Nhu cầu lao động thời vụ tăng cao dịp Tết - Ảnh minh họa: GIA TIẾN
Các trường đại học ở TP.HCM đã thông báo nghỉ Tết Nguyên đán. Sinh viên được nghỉ ít nhất là 15 ngày và nhiều nhất là 1 tháng (tùy trường).
Nhiều nơi ở TP.HCM bắt đầu tuyển nhân viên cho mùa Tết, từ ngày 27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết. Các công việc như nhân viên cửa hàng tiện lợi, shop, nhà sách, bảo vệ, nhân viên trông xe… được mời chào rầm rộ.
Tủi thân nhưng vẫn phải làm
Khi bạn cùng trường hăm hở khăn gói ba lô về quê đón Tết cũng là lúc nhiều sinh viên lại lao vào kiếm tiền để trang trải việc ăn học.
Hà Thanh Bình, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM quê Bình Định), cho biết chưa dám chắc khi nào về quê, vì còn phải đi làm thêm. Công việc của Bình cũng liên quan ngành học nên anh cố ở lại làm.
"Dịp Tết, ai cũng nôn về đoàn tụ, sum vầy bên gia đình. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện, nhất là các bạn nhà xa. Tiền vé xe Tết tốn kém, lại thêm khoảng tiền đóng học phí, tiền ký túc xá, tiền ăn sau Tết, nên mình quyết định ở lại làm thêm, đỡ được đồng nào hay đồng ấy", Bình chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh, Nguyễn Thị Hạnh Quyên - sinh viên Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM - cho biết dành thời gian cuối năm để bán hàng, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.
Tuy không về nhà sớm, Quyên không cổ xúy ham làm thêm bỏ quên gia đình: "Mình không thể về nhà sớm vì hứa làm, thấy cô thiếu người bán cũng thương, chứ về nghỉ Tết sớm với gia đình vẫn hơn.
Mình ở lại vài hôm mà có vui gì đâu. Con gái học xong lại lấy chồng, rồi lúc đó muốn cũng không được về nhà mình để dọn dẹp nhà cửa nữa. Bố mẹ gọi điện hỏi mình bao giờ về. Nghe xong, mình chảy nước mắt vì thương và tủi".
Nguyễn Minh Tâm - sinh viên ĐH Tài chính Marketing (quê Đắk Lắk) - tâm sự, bản thân đủ trưởng thành, nên việc ở lại làm thêm ít hôm kiếm tiền cũng là chuyện bình thường. Cô không buồn, và sẽ đền bù bằng cách dành toàn thời gian trong Tết cho gia đình.
Nhiều sinh viên chọn làm thêm dịp giáp Tết để có thêm thu nhập, trước khi về quê ăn Tết - Ảnh minh họa: GIA TIẾN
Ngược lại, nhiều bạn trẻ cho rằng sinh viên nên về nhà sớm, để phụ giúp việc nhà và đón Tết cùng bố mẹ, bởi sau này đi làm, chẳng có nhiều thời gian để về. Vả lại, thời gian học kéo dài vài, năm chứ kiếm tiền là cả đời.
Trịnh Thị Bích Vân - sinh viên Đại học Ngân hàng TP.HCM (quê Đắk Lắk) - cho rằng dẫu biết làm thêm gần Tết được nhiều tiền, bạn không ham. Tết là dịp sum họp, nên cả năm vất vả làm thêm thì Tết lại càng phải về sớm.
Là người đã đón Tết 2017 ở TP.HCM vì không có điều kiện về, Nguyễn Thị Ngọc Mai - sinh viên ĐHKHXH&NV (quê Hà Tĩnh) - cho biết cô thấu hiểu nỗi buồn của những người con đón Tết xa quê, tủi thân nhưng phải cắn răng chịu. Năm nay, Mai có ý định về quê nhưng chưa định ngày, vì phụ thuộc người khác.
Chọn đón Tết theo cách khác
Với nhiều du học sinh, trở về quê ăn Tết Nguyên đán dường như bất khả thi. Nguyễn Trường Thi (1996) vừa học vừa làm tại trường Đại học Quốc tế Higashi Nippon (Nhật Bản) sẽ có năm đầu đón Tết xa quê.
Thi chia sẻ: "Ở bên này, họ ăn Tết Tây lớn. Dịp Tết Nguyên đán, mình vẫn phải đi học. Lần đầu xa quê nên mình rất nhớ nhà, nhớ nhất là không khí Tết. Chắc Tết mình phải mua bánh chưng, trái cây cho có không khí".
Không chọn đi làm thêm, nhưng cũng không về nhà ngay sau khi được nghỉ, Võ Thị Ngọc Sen - sinh viên ĐH KHXH&NV (quê Đồng Tháp) - chia sẻ năm nay sẽ tiếp tục tham gia Xuân tình nguyện.
Sen nói: "Dịp Tết, ai cũng mong về nhà thật mau. Nhưng mình bỏ chút thời gian để mang mùa xuân đến cho nhiều người, sẽ ý nghĩa hơn. Mình còn trẻ, đi nhiều một chút, có thêm bạn mới, trải nghiệm mới, để có nhiều kỷ niệm 4 năm đại học".
Cùng chọn mang lại mùa xuân ấm cho mọi người, Nguyễn Khải Nghiêm - ĐH KHXH&NV (quê Cà Mau), tâm sự: "Nghĩ đến việc mình về trễ một chút xíu, nhưng giúp bà con nghèo có một cái tết đầm ấm thì cũng đáng".
Nghiêm tâm sự dù là người tự lập và mạnh mẽ nhưng những lúc nghe mấy bài hát kiểu Con biết bây giờ mẹ chờ tin con…, cậu cảm thấy nhớ nhà và lạc lõng. Nhưng bù lại, anh có những người đồng đội. Ngoài ra, do 3 năm qua anh đều tham gia Xuân tình nguyện, nên cũng quen.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận