"Hệ thống múa rối nước tự động" do nhóm sinh viên Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Đại học Kinh tế TP.HCM chế tạo sau 3 tháng nghiên cứu. Hệ thống có tổng khối lượng 15kg, đường kính 1,5m và có thể chứa khoảng 5m3 nước.
Huỳnh Minh Thuận (sinh viên ngành robot và trí tuệ nhân tạo, Đại học Kinh tế TP.HCM) chia sẻ: "Tôi rất thích lịch sử và văn hóa dân tộc, trong đó có môn nghệ thuật lâu đời là múa rối nước, cũng rất mê robot. Nhìn thấy nhiều nghệ nhân phải ngâm mình dưới nước trong thời gian dài, có nguy cơ mắc bệnh da liễu, nhóm chúng tôi đã suy nghĩ tạo ra robot để hỗ trợ nghệ nhân".
Độc đáo robot múa rối nước do sinh viên chế tạo
Sản phẩm gồm có robot vận hành con rối, không gian múa rối, các nhân vật và con rối, bệ chứa nước… Trong đó, robot thiết kế bằng chất liệu inox, hoạt động nhờ vào các thanh truyền con lắc, con quay và dây truyền đai. Còn các con rối được làm bằng nhựa hoặc gỗ, chủ yếu chế tác theo những nhân vật, con vật có sẵn trong dân gian.
Thuận cho biết do là sinh viên năm nhất nên trong quá trình làm robot, nhóm gặp không ít khăn, nhất là thiết kế cơ khí.
"Điều quan trọng là phải cho các động cơ nằm trên nước, không chạm nước để giảm hư hỏng. Mô hình điều khiển bằng robot là chính, có thể vận hành bằng điều khiển wifi và bluetooth. Thời gian hoạt động tối đa từ 1-2 ngày", Thuận cho biết thêm.
Đào Minh Duyên (sinh viên ngành robot và trí tuệ nhân tạo, Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết sản phẩm do sinh viên sáng chế nên cũng có nhược điểm chỗ điều khiển thanh truyền, nếu có điểm chết dễ làm robot bị chững lại.
"Chúng tôi ứng dụng môn kỹ thuật robot và vật lý để thiết kế ra robot này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, sử dụng động cơ mạnh hơn giúp robot hoạt động lâu dài hơn", Duyên chia sẻ.
"Nghệ thuật múa rối nước ngày càng bị mai một nên chúng tôi muốn làm robot tự động để lưu giữ một nét văn hóa của dân tộc", cô nói thêm.
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Đại học Kinh tế TP.HCM - nhận định sản phẩm của các bạn hoàn toàn có khả năng thương mại hóa.
"Tuy nhiên, người xem chưa cảm nhận được cái hồn của nghệ thuật múa rối, nhóm cần khắc phục thêm. Phức tạp nhất là làm sao để hệ thống robot có thể vận hành, tương tác giữa các con rối, nghe được âm thanh, hiểu được kịch bản để tương thích hoạt động cho phù hợp", thầy Thịnh nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận