Phóng to |
Phim Mỹ “Tay chơi hết thời” đang thu hút giới trẻ |
Mù phim ảnh vì thiếu ti-vi
Để đảm bảo mỗi phòng KTX có một ti-vi là điều các trường ĐH chưa làm được hoặc chưa muốn làm vì nhiều lý do khác nhau, thí dụ: trong phòng KTX có ti-vi sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của các sinh viên nội trú... Thế nên rất dễ hiểu khi một bộ phận không nhỏ sinh viên nội trú mắc “bệnh” quên ti-vi, dẫn đến tình trạng một nguồn phim ảnh dồi dào, có chất lượng và không mất tiền mua vé, đã bị chặn lại.
Ngọc Linh (KTX Mễ Trì-ĐHQG Hà Nội) hồn nhiên tiết lộ: “Lâu lắm rồi mình không xem ti-vi. Bây giờ cũng chẳng thấy thích xem như hồi cấp ba nữa. Dạo tết về nhà chương trình truyền hình hay thế mà cứ xem khoảng nửa tiếng mình lại thấy buồn ngủ. Sống lâu trong KTX không có ti-vi nên quen rồi”. Trường hợp như Ngọc Linh, không hiếm.
Trong khi “làn sóng” “Chuyện tình Paris” đang tác động không nhỏ tới khán giả xem truyền hình thì “dân” KTX vẫn bình yên không hay biết. Khi được hỏi: “Cảm nhận của bạn về phim “Chuyện tình Paris”, cô gái xinh xắn Lan Anh (ĐHVH) cười nghịch ngợm: “Đâu cần kiếm chuyện tình xa xôi thế, ngay tại KTX cũng đầy chuyện “tình củm” lãng mạn rồi”. Nhưng cuối cùng Lan Anh cũng phải thú nhận: “Mình có xem ti-vi đâu mà biết”.
Không đến rạp do “viêm màng túi”
Cùng một câu hỏi: “Bạn có thích đến rạp xem phim không?” thì đến 18/20 sinh viên nội trú trả lời rằng: “Có”. Tuy nhiên, đa phần những người trả lời “thích xem phim” lại không mấy khi đến rạp.
Lý do họ đưa ra vẫn muôn năm cũ: “Sinh viên nghèo, lấy tiền đâu mà đi xem phim”. Quốc Cường (ĐHKHTN), đang thuê nhà trọ cho biết: “Ngoài tiền học phí, gia đình chỉ chu cấp 700 ngàn đồng/tháng, trong khi thuê nhà đã mất 200 ngàn đồng rồi, số còn lại để ăn uống và chi tiêu vài khoản lặt vặt khác. Phải tiết kiệm lắm mới mong tạm ổn, làm gì dám nghĩ đến rạp xem phim”.
Phương Chi (ĐHCĐ) lại có lý do khác: “Gia đình mình cũng “viện trợ” hẻo lắm. Nhờ chịu khó đi dạy thêm nên hàng tháng mình có thêm tí chút. Song không tính đến chuyện đi xem phim được, bởi mình có hai người, chàng cũng nghèo, nếu “bao” cả hai thì xót xa chiếc ví quá”. Nếu phim ảnh trong các rạp chỉ chiếu cho sinh viên, xem chừng thất thu sẽ là “chuyện thường ngày phố huyện”?
Giải pháp chống “đói” phim
Trong điều kiện khó khăn hiện tại (KTX không ti-vi, thiếu tiền) có lẽ mỗi sinh viên sống xa nhà phải tự thân vận động, phát huy sáng tạo để thoả cơn “đói” phim của mình. Một số bạn trẻ đã xin gia đình mang ti-vi từ quê lên KTX hoặc nhà trọ.
Còn giải pháp được nhiều sinh viên áp dụng đó là, ra quán nhỏ uống một cốc trà và xem ti-vi cả buổi. Một số KTX vẫn mở ti-vi tại hội trường để phục vụ sinh viên, song không ít bạn trẻ vì ngại chốn đông người, ngại nóng... đã tự bỏ qua cơ hội được ngồi trước màn hình.
Một tín hiệu đáng mừng là đã có những KTX tổ chức chiếu phim cho sinh viên. Nhà văn hoá KTX Mễ Trì đã biến thành rạp chiếu phim vào những tối cuối tuần. Minh Châu (ĐHKHXH&NV) hào hứng khoe: “Không thể so sánh với các rạp về độ “fresh” của các bộ phim nhưng mức độ cập nhật của “Mễ Trì cinema” cũng không quá “rùa”. Một bộ phim mới xuất hiện ở rạp thì chỉ một tuần sau (cùng lắm là hai tuần) đã thấy áp phích của nó được treo trước cổng KTX mà giá ưu đãi lắm: 8.000đồng/vé”.
Nếu quá “khát” phim ở rạp “xịn” có lẽ với nhiều sinh viên cũng không đến nỗi mỗi tháng không thể đi xem một lần. Nếu bạn biết lựa chọn thời điểm thích hợp, bạn sẽ kiếm được những chiếc vé có giá khá “mềm”.
Tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia ưu tiên cho sinh viên với giá 10.000 đ/vé vào 10h sáng thứ 7, chủ nhật. Rạp Dân Chủ từ thứ 2 - thứ 6 buổi 12, 14, 18h30: 30.000 đ/cặp vé.
Fansland vào buổi 2h thứ 7; 4h thứ 6 hàng tuần có vé giá 12.000 đồng. Phải nghĩ thế nào khi ai đó than vãn: “đói” phim vì không tiền trong khi ngày ngày lại nhiệt tình lên mạng chát chít suốt mấy tiếng hoặc chỉ cần một lần sửa tóc làm đẹp cũng mất đứt 10 ngàn? Bằng chứng là xung quanh KTX các dịch vụ Internet, gội đầu, uốn sấy... mọc lên như nấm mà “thượng đế” sinh viên vẫn đông nườm nượp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận