
Bộ thiết bị hỗ trợ học sinh khiếm thị do nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) thiết kế - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Thân thiện với học sinh khiếm thị
Thiết bị Stefident cho học sinh khiếm thị của nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) là một trong những dự án nổi bật, được đánh giá cao tại chương trình Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS) do Dow Việt Nam và Đại học Bang Arizona (ASU) tổ chức tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng sáng 11-4.
Đây là mùa thứ 7 của chương trình, thu hút 21 nhóm sinh viên gồm 113 bạn đến từ các trường đại học kỹ thuật hàng đầu tại TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hà Nội phát triển các giải pháp ứng dụng STEM vào giải quyết các thách thức cho cộng đồng.
Sinh viên Phan Lê Quỳnh Ngọc, thành viên dự án Stefident, cho biết qua quá trình khảo sát, nhóm nhận thấy một số học sinh khiếm thị từng cố tình giấu đi cây gậy hỗ trợ đi đường, vì sợ ánh mắt dò xét từ mọi người xung quanh.
Sản phẩm được nhóm thiết kế là bộ thiết bị đi đường Stefident, gồm hai phần chính là kính phát hiện vật cản và bộ phụ kiện định vị đồ dùng cá nhân.
Sinh viên Nguyễn Văn Hoàng Long trình bày chiếc kính thông minh là thiết bị trung tâm, tích hợp hai cảm biến và mô tơ rung.
Khi phát hiện vật cản như tường, người hoặc vật thể thấp, mô tơ sẽ rung để báo hiệu.
Nhóm mô tả thiết kế kính được tối ưu để phù hợp với học sinh nhỏ tuổi: dễ đeo, nhỏ gọn và "rất dễ thương", giúp các em cảm thấy thoải mái, không bị "khác biệt" khi sử dụng sản phẩm.
Bộ phụ kiện tìm đồ vật là điểm cộng quan trọng thứ hai của sản phẩm. Đây là những chiếc kẹp nhỏ màu xanh, có thể gắn vào ba lô, hộp bút hay chìa khóa. Bên trong là mạch điện, pin và loa.
Khi người dùng nhấn nút điều khiển, thiết bị sẽ phát ra âm thanh, giúp xác định vị trí đồ vật trong phạm vi lên tới 9m, vượt xa yêu cầu ban đầu là 5m. Tính năng này được nhóm đánh giá là "giúp các em không còn sợ bị mất đồ, chỉ cần một nút bấm là tìm được ngay".
Nhóm sinh viên chia sẻ trong quá trình triển khai, nhóm cũng đối mặt với không ít thử thách kỹ thuật, nhất là khi tích hợp các cảm biến để thiết bị nhận diện chính xác vật cản ở nhiều dạng khác nhau.
Những bề mặt cố định như tường thì dễ xử lý, nhưng với các vật thể mềm như người đang di chuyển hoặc đồ vật nhỏ thì độ chính xác giảm nhẹ.
Ngoài ra việc đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định dưới mưa cũng là một bài toán mà nhóm phải kiểm chứng thực tế. Tuy nhiên các buổi thử nghiệm đã cho kết quả khả quan, vượt mong đợi về khoảng cách hoạt động và khả năng nhận diện chướng ngại vật.
TS Nguyễn Thị Anh Thư - phó trưởng khoa công nghệ khoa học tiên tiến, Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) - cho biết một thử thách lớn của dự án này không phải nằm ở công nghệ mà là xác định đúng nhu cầu của người dùng, ở đây là các học sinh khiếm thị.
Nhóm sinh viên đã gặp gỡ với rất nhiều học sinh khiếm thị để nhận ra nhu cầu về một sản phẩm không chỉ phải hiệu quả mà phải đẹp, qua đó giúp các học sinh khiếm thị bớt mặc cảm.
Kết quả, một bài kiểm tra về thẩm mỹ thiết kế cũng được thực hiện, với 20 học sinh sáng mắt và khiếm thị tham gia chấm điểm. Trung bình sản phẩm đạt 4.6/5 điểm.

Nhóm học sinh Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Nhiều dự án sáng tạo vì cộng đồng
EPICS là một chương trình học tập dựa trên thiết kế và phục vụ cộng đồng. Trong chương trình, các nhóm sinh viên hợp tác với các tổ chức cộng đồng để thiết kế, xây dựng và triển khai những giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề xã hội thực tiễn.
Trong vòng năm tháng, sinh viên trải nghiệm toàn bộ quy trình đổi mới sáng tạo, từ hình thành ý tưởng đến thử nghiệm mô hình, đồng thời rèn luyện kỹ năng quản lý dự án và giao tiếp chuyên môn.
Trong EPICS mùa 7, các dự án tập trung vào các vấn đề như tiếp cận nước sạch, nông nghiệp bền vững, công nghệ hỗ trợ người già và người khuyết tật, xử lý rác thải và nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng.
Một sản phẩm khá thú vị khác của sinh viên là hệ thống giám sát và cảnh báo cháy rừng tự động của nhóm sinh viên Trường đại học Cần Thơ, hướng tới những cộng đồng dễ tổn thương, thiếu điều kiện tiếp cận công nghệ phòng cháy hiện đại.
Dự án sử dụng các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm và khói, kết nối với cổng trung tâm để truyền dữ liệu và phát cảnh báo khi có dấu hiệu cháy.
Thiết bị chạy bằng năng lượng mặt trời, hoạt động 24/7, và có thể triển khai linh hoạt ở địa hình rừng núi phức tạp. Mỗi mô đun cảm biến bao phủ bán kính 1km, với chi phí sản xuất dao động từ 500.000 - 1 triệu đồng, mức giá phù hợp để nhân rộng trong thực tế.
Nhóm đã tiến hành thử nghiệm thực tế, bao gồm kiểm tra độ nhạy với vật thể nhiệt độ cao và điều kiện môi trường rừng. Kết quả cho thấy hệ thống có khả năng cảnh báo nhanh và chính xác, phù hợp cho cả những khu vực không có hạ tầng giám sát cố định như camera hay trạm vệ tinh.
Dù vẫn còn một số hạn chế như chưa tích hợp camera để phân biệt khói sinh hoạt với khói cháy rừng, hệ thống vẫn cho thấy tiềm năng lớn trong việc trở thành giải pháp phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng giá rẻ, dễ triển khai, đặc biệt tại những nơi mà "một phút báo động sớm có thể cứu cả cánh rừng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận