Ngại gặp người khác
Ngọc Trâm, sinh viên năm 2 chuyên ngành thiết kế mỹ thuật số Trường đại học FPT TP.HCM, từng không ít lần thấy rụt rè, xa cách vì cảm thấy mình "hướng nội". Ngoài giờ học Trâm đều chỉ ở nhà.
"Mình luôn ngưỡng mộ các bạn có thể mạnh dạn phát biểu ý kiến và trao đổi với những người xung quanh về một vấn đề khó hiểu. Khi bản thân có thắc mắc, mình chỉ biết giữ trong lòng mà không nói ra được", Trâm bày tỏ.
Trong khi đó, Quý Hưng, sinh viên năm 3 chuyên ngành kỹ thuật cơ điện tử Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết đã từng không thể tiếp xúc với đám đông trong một khoảng thời gian dài.
"Từ lúc học cấp 2, trong những lần liên hoan với lớp hay tụ tập bạn bè, mình không thể thoải mái được trong một đám đông lớn, đặc biệt là không gian càng ồn ào, sôi nổi thì mình lại thấy càng mệt mỏi. Những lúc như vậy mình sẽ ra một chỗ riêng để ngồi và nhìn mọi người, hoặc là mình cố gắng tỏ ra vui vẻ cho đến khi ra về", Hưng chia sẻ.
Để thoát khỏi "vỏ kén" của mình, Huỳnh Tiến, sinh viên năm 2 chuyên ngành báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), bắt đầu tham gia một số hoạt động câu lạc bộ, các cuộc thi thể thao điện tử...
Theo thời gian, nỗi sợ vẫn còn trong Tiến nhưng đã vơi đi rất nhiều.
Thoát khỏi vùng an toàn của người hướng nội
Thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên kỹ năng mềm Trung tâm phát triển năng lực sinh viên Trường đại học Văn Lang, cho biết khi làm việc cùng sinh viên Gen Z, ông nhận thấy một số bạn thường lấy lý do "là người hướng nội" để né tránh các câu hỏi khi trao đổi trên lớp, thuyết trình, kết bạn hoặc tham gia các hoạt động. Nhiều bạn thường thu mình và ít tương tác với những người xung quanh.
Tuy nhiên, ông cho rằng sinh viên hướng nội cũng có những lợi thế riêng có thể phát huy, chẳng hạn khả năng quan sát, lắng nghe một cách sâu sắc. Điều này giúp các bạn dễ thấu hiểu, đồng cảm trong quá trình giao tiếp.
Ngoài ra, người hướng nội có xu hướng làm việc độc lập rất cao. Họ dành nhiều thời gian để tìm hiểu sâu sắc những vấn đề mà bản thân quan tâm và viết lách rất tốt.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Thế Huy, giảng viên tâm lý Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng nếu thiếu kỹ năng thích ứng, những sinh viên hướng nội sẽ có thể ngày càng gặp khó khăn hơn.
Vì thế, ông khuyên các sinh viên hướng nội cần tập cách bước ra khỏi vùng an toàn bằng việc tham gia các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ, bắt đầu với quy mô nhỏ, sau đó mở rộng dần ra. Qua đó, các bạn từ từ có thêm cơ hội giao lưu, kết bạn và rèn luyện thêm kỹ năng thích ứng.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng có thể tổ chức các buổi chia sẻ, tư vấn tâm lý định kỳ nhằm giúp các bạn hiểu rõ hơn về tính cách và rèn luyện kỹ năng mềm để sinh viên dần có được sự tự tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận