Học viên được đào tạo thực hành tại trung tâm đào tạo và nhà máy của Bosch VN - Ảnh: M.G.
Chính các cũng đánh giá cao về cách đào tạo này.
Doanh nghiệp dạy 30-75% chương trình
Từ chỗ thí điểm một vài ngành kỹ thuật, đến nay sinh viên toàn bộ các ngành của Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức ngoài kỳ thực tập còn có từ 4-8 tuần học tại các công ty đối tác của trường, phần lớn là các môn thực hành. Ở một số ngành, doanh nghiệp hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở và hỗ trợ lương cho người học.
ThS Nguyễn Xuân Toán, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết một chuyến thực tập ngắn như trước đây sẽ khó giúp sinh viên nắm đầy đủ các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng làm việc cần thiết, văn hóa doanh nghiệp bởi thực tế vẫn có khoảng cách nhất định giữa và sử dụng lao động.
Hiện có hơn 130 doanh nghiệp tham gia đào tạo kép với trường và hơn 1.000 doanh nghiệp có mối quan hệ hợp tác. Trường chịu trách nhiệm đào tạo các học phần lý thuyết, doanh nghiệp dạy các môn thực hành nghề nghiệp.
Với mô hình đào tạo kép, thời lượng học ở doanh nghiệp chiếm khoảng 30% tổng chương trình, hai bên sẽ cùng đánh giá kết quả học tập của người học.
Không chỉ sinh viên, giảng viên cũng buộc phải cùng doanh nghiệp thực hiện các dự án thực tế để tiếp cận thực tế chứ không chỉ giảng dạy theo kiến thức sách vở và hiểu biết của mình mà thiếu va chạm trực tiếp công việc.
Sinh viên ngành CNTT Trường cao đẳng công nghệ Thủ Đức được đào tạo trực tiếp tại Công ty FPT Software trong học phần chuyên đề kiểm thử phần mềm - Ảnh: M.G.
Tương tự, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cũng đang triển khai học kỳ doanh nghiệp cho 7 nghề đào tạo quốc tế theo chuẩn của Đức và Pháp. ThS Lê Quang Trung - phó hiệu trưởng - cho biết với chương trình đào tạo này, học sinh sinh viên sẽ được học 1.000 giờ tại doanh nghiệp.
Với các nghề chế tạo thiết bị cơ khí và cơ điện tử phối hợp cùng Bosch VN, phần lý thuyết (chiếm 25%) trường sẽ giảng dạy, thực hành (chiếm 75%) được trung tâm đào tạo của Bosch đảm trách giảng dạy.
Học sinh học ngay tại các nhà máy của công ty này trong suốt quá trình học, cán bộ kỹ thuật của công ty trực tiếp hướng dẫn. Toàn bộ học viên chương trình này Bosch sẽ tuyển dụng khi tốt nghiệp.
Việc đưa học sinh, sinh viên học tại doanh nghiệp cũng được nhiều trường khác như cao đẳng Nghề TP.HCM, cao đẳng Viễn Đông, cao đẳng Quốc tế TP.HCM, cao đẳng Đại Việt Sài Gòn… triển khai.
Theo ông Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM, khi triển khai học kỳ doanh nghiệp, trường phải thay đổi liên tục chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, người học vì thế cũng được hưởng lợi rất nhiều trong quá trình đào tạo và tuyển dụng sau này.
Ba bên cùng có lợi
Ông Trương Anh Dũng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết để triển khai hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã rất chú trọng việc ký kết với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và có công nghệ hiện đại, tranh thủ, tận dụng được thế mạnh về công nghệ của doanh nghiệp, giúp người lao động được tiếp cận công nghệ mới, nâng cao chất lượng tay nghề.
Ở góc độ đơn vị trực tiếp đào tạo, đại diện nhiều trường cao đẳng cho biết khi nhà trường và doanh nghiệp kết hợp đào tạo, không chỉ người học mà ngay cả nhà trường, doanh nghiệp đều có lợi.
Đó là chất lượng đào tạo được nâng lên; sinh viên được học trong môi trường làm việc thực tế, nâng cao chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp; doanh nghiệp tuyển được người đáp ứng được yêu cầu mà không tốn thời gian và chi phí đào tạo lại.
ThS Lê Quang Trung chia sẻ rằng doanh nghiệp sẽ đào tạo những nội dung họ cần giúp chương trình đào tạo của trường linh hoạt hơn, chất lượng đào tạo được nâng lên. Người học tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất tại nhà máy nên kỹ năng nghề nghiệp cũng sẽ thuần thục, hiểu văn hóa công ty nên đáp ứng được yêu cầu công việc ngay khi ra trường.
Tương tự, ThS Trần Kim Tuyền - phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề TP.HCM - cho biết với chương trình đào tạo tại doanh nghiệp, phần lớn sinh viên được chính các doanh nghiệp tuyển dụng ngay khi tốt nghiệp.
Không những vậy, sinh viên thích thú hơn vì việc học gắn với nghề nghiệp nhiều hơn, được tiếp cận các công nghệ hiện đại, không bỡ ngỡ khi ra trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Toán nhấn mạnh thực tế việc đầu tư máy móc trang thiết bị ở trường công không phải dễ dàng. Do đó, khi sinh viên học tại doanh nghiệp sẽ được tiếp cận các máy móc và thiết bị hiện đại.
Điều này có ý nghĩa rất lớn khi sinh viên tốt nghiệp đi làm. Trường cũng tận dụng được trang thiết bị, kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp phục vụ đào tạo. Doanh nghiệp theo dõi được năng lực của từng người học để tuyển dụng vào làm việc ngay.
* Ông TRẦN GIANG SAN (tổng giám đốc kinh doanh Hãng hàng không Hoàng gia Brunei tại VN):
Việc kết hợp với Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM giúp chúng tôi cũng được hưởng lợi từ việc hợp tác này. Lúc trước khi tuyển dụng người mới, chúng tôi phải mất thời gian huấn luyện lại các kỹ năng nghề nghiệp cho nhân viên. Tuy nhiên, khi theo sát các bạn sinh viên trong quá trình đào tạo, chúng tôi có thể nhận thấy năng lực của mỗi bạn và giữ lại những bạn phù hợp nhất với công ty mình để làm việc ngay.
* Ông HOÀNG XUÂN THANH (chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Giải Pháp Sóng Nam - liên kết với Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức):
Mô hình này giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực dồi dào cũng như được tạo điều kiện để thực hiện trách nhiệm với xã hội. Về phía người học, sinh viên cứng nghề vững chuyên môn, có kỹ năng mềm do sớm được làm việc trong môi trường doanh nghiệp, hiểu biết sớm thế nào là văn hóa doanh nghiệp, được tiếp cận sớm với các công nghệ mới, thực tế, từ đó cũng sớm biết cần tự học tập thêm.
Sinh viên dễ tìm việc làm, được doanh nghiệp nhận luôn không cần thử việc vì đã có thời gian thực tập lâu, nếu đi phỏng vấn khả năng có việc cũng sẽ rất cao. Bên cạnh đó, việc kết hợp nhà trường và doanh nghiệp sẽ hạn chế đào tạo lại (tránh lãng phí) do các em được học đúng cái doanh nghiệp cần (đây là mục tiêu chính của đào tạo).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận