Vì nhiều lý do, sinh viên trì hoãn thi bằng lái xe máy cho đến lúc sắp ra trường.
Muôn kiểu chạy xe máy "lụi"
Bạn N.A. - sinh viên năm 4 Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM - nhiều lần được bạn rủ đăng ký thi bằng lái xe máy tại trường nhưng không thi chỉ vì lười… học lý thuyết.
A. nhớ lại hồi cuối năm 2 bị cảnh sát giao thông bắt vì vi phạm lỗi rẽ không bật xi nhan. Khi cảnh sát kiểm tra giấy tờ, A. không có bằng lái A1 để xuất trình.
Vì không có nhiều tiền nên A. cố gắng "xin" để tránh bị lập biên bản vi phạm hành chính. "Sau lần suýt bị xử phạt đó, mình có hơi e sợ và cảnh giác hơn. Về sau, đi học gặp cảnh sát giao thông hoài nên mình bị lờn. Đến giờ thì mình cảm thấy khá bình thường, không lo nữa" - A. chia sẻ.
Tương tự, việc chạy xe máy nhưng chưa có bằng lái cũng không khiến M.H., sinh viên năm 3, Trường đại học Công nghệ Sài Gòn phải lo lắng. Theo H., chừng nào chạy sai thì mới sợ, còn nếu chạy đúng làn đường, tốc độ an toàn thì không có lý do gì để bị gọi vào kiểm tra.
Trường hợp cảnh sát giao thông kiểm tra gắt gao thì H. sẽ chạy nép sau lưng người khác. "Nếu bắt người phía trên thì mình may ra chạy được, còn nếu vẫn bị bắt thì coi như xui thôi" - H. nói.
Dù tự tin là thế nhưng trước đó, H. từng bị xử phạt hành chính một triệu đồng vì lỗi không có bằng lái. Sau lần đó, H. vẫn chưa có ý định thi. Lý do mà H. đưa ra là sau khi đăng ký hồ sơ, H. phải đợi thêm 2 tuần mới được thi. Lúc đến đợt thì H. lại không sắp xếp được thời gian.
V.T. - sinh viên năm 4 Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - trượt 2 lần tại phần thi đi vòng số 8. T. hay mắc các lỗi như chạm vạch, đi sai quy trình, chạm chân xuống đất... Mỗi lần thi lại phát sinh chi phí và thời gian khiến T. cảm thấy nản và chấp nhận chạy xe máy mà chưa có bằng.
Khi đi học, thay vì chạy trên các tuyến đường lớn, T. thường luồn lách qua những con hẻm để đến trường, tuy xa hơn nhưng có thể tránh được rủi ro bị kiểm tra bằng lái.
Sinh viên cần tự giác
ThS Trần Nam - trưởng phòng công tác sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết hằng năm, học phần sinh hoạt định hướng đầu khóa cho tân sinh viên đều có nội dung tuyên truyền pháp luật, trong đó có Luật An toàn giao thông đường bộ.
Ngoài ra, Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên của trường cũng thường xuyên mở các đợt đăng ký thi giấy phép lái xe máy A1 với lệ phí ưu đãi, nhằm tạo điều kiện để sinh viên tham gia giao thông an toàn trên địa bàn TP.HCM.
ThS Trần Nam khuyên sinh viên nếu chưa thi bằng lái nên chọn đi xe máy dưới 50 phân khối để không vi phạm luật giao thông.
ThS Nguyễn Văn Đương - trưởng phòng chăm sóc và hỗ trợ người học, Đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng sinh viên từ 18 tuổi trở đi, đã là người trưởng thành thì phải tự giác chấp hành pháp luật. Khi đi xe máy trên 50 phân khối, cần đáp ứng đủ điều kiện của người lái xe máy tham gia giao thông, trong đó là giấy phép lái xe. Không nên vì tiết kiệm thời gian, sự tiện lợi nhất thời của bản thân mà có hành vi vi phạm.
Nhà trường sẽ xử lý nghiêm các trường hợp sinh viên vi phạm luật an toàn giao thông theo các quy định về công tác sinh viên, quy định về đánh giá rèn luyện sinh viên hiện hành. Cụ thể, sinh viên vi phạm sẽ bị trừ điểm rèn luyện tiêu chí "tuân thủ pháp luật", hoặc bị đề nghị xử lý kỷ luật.
"Là thế hệ đại diện cho sự bản lĩnh, năng động, sáng tạo, sinh viên phải là một tuyên truyền viên tích cực về an toàn giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông tốt đẹp" - ông Đương khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận