Nhóm gồm các sinh viên Võ Phan Gia Hùng, Phạm Thanh Nhã, Nguyễn Thị Việt Hà, Lê Ngọc Hân (Trường đại học Công Thương TP.HCM), Ngô Thảo Uyên (Trường đại học Sài Gòn) và Tô Hồng Phương Anh (Trường đại học Công nghệ TP.HCM) đã làm ra bọt rửa mặt lành tính cho da từ lá đu đủ.
Làm bọt rửa mặt, mong muốn nông dân thêm thu nhập
Một lần thấy người dân chặt bỏ lá đu đủ, qua tìm hiểu nhóm biết lá đu đủ có khả năng giảm mụn, chống lão hóa da và là dược liệu thiên nhiên lành tính.
Sau 5 tháng bắt tay vào thử nghiệm, nhóm đã cho ra sản phẩm hoàn chỉnh và được kiểm nghiệm an toàn.
Bạn Võ Phan Gia Hùng cho biết nhóm thu gom 400kg lá đu đủ khô từ nhà vườn ở hợp tác xã huyện Mang Thít và huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long).
"Nhóm chọn những lá đu đủ không sâu bệnh, không nấm, không già, được phơi khô với độ ẩm không quá 10%. Chúng tôi chiết xuất lá đu đủ, quay chân không và thu được cao chiết. Sau đó cao này phối trộn thêm chất hoạt động bề mặt, plantapon, PQ 10, vitamin B3 và B5…
Công dụng của sản phẩm có thể rửa sạch bụi, loại bỏ lớp trang điểm, giảm kích ứng da mặt, kháng khuẩn, giảm mụn, thâm và nám. Ngoài ra, vitamin B5 giúp mát xa tái tạo làn da, không gây khô cho người dùng. Phù hợp với các bạn ở tuổi dậy thì, nữ giới mong muốn sở hữu làn da đẹp, tự tin giao tiếp với người xung quanh" - Hùng nói.
Ngoài ra, Võ Phan Gia Hùng cũng chia sẻ thêm: "Chúng tôi mong muốn làm ra sản phẩm chiết xuất thiên nhiên có khả năng ứng dụng vào mỹ phẩm, lành tính cho da. Chúng tôi cũng mong muốn giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập bằng việc thu gom lá đu đủ, hỗ trợ bao tiêu để nguồn nguyên liệu sản xuất không bị thiếu hụt".
Còn bạn Lê Ngọc Hân chia sẻ: "Nhóm ứng dụng các môn hóa mỹ phẩm, sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân, kiểm tra quản lý chất lượng, hóa học xanh… Những môn này giúp nhóm tìm hiểu nguồn gốc nguyên liệu, kiểm tra tiêu chí kiểm định theo đúng chuẩn an toàn".
Được doanh nghiệp đầu tư 300 triệu đồng phát triển dự án
Nhóm đang bước vào chung kết các cuộc thi Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp 2024, cuộc thi Ý tưởng/dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần thứ 6.
Giới thiệu sản phẩm tại cuộc thi, nhóm được các doanh nghiệp chú ý và mong muốn hỗ trợ đầu tư.
TS Nguyễn Thị Hồng Anh - giảng viên khoa công nghệ hóa học, Trường đại học Công Thương TP.HCM - nhận xét các thành viên từ nhiều ngành nghề bổ trợ cho nhau trong việc nghiên cứu sản phẩm, tìm hiểu thị trường và thiết kế bao bì.
"Với thời tiết nắng nóng của TP.HCM, nhu cầu sử dụng bọt rửa mặt cao. Đây là sản phẩm thông dụng, hoàn toàn có khả năng thương mại hóa. Sản phẩm của nhóm chắt lọc hoạt chất trong thiên nhiên, tốt cho da, nguyên liệu sử dụng đều đạt chuẩn. Ngoài ra, sản phẩm của nhóm đã được kiểm định an toàn, đạt yêu cầu cung ứng cho khách hàng.
Nhóm cũng được hai doanh nghiệp đầu tư 300 triệu đồng cho 36% cổ phần dự án. Các nhà đầu tư có hệ thống bán hàng online tốt, giúp sinh viên thêm kinh phí phát triển sản phẩm ở những giai đoạn tiếp theo. Hiện tại, sản phẩm đang chú trọng cho đối tượng da nhạy cảm, sắp tới nhóm nên nghiên cứu thêm cho nhiều loại da khác nhau" - TS Anh nói.
Cô Nguyễn Thị Hồng Anh cũng nhấn mạnh việc phát triển dự án khi còn là sinh viên giúp các bạn nhạy bén, tăng kỹ năng và tư duy tạo ra sản phẩm thiết thực cung ứng ra thị trường hơn.
Sản phẩm có tính khả thi cho kinh doanh khởi nghiệp
Ông Lê Duy Đồng - giám đốc Công ty TNHH Version, thành viên Hội đồng tư vấn và khởi nghiệp quốc gia phía Nam, nhà đầu tư dự án của nhóm - cho biết các thành viên trong nhóm rất có tiềm năng, các bạn nhiệt huyết, sáng tạo, có động lực mạnh mẽ phát triển bản thân.
"Sản phẩm của nhóm có tính khả thi cho việc kinh doanh khởi nghiệp, hướng đến công nghệ xanh và các tiêu chí phát triển bền vững. Nhóm cho tôi thấy khát khao muốn cống hiến, mong muốn khởi nghiệp thực sự.
Tuy nhiên, là nhóm sinh viên nên các bạn còn khá non trẻ, chưa đủ tư duy kiến thức để bước ra kinh doanh, nên cần người dẫn dắt đúng hướng" - ông Đồng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận