22/10/2018 14:51 GMT+7

Sinh viên khởi nghiệp với nghề bán cơm online ở làng đại học

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Không chỉ giao nhận những phần cơm trưa, cơm chiều, các bạn còn làm thêm các món ăn chơi như chả giò, nem nướng, nem chua, bún đậu…

Sinh viên khởi nghiệp với nghề bán cơm online ở làng đại học - Ảnh 1.

"Bếp trưởng" Đạt chiên cơm trước giờ giao hàng - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Giờ ăn đến, nhiều sinh viên ở (ĐH Quốc gia TP.HCM) lượt Facebook, lựa chọn món ăn trên các hội nhóm, sẽ có người giao đến tận nơi. Chủ nhân những "quán ăn" online này lại chính là sinh viên.

Những đơn hàng bất ngờ

11h15, Trịnh Thành Đạt và Tân Vân Dung trong lúc cho cơm vào hộp xốp thì phát hiện còn thiếu 4 phần chiên và 6 phần cơm thêm, trong khi chỉ còn 15 phút nữa đến giờ giao hàng. Sau một thoáng chần chừ, 2 bạn quyết định nấu thêm một nồi cơm to, chấp nhận trễ giờ nhưng đảm bảo đủ đơn hàng.

Vừa chuẩn bị chiên mẻ cuối cùng, Đạt và Dung hối hả hoàn chỉnh những phần cơm trước đó, kiểm kê lại đủ số lượng canh, nước chấm rồi bỏ vô bị ngay ngắn để tiện vận chuyển. Hôm nay, thực đơn của Đạt và Dung gồm thịt kho trứng, cơm chiên, bánh oreo chiên, trà tắc.

Vân Dung và Thành Đạt, hiện là sinh viên năm nhất và năm hai trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, chia sẻ cơ duyên đến với kinh doanh cơm online thật tình cờ.

Từng nấu cơm gây quỹ cho Mùa hè xanh 2018, sau chiến dịch, 2 bạn trẻ nhận thấy mình vẫn thích công việc nấu nướng nên thống nhất duy trì "quán ăn" online đang hoạt động ổn định.

Sinh viên khởi nghiệp với nghề bán cơm online ở làng đại học - Ảnh 2.

Đạt hoàn thành phần rau củ xào trước khi cho vào chiên với cơm - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Từ đó, hằng ngày Đạt dậy sớm đi chợ, để mua được những nguyên liệu tươi ngon nhất, rồi tập kết ở phòng trọ nhà Dung. Đạt đảm nhiệm vai trò bếp trưởng, thường là người lên thực đơn và các món trong ngày.

Trong khi đó, Dung nhận trách nhiệm đăng bài "rao cơm" ở một số trang cộng đồng sinh viên trên Facebook và theo dõi đơn hàng. Với mỗi buổi cơm trưa, Dung thường đăng 4 bài, gồm 2 bài tối hôm trước, 2 bài sáng hôm sau, và chốt số lượng vào 10h.

Dựa trên số liệu của Dung, Đạt "liệu cơm gắp mắm" mà nấu, nhưng cũng không tránh khỏi những hôm "cháy hàng".

Niềm đam mê nấu nướng

"Lúc tụi mình ở An Giang đi Mùa hè xanh, nhiều bạn nhắn tin mong tụi mình về lại Sài Gòn sớm vì nhớ cơm. Nghe vậy thôi mình cũng đủ vui rồi", Dung chia sẻ sự ủng hộ của các sinh viên từng đặt cơm của nhóm.

Trong khi đó, Đạt cho biết ngày cao điểm, bạn có thể nấu được 70-80 phần, thu về khoảng 700.000 ngàn. "Hôm sau tụi mình mua nguyên liệu, đồ đạc là hết sạch tiền. Dầu ăn, tương ớt, xúc xích, trứng… tụi mình đều mua lẻ ở siêu thị, nên tính ra buôn bán không lời nhiều", Đạt chia sẻ.

Tuy nhiên, sợi dây lớn nhất níu giữ 2 bạn trẻ với công việc này chính là niềm đam mê nấu nướng. Đạt hào hứng khoe ảnh một bộ sưu tập trên dưới 20 món khác nhau bạn từng vào bếp khi kinh doanh online.

"Sau này nếu có cơ hội, mình sẽ thử sức với những món Hàn, món Nhật. Sắp vào năm học mới, tụi mình sẽ cân nhắc lịch học mỗi ngày để xem có thể làm hay không", Đạt nói.

Món ăn đa dạng vùng miền

Sinh viên khởi nghiệp với nghề bán cơm online ở làng đại học - Ảnh 3.

Dù giữa trưa, Đạt và Dung vẫn không ngại giao hàng đến từng tòa nhà cho các sinh viên - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Số sinh viên kinh doanh cơm online như Đạt và Dung hiện khá nhiều, chủ yếu hoạt động ở các khu vực đông sinh viên như làng đại học. Không chỉ giao nhận những phần cơm trưa, cơm chiều, các bạn còn làm thêm các món ăn chơi như chả giò, nem nướng, nem chua, bún đậu…

Nguyễn Hoài Thương, sinh viên năm 4, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM bắt đầu kinh doanh món ram bắp đặc sản Quảng Ngãi từ tháng 5-2018. Thương cho biết, ngày trước cô có chị phụ làm, nhưng sau chỉ còn một mình đảm nhiệm từ việc mua nguyên liệu, nấu nướng đến ghi chép đơn hàng và giao hàng cho khách.

"Có ngày tổng quãng đường giao hàng của mình lên tới gần 100km, từ 11h đến tối, chỉ quanh khu vực quận 9 và Thủ Đức (TP.HCM). Đang ngoài đường mà có người đặt thêm, mình lại chạy về nhà làm thêm vài phần. Nhiều lúc mình lu bu giao trễ nên khách hủy đơn hàng, thế là phải mang phần dư về", Thương chia sẻ.

Thương cho biết, mỗi ngày cô có thể giao từ 20-40 phần, và thứ bảy, chủ nhật thường đông khách hơn. Cô nói công việc này cho thu nhập cao hơn một chút so với đi làm thêm hoặc dạy thêm, nhưng Thương quyết định gắn bó chủ yếu vì yêu thích nấu nướng, kinh doanh. Đặc biệt, tự tay chế biến món Quảng Ngãi giúp cô vơi đi nỗi nhớ quê hương trong những ngày học tập xa nhà.

Tiện lợi, tiết kiệm thời gian

Nguyễn Lê Ánh Tuyết, ĐH KHXH&NV, TP.HCM cho biết đang ở ký túc xá, nhưng không thường ăn cơm trong căn tin vì phải đi xa, mà món ăn lại không hợp khẩu vị. Cô bắt đầu đặt cơm từ 1 năm trước với mức độ khoảng 2-3 lần một tuần. "Rất tiện lợi và tiết kiệm thời gian vì được các bạn giao hàng đến tận tòa nhà", Tuyết cho biết.

Trong khi đó, Ngô Nhật Tiến, ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết thỉnh thoảng mới đặt cơm, khoảng 1 tuần một lần, vì muốn tìm món ăn lạ miệng. Tiến chia sẻ "mẹo" đặt cơm trong những bài đăng có nhiều tương tác, sau đó dùng thử và trao đổi với bạn bè để tìm ra những "mối" đặt cơm uy tín.

Bạn có từng đặt cơm do sinh viên nấu ở làng đại học Thủ Đức? Hãy đăng ký thành viên để tham gia bình luận trên Tuổi Trẻ Online. Cảm ơn bạn.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên