểu vùng…

Hiện lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng, còn lương tối thiểu vùng thấp nhất (vùng 4) là 3,45 triệu đồng/tháng.

Đề án vị trí việc làm: Quản lý nhân sự hiệu quả làm tăng 15% năng suấtĐề án vị trí việc làm: Quản lý nhân sự hiệu quả làm tăng 15% năng suất

TTCT - Các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt đề án vị trí việc làm nhưng còn nặng về hình thức, chưa bảo đảm chất lượng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên