01/08/2013 15:48 GMT+7

Sinh viên giúp người khiếm thị chụp ảnh

ĐOÀN BẢO CHÂU
ĐOÀN BẢO CHÂU

TTO - Dự án Photovoice với chủ đề "Người khiếm thị chụp ảnh" gây xúc động nơi công chúng. Ít ai biết dự án này ra đời và được điều phối trực tiếp bởi 4 sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM.

NwRcTMSi.jpgPhóng to
Tấm ảnh hai bàn tay nắm lấy nhau do anh Huỳnh Hữu Cảnh - một người khiếm thị - chụp - Ảnh: ban tổ chức cung cấp

Từ hiểu lầm đến liều lĩnh

Nhóm sinh viên ấy gồm Trần Nguyễn Linh Thùy, Dương Hoàng Tuấn, Lữ Kim Uyên, Huỳnh Lê Diệu Minh. Trần Nguyễn Linh Thùy, trưởng nhóm, cho biết: “Ban đầu, khi đăng ký dự án này với Viện Phát triển môi trường và xã hội (iSEE), chúng mình chỉ nghĩ đây là dự án mà nhóm sẽ chụp ảnh về cuộc sống của người khiếm thị. Sau đó mới phát hiện đây là dự án giúp người khiếm thị tự chụp ảnh và chúng mình là nhóm thực hiện việc này đầu tiên tại Việt Nam”.

Cả nhóm hết sức lo lắng vì chưa ai có kinh nghiệm làm việc hay trò chuyện với người khiếm thị, huống hồ lại hỗ trợ họ chụp ảnh. Tuy nhiên, “phóng lao thì phải theo lao”, tháng 4-2013 Linh Thùy đại diện nhóm ra Hà Nội tập huấn kỹ năng chụp ảnh và cách làm việc với người khiếm thị. Sau đó, cả nhóm bắt đầu tìm kiếm cộng đồng người khiếm thị phù hợp để hợp tác.

tUM75tdz.jpg
Các bạn tình nguyện viên hướng dẫn các anh chị khiếm thị chụp ảnh - Ảnh: ban tổ chức cung cấp

Nhóm được anh Huỳnh Hữu Cảnh - thầy giáo khiếm thị ở tỉnh Bình Dương - giới thiệu đến Tỉnh hội Người mù Bình Dương. Việc thuyết phục người khiếm thị hiểu rằng mình có khả năng chụp ảnh, dám tự tin cầm máy ảnh vẫn là một nhiệm vụ rất khó khăn. Chạy lên xuống hơn 80km/ngày trong suốt tuần giữa mùa nắng nóng, mướt mồ hôi thuyết phục, thậm chí rơi nước mắt "năn nỉ", cuối cùng nhóm cũng thuyết phục được 10 anh chị ở Tỉnh hội Người mù tham gia dự án.

Hoạt động người khiếm thị tham gia chụp ảnh nằm trong dự án Photovoice (tạm dịch: Kể chuyện bằng hình ảnh), được phối hợp thực hiện bởi Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và nhóm sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM.

Người tham gia là các nhóm thiểu số trong xã hội, ví dụ người khiếm thị. Họ được hỗ trợ máy ảnh, máy quay và kỹ thuật để tự ghi lại hình ảnh thể hiện những câu chuyện về cuộc sống của chính mình.

“Đã có những giây phút mình rất muốn bỏ cuộc, nhưng nhờ xuống Bình Dương thường xuyên, đến nhà anh Cảnh nấu nướng rồi nghe anh đàn hát, trò chuyện rất vui vẻ, tụi mình lại càng thấy yêu quý và tin tưởng hơn vào khả năng của người khiếm thị. Thế là lại tiếp tục làm giấy tờ, lên tỉnh hội ra sức thuyết phục”, Dương Hoàng Tuấn kể.

Sự bình đẳng của hình ảnh

Người khiếm thị chụp ảnh bằng cách chạm vào hoặc lắng nghe tiếng nói của chủ thể, sau đó ước lượng khoảng cách và bấm máy. Chính vì thế, khi thầy Nguyễn Trường Giang (cố vấn chương trình) hướng dẫn các anh chị khiếm thị chụp ảnh, người mẫu ảnh đầu tiên cũng chính là các bạn trong nhóm.

Những tiếng gọi cứ vang lên liên tục: “Thùy ơi, con ở đâu?”, “Uyên ơi, em đâu rồi?”... tạo nên không khí làm việc đặc trưng và rất cảm động, gắn kết. Sau những khó khăn, chập chững ban đầu, các anh chị đã thể hiện khả năng chụp ảnh rất tốt.

Uyên kể: “Anh Cảnh còn đề nghị chúng mình nắm tay nhau và chỉ cần nghe tiếng tụi mình nói, anh đã chụp được ảnh đúng chỗ hai bàn tay nắm. Từ giây phút đó, mình thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về người khiếm thị. Họ thật ra cũng không khác gì chúng ta cả, từ kỹ năng đến việc suy nghĩ, tưởng tượng, tất cả hoàn toàn bình đẳng”.

Obt0mWUB.jpg
Nhiều người khiếm thị hào hứng với việc chụp ảnh - Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Các sinh viên cũng là những “phỏng vấn viên”, trực tiếp tìm hiểu các câu chuyện mà người khiếm thị muốn nói sau mỗi bức ảnh họ chụp. Mỗi người là một câu chuyện, nhưng có một điểm chung rất bất ngờ là ai cũng dùng hình ảnh để nói lời cảm ơn: cảm ơn người vợ đã chăm lo tảo tần cho mình, cảm ơn người cán bộ sáng (tức người sáng mắt làm việc trong hội người mù) đã hỗ trợ mình làm việc, thậm chí cảm ơn cả… cây cao su vì giúp gia đình thoát nghèo...

Đến nay, dự án Photovoice đã đi vào giai đoạn cuối. Các bạn trẻ đang tất bật chọn ảnh chuẩn bị cho buổi triển lãm vào tháng 9-2013.

“Nhờ dự án này mà chúng mình mới hiểu rằng không có gì quý giá hơn là trao tặng sự tự tin cho người khuyết tật, khi đã tự tin thì việc gì họ cũng có thể làm được và làm rất tốt, kể cả việc tưởng chừng bất khả thi như chụp ảnh” - Linh Thùy cho biết.

pywtpLM7.jpg
Các bạn tình nguyện viên chính là “người mẫu” đầu tiên của các anh chị khiếm thị - Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
ĐOÀN BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên