TTCT - Làm thêm sao cho không ảnh hưởng lắm đến chuyện học hành là điều xa xỉ với nhiều sinh viên. Trên đôi vai nhiều sinh viên hiện nay, một bên là gánh học hành, một bên là nặng áo cơm. Trong tình hình chung - vật giá leo thang, học phí, sinh hoạt phí đều tăng - nhiều nước ghi nhận số lượng kỷ lục sinh viên bản xứ buộc phải đi làm thêm trang trải chi phí đại học. Nhiều trường đại học phải thừa nhận làm thêm đã trở thành một phần song song với chuyện học hành của sinh viên.Cơm áo không đùa với sinh viênTháng 6-2023, Viện Chính sách giáo dục đại học (Hepi) Vương quốc Anh công bố khảo sát cho thấy hơn một nửa (55%) sinh viên nước này hiện đang đi làm thêm có lương ngay khi vẫn đang ngồi trên giảng đường. Đây là mức tăng đáng kể so với tỉ lệ 45% trong khảo sát năm 2022 cũng của viện này.Kerys Bettles, đang học năm 4 ngành địa lý học tại Đại học St Andrews (Scotland), mỗi tuần phải làm thêm tổng cộng 15 tiếng ở một quán bar mới đủ trả tiền thuê nhà. Nhiều hôm tới 1h khuya quán mới đóng cửa, nhưng 9h là cô sinh viên 21 tuổi phải có mặt ở thư viện để học bài. "Tôi nghĩ trường đại học là nơi dễ có sự công bằng hơn những nơi khác, nhưng có lẽ sự công bằng vẫn còn xa nếu sinh viên phải làm việc quá nhiều giờ" - Bettles nói với BBC hồi tháng 9-2023.Một nghiên cứu khác của nhóm chuyên gia giáo dục từ Đại học East Anglia và Đại học Loughborough (Anh) tại các trường trong nước chỉ ra một điểm đáng lưu ý: ngày càng có nhiều sinh viên xin vắng tiết, nộp bài trễ hoặc xin hoãn thi vì… bận đi làm. Hiện tượng này càng phổ biến khi kinh tế khó khăn. Kết quả này phản ánh một thực tế: sinh viên đang phải vật lộn để kiếm sống và họ mắc kẹt giữa một bên là nghĩa vụ chuyên tâm học hành, một bên là làm sao có tiền duy trì chính chuyện học ấy.Tại Mỹ, Noel Anderson, tác giả cuốn Working to Learn (Làm việc để học) chia sẻ với Time năm 2020 dữ liệu ông tổng hợp được, cho thấy có đến 70% sinh viên cao đẳng phải đi làm thêm kiếm sống trong lúc học. Thậm chí ở bậc trung học, khảo sát của ông cũng chỉ ra có khoảng 40-50% học sinh có đi làm thêm trong năm.Tại Úc, giáo sư về chính sách giáo dục Andrew Norton tại Đại học Quốc gia Úc cho biết số sinh viên làm việc thêm toàn thời gian đã tăng từ khoảng 40% vào cuối những năm 1980 lên khoảng 70% vào năm 2022. Số giờ làm của sinh viên cũng tăng, trong đó một nửa sinh viên bản xứ Úc làm 20 giờ/tuần trở lên và ¼ sinh viên làm trên 30 giờ/tuần. Nhà trường thay đổi tư duyNhiều nhóm sinh viên Úc còn cùng nhau kêu gọi trường của mình tinh gọn thời gian biểu để họ có một vài ngày hoàn toàn trống trải nhận các đầu việc toàn thời gian. Họ cũng muốn trường tạo điều kiện học linh hoạt hơn, chẳng hạn cho phép lựa chọn thời điểm học phù hợp, tiếp cận các bài giảng có sẵn trong kho học liệu hay đưa thời hạn bài tập dễ thở hơn…Nhiều trường đã nghiêm túc nhìn nhận vấn đề. Theo chuyên gia Josh Freeman ở Viện Hepi, phần lớn đại học ở Vương quốc Anh đều đã gạt bỏ lăn tăn làm thêm ảnh hưởng đến việc học và thừa nhận rằng làm thêm là "không có lựa chọn nào khác". Nói phần lớn vì một số rất ít các trường tinh hoa như Oxford, Cambridge, Đại học Hoàng gia London vẫn cấm sinh viên làm bán thời gian.Theo thời gian, các đại học ở Anh nhìn vấn đề một cách thực tế hơn, trong thời buổi bão giá học phí và sinh hoạt phí, nguồn lực trợ cấp của nhà nước và trường thì có hạn thì làm thêm là phương án khả thi để sinh viên duy trì chuyện học hành. Hơn nữa, giáo dục bậc cao giờ đâu chỉ có mỗi chuyện học, nghiên cứu, lĩnh hội tri thức. Sinh viên đại học ngày càng "đời" hơn nhiều và đi làm thêm là một cách đầu tiên họ trải đời.Thống kê của Viện Hepi vào tháng 6-2023 chỉ ra trong tổng số hơn 140 website các trường đại học tại Vương quốc Anh có đến 48% website có những nội dung hỗ trợ hoặc hướng dẫn sinh viên tìm kiếm việc làm thêm. Josh Freeman gọi đây là "sự thay đổi lớn về quan điểm của các trường đại học".Bên cạnh những sinh viên làm để trang trải phí tổn, nghiên cứu khác của nhóm chuyên gia giáo dục từ Đại học East Anglia và Đại học Loughborough chỉ ra thêm hai động lực làm thêm khác của sinh viên. Một là muốn làm để có tiền dư dả chi cho những khoản không thiết yếu như du lịch. Hai là làm thêm để chủ động tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng làm việc. Một số sinh viên còn thừa nhận làm thêm giúp tạm thoát khỏi không gian học thuật, cởi bỏ áp lực học hành và thêm trải nghiệm ngoài nhà trường.Theo giáo sư Harriet Dunbar-Morris - nguyên trưởng phòng đào tạo tại Đại học Portsmouth (Anh), trong bối cảnh làm thêm là xu hướng không thể đảo ngược, cần có sự "thỏa hiệp" giữa nhà trường và sinh viên. Sinh viên không thể "bung xõa" hết cỡ mà cần biết những yêu cầu tối thiểu từ nhà trường, ngược lại trường cũng sẽ cởi mở hơn với sinh viên. Cụ thể, Đại học Portsmouth mạnh dạn xem xét lại các quy trình chấm điểm chuyên cần của sinh viên. Một số khoa của trường lên kế hoạch sắp xếp thời gian biểu hợp lý hơn, nhiều môn học có thể cho sinh viên linh hoạt lựa chọn học trực tiếp hay trực tuyến. Sinh viên có thể thiết kế tiến độ học tập riêng cho mình.Một cách làm khác là tạo cơ hội cho sinh viên làm việc ngay tại trường. Đại học Portsmouth tạo thêm cơ hội làm thêm "tại chỗ" được trả lương, không chỉ giúp sinh viên dễ tìm việc hơn mà còn đảm bảo được điều kiện làm việc cho họ so với "ngoài xã hội". Tương tự, từ tháng 1 đến tháng 6-2023, Đại học Essex cũng chi 100.000 bảng Anh cho 30 vị trí làm việc dành cho sinh viên ngay trong trường học.Về lâu dài, nhóm chuyên gia từ Đại học East Anglia và Đại học Loughborough cho rằng các trường có thể tính toán kết hợp công việc làm thêm của sinh viên vào chương trình đào tạo. Bởi thực tế phần lớn sinh viên đã và đang làm thêm, trong khi công việc làm thêm ít nhiều cũng đem lại cho họ những kiến thức, kỹ năng thực tế từ chính trong đời sống.Do vậy, sự kết hợp này có thể vừa giải quyết được bài toán xã hội vừa gia tăng trải nghiệm cho sinh viên, lại bổ sung mảnh ghép còn thiếu trong chương trình đào tạo bậc đại học. Khi trót làm nhiều hơn họcMột nghiên cứu được tập san AERA Open của Hiệp hội Nghiên cứu giáo dục Mỹ vào tháng 1-2023 cho thấy những sinh viên ham đi làm thêm thường đối diện rủi ro không thể tốt nghiệp. Nhóm tác giả phân tích dữ liệu của hơn 600.000 sinh viên tại tiểu bang Tennessee từ năm 2007 đến 2017. Nhóm so sánh tỉ lệ tốt nghiệp đại học của nhóm sinh viên đi làm thêm với nhóm không đi làm.Với những sinh viên làm thêm 15 giờ/tuần, nhóm nghiên cứu nhận thấy họ hoàn tất một học kỳ bằng khoảng 1,6 thời gian của những bạn không đi làm. Dù GPA giữa hai nhóm không chênh lệch nhiều, nhưng do học chậm hơn, tỉ lệ không tốt nghiệp đại học của nhóm có đi làm thêm là 20%. Riêng với nhóm sinh viên làm thêm không quá 8 giờ/tuần, tỉ lệ tốt nghiệp của không khác biệt với bạn bè không làm thêm. Sinh viên, cần câu và con cáCác chính sách hỗ trợ tài chính có thể giúp sinh viên toàn tâm toàn ý học hành, không phải lo chuyện làm thêm? Cũng còn tùy.Cuối năm 2023, diễn đàn Đại học Trung Sơn (Quảng Đông, Trung Quốc) xôn xao vì nhiều bài viết tố một sinh viên nhận trợ cấp ăn học của nhà nước mà sắm nguyên bộ sản phẩm Apple còn mua vé đi coi hát đắt đỏ. Hay tin này, trường đã quyết định ngừng các khoản trợ cấp.Trong một bài viết nhân chuyện này cho tờ China Daily, giáo sư Kiều Tân Sinh từ ĐH Kinh tế - Luật Trung Nam cho biết cơ chế trợ cấp của nhà nước cho sinh viên nghèo, dù từng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học ở Trung Quốc, đang dần bộc lộ một số hạn chế.Các sinh viên muốn xin trợ cấp sẽ phải làm hồ sơ khai báo gia cảnh, càng cụ thể càng tốt và ủy ban thẩm định sẽ xem xét dựa vào mức độ… nghèo của gia đình. Một số gói trợ cấp ngoài tiêu chí "con nhà nghèo" còn thêm phải "học giỏi", đồng nghĩa sinh viên gánh thêm một áp lực nữa nếu muốn lấy được tiền hỗ trợ từ nhà nước.Theo giáo sư Kiều, đặt vấn đề gia cảnh lên hàng đầu vừa có thể khiến sinh viên tự ti vừa triệt tiêu ý chí phấn đấu của họ. Sinh viên là những người trưởng thành và phải chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời họ và hỗ trợ tài chính "chỉ nên được trao khi sinh viên không thể tự tạo ra đủ thu nhập bằng chính sức lao động của họ đủ để đương đầu với khó khăn" - ông nhấn mạnh.Dù chương trình trợ cấp của chính phủ vẫn còn vai trò nhất định, ông Kiều cho rằng có thể mở rộng các cơ hội vừa học vừa làm cho học sinh. Đối với những người gặp phải thách thức tài chính, việc cung cấp cơ hội làm việc bán thời gian cho phép họ kiếm thu nhập và trang trải chi phí sinh hoạt thông qua lao động.Một mũi tên trúng hai đích: vừa nuôi dưỡng ý chí làm việc mạnh mẽ của sinh viên, khuyến khích họ giải quyết khó khăn tài chính vừa giúp giảm chi phí hỗ trợ của các tổ chức giáo dục đại học. Tags: Đi làm thêmVật giá leo thangTrường đại họcSinh viênLàm thêm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả tại TP.HCM: Giải pháp thiết thực cho giai đoạn mới CẨM NƯƠNG 22/11/2024 TP.HCM tổ chức hội thảo trọng điểm, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, hướng tới kỷ nguyên mới quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Những bị can bị lãng quên - Kỳ 3: 15 năm làm bị can, 2 lần đình chỉ ĐAN THUẦN 22/11/2024 Bị khởi tố về tội lừa đảo, trốn thuế từ năm 2004, sau 8 năm, ông Hồ Thanh Hải (71 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) bất ngờ được đình chỉ bị can do "hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự" và "hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội".