Tối 20-3, đêm chung kết cuộc thi thi HUTECH's Got Talent 2024 do Trường đại học Công nghệ TP.HCM tổ chức đã diễn ra với 17 tiết mục do các sinh viên thể hiện.
Các thí sinh đã dàn dựng tiết mục xoay quanh về con người Việt Nam, thiên nhiên hùng vĩ, Việt Nam hội nhập.
Bất ngờ thể dục nghệ thuật ở giải sinh viên
Nguyễn Trúc Phương (sinh viên năm nhất ngành quản lý thể thao) là vận động viên đoạt huy chương vàng Giải vô địch thể dục nghệ thuật quốc gia 2023.
Trúc Phương cho biết tháng 3 có ngày kỷ niệm thể thao Việt Nam (27-3) nên cô trình diễn tiết mục trên nền nhạc thể thao để tôn vinh ngành của mình.
"Tôi chọn tiết mục múa thể dục nghệ thuật. Đây là sở trường của tôi và tôi cũng muốn mọi người biết đến bộ môn thể dục nghệ thuật.
Thi giải quốc gia là chuyên môn nên tôi cần tập trung, trau dồi nhiều cho kỹ năng của mình. Còn trong đêm chung kết hôm nay tôi muốn thể hiện tài năng của mình đến cho mọi người cùng xem", Phương nói.
Biên đạo Quang Đăng (thành viên ban giám khảo) nhận xét: "Tôi chấm rất nhiều cuộc thi nhưng rất ít chương trình có tiết mục múa thể dục nghệ thuật. Đây cũng là lần đầu thấy bộ môn này ở giải sinh viên.
Các bạn trẻ rất sáng tạo, giỏi và có nền tảng để làm những cái mình thích. Đây là điều mà những người đi trước như chúng tôi rất vui".
Nguyễn Hữu Lâm (sinh viên khoa thú y chăn nuôi) chia sẻ: "Tôi ấn tượng nhất tiết mục của bạn Trúc Phương về múa thể dục, tiết mục nhẹ nhàng. Lần đầu tôi được xem thể loại này".
Lan tỏa nghệ thuật đến mọi người
Ngoài thể hiện tài năng vốn có của bản thân, những tiết mục của các thí sinh cũng được dàn dựng công phu, có thêm phần hỗ trợ vũ đạo từ các nhóm nhảy. Có sinh viên còn đưa các thành viên trong tổ chức cộng đồng Điếc câm TP.HCM lên sân khấu để múa ký hiệu cho tiết mục của mình.
Nguyễn Tuấn Kiệt (sinh viên khoa tiếng Anh) bộc bạch: "Trong hành trình tham gia cuộc thi, tôi nhận thấy chưa có tiết mục nào có sự kết nối giữa ngôn ngữ ký hiệu của những người không nghe được với âm nhạc. Vì thế tôi muốn kết hợp âm nhạc với các thành viên của tổ chức cộng đồng Điếc câm TP.HCM.
Chúng tôi tập luyện trong 3 tháng, mọi người đều bận công việc nhưng vẫn hỗ trợ tôi hết mình. Các cô chú, các bạn đều rất muốn tham gia chương trình văn nghệ, thích được trang điểm, thích được diễn. Được tiếp xúc với mọi người, tôi rất trân trọng và biết ơn".
Trong khi đó sinh viên Nguyễn Giã Kiều Duyên đưa ca trù miền Bắc lên sân khấu. Cô chia sẻ: "Ở bán kết tôi dự thi tiết mục 'Tình ca du mục' là bản nhạc Nga được phối lời Việt. Đêm chung kết này, tôi dự thi bài 'Hóa vàng' - bài ca trù nói lên phong tục, tập quán đốt vàng mã làm hình nhân thế mạng. Tôi muốn truyền tải cho các bạn một nét văn hóa của Việt Nam".
Đi coi chương trình theo lời rủ rê của bạn, Hoàng Thị Ngọc Diệp (sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết cô khá bất ngờ.
"Tôi thấy những giải dành cho sinh viên như thế này khá bổ ích, giúp các bạn năng động hơn, cũng như giúp chúng tôi đỡ áp lực, được giải trí và thỏa sức với nghệ thuật sau những giờ học", Diệp nói.
Sân chơi cho sinh viên thể hiện tài năng
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Anh - phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ TP.HCM - cho biết năm nay là năm thứ 5 trường tổ chức cuộc thi dành cho các sinh viên thể hiện tài năng của mình.
"Trường mời ca sĩ, biên đạo, người có kinh nghiệm trong việc dàn dựng để hỗ trợ các bạn trong các tiết mục thi. Các bạn sinh viên đăng ký theo tài năng của mình như ca múa, hát, nhạc kịch…
Tổ chức từ tháng 9 đến nay, qua nhiều vòng loại nên các bạn có sự tập luyện, đầu tư cho tiết mục đặc sắc hơn, có sự hỗ trợ chuyên nghiệp nên sản phẩm cũng chỉn chu. Sinh viên của trường khá đông, các bạn có nhiều tài năng khác nhau nên đây là cơ hội để các bạn tỏa sáng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận