Đại học Quốc gia TP.HCM vừa công bố kết quả khảo sát nhu cầu sử dụng xe buýt nội bộ khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM (TP Thủ Đức, TP.HCM), do Trung tâm Quản lý ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện.
Việc đặt các trạm dừng xe buýt trên các tuyến chưa hợp lý
Cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 25 đến 30-4, có 18.540 sinh viên nội trú tham gia. Theo đó, có 34,94% sinh viên nội trú có nhu cầu đi lại bằng xe buýt và các điểm đến nhiều nhất lần lượt là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (24%), Trường đại học Bách khoa (21,12%), Trường đại học Khoa học tự nhiên (17,89%) và Trường đại học Kinh tế - Luật (14,90%).
Kết quả khảo sát cho thấy việc đặt các trạm dừng xe buýt trên các tuyến chưa hợp lý, chưa phù hợp, ví dụ như được bố trí gần các thùng rác, một số trạm không có xe buýt đi qua và không có sinh viên chờ. Nhiều trạm chờ không có mái che, biển báo…
Đáng quan ngại hơn là tình trạng chen lấn, xô đẩy, không xếp hàng khi lên xuống xe buýt diễn ra thường xuyên; tình trạng bị trộm cắp, quấy rối trên xe buýt vẫn còn. Việc nhường ghế cho người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai và em nhỏ chưa phổ biến.
Địa giới hành chính gây khó cho sinh viên đi xe buýt
Kết quả khảo sát cũng cho thấy các tuyến xe buýt hiện nay chưa bao phủ các địa điểm trong khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM như Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh, Khoa Y, trạm metro Bến Thành - Suối Tiên.
PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết: "Mặc dù có hơn 8.000 sinh viên của Bình Dương và Đồng Nai đang học tập tại Đại học Quốc gia TP.HCM, nhưng đến nay vẫn chưa có tuyến xe buýt của 2 địa phương đến Đại học Quốc gia TP.HCM.
Nếu có tuyến xe buýt kết nối với khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM và được trợ giá như TP.HCM sẽ giải quyết được nhu cầu đi lại của rất nhiều sinh viên ở 2 địa phương này".
Ông Quân cũng cho biết theo nội dung ký kết hợp tác năm 2024 của thành phố Biên Hòa (Đồng Nai); Dĩ An, Thuận An (Bình Dương); Thủ Đức (TP.HCM) và Đại học Quốc gia TP.HCM, các đơn vị sẽ phối hợp nghiên cứu, đề xuất mở nhiều tuyến xe buýt kết nối giao thông giữa các địa phương và Đại học Quốc gia TP.HCM.
"Đại học Quốc gia TP.HCM kỳ vọng thời gian tới, các cơ quan chức năng đang vận hành các tuyến xe buýt ở 3 địa phương TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương sẽ phối hợp cùng Đại học Quốc gia TP.HCM để triển khai hiệu quả các tuyến xe, lộ trình, trạm dừng, đón… Qua đó, xóa nhòa "ranh giới hành chính" và tạo liên thông tuyến phục vụ sinh viên, người dân tốt hơn, đặc biệt khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động trong thời gian tới", ông Quân nói.
Mong muốn có tuyến xe buýt nội bộ trong khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM
Ngoài ra, gần một nửa số sinh viên khảo sát mong muốn có tuyến xe buýt nội bộ trong khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM để đi lại thuận tiện.
Theo sinh viên, các chuyến xe buýt nên bắt đầu sớm hơn từ 5h và kết thúc trễ hơn, tầm 22-23h; giãn cách giữa hai chuyến giờ cao điểm, rút ngắn 3-5 phút/chuyến, giá 3.000 đồng/lượt.
Việc đầu tư các tuyến xe buýt nội bộ phủ khắp các đơn vị tại khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu đi lại của sinh viên; từ đó tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng trong sinh viên, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận