Sinh viên năm 2 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bắt đầu học tại cơ sở Nam thành phố từ ngày 4-1-2021 - Ảnh: T.N.
Sinh viên học ở Bình Dương không thích bằng học ở TP.HCM. Tuy cơ sở vật chất, phòng thực hành, vườn ươm được đầu tư rất tốt nhưng ở Bình Dương sinh viên muốn học thêm tiếng Anh, học trả nợ hay đi làm thêm cũng bất tiện, thiệt thòi hơn rất nhiều so với sinh viên ở Sài Gòn.
GS.TS Nguyễn Minh Hà (hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM)
Đầu tháng 1-2021, gần 4.000 sinh viên năm 2 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM bắt đầu học tại cơ sở Nam thành phố của trường tại huyện Bình Chánh. Trường tổ chức các tuyến xe buýt từ nội thành đến cơ sở này, giảm 5% học phí nhưng không ít sinh viên vẫn chê vì xa, thiếu các tiện ích ngoài trường.
"Đã quen học ở trung tâm"
Cơ sở Nam thành phố của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM được xây dựng và trang bị hiện đại với nhiều tiện ích, phục vụ nhu cầu học tập và sinh hoạt như thư viện thông minh, khu tự học sinh động, thoáng mát, khu vực nghỉ trưa thư giãn, quảng trường, cửa hàng tiện lợi...
Tuy nhiên, N.T.P. - sinh viên khoa quản trị trường này - cho biết đã quen học ở các cơ sở của trường gần trung tâm thành phố nên khi nhà trường đề nghị chuyển sang học ở Bình Chánh, P. cảm thấy rất bất tiện và khó khăn vì phải thay đổi thời gian biểu, cách sinh hoạt của mình.
"Mình thuê trọ ở gần cơ sở B của trường để tiện việc đi học, thế nhưng từ ngày chuyển sang học tại cơ sở Bình Chánh mình phải nhờ bạn chở đi học bằng xe máy với thời gian hơn 40 phút. Nếu đi xe buýt phải thức dậy từ rất sớm để bắt tuyến đầu tiên mới kịp giờ học.
Nếu dậy trễ giờ, gặp đúng giờ cao điểm thì phải hơn một tiếng mới tới được trường. Hơn nữa, ở cơ sở Bình Chánh còn bất tiện trong việc tìm quán ăn bình dân, mỗi suất cơm ở đây cũng dao động 30.000 - 40.000 đồng" - P. nói.
Một đặc điểm chung của nhiều trường ĐH tại TP.HCM là diện tích nhỏ, nhiều cơ sở đôi khi cách nhau rất ra. Phần lớn các trường bố trí sinh viên một số khoa đến học cố định tại một cơ sở nhưng việc giải quyết giấy tờ, thủ tục hành chính lại chỉ giải quyết tại cơ sở chính nên gây nhiều bất tiện cho sinh viên.
Chẳng hạn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trụ sở tại quận 4 nhưng cơ sở lớn nhất tận quận 12, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM ở Bình Thạnh và cơ sở quận 12, Trường ĐH Tài chính - marketing trụ sở tại quận 7 và các cơ sở ở Tân Bình và quận 9, Trường ĐH Luật TP.HCM trụ sở quận 4 và cơ sở Thủ Đức, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM trụ sở Bình Thạnh và cơ sở quận 9, Trường ĐH Hoa Sen trụ sở quận 1 và cơ sở quận 12...
L.T.T. - sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM - nói trường hiện có hai cơ sở ở Bình Triệu và quận 4. Mặc dù được sắp xếp học cố định ở cơ sở Bình Triệu nhưng T. vẫn thấy bất tiện khi cần xin giấy tờ, thủ tục, đăng ký học phần phải chạy qua cơ sở quận 4.
"Nhiều khi cần xin giấy tờ gấp, phải nộp trong ngày nhưng tại cơ sở Bình Triệu không hỗ trợ thủ tục hành chính, mình phải tranh thủ học buổi sáng để buổi chiều chạy qua cơ sở quận 4 làm cho kịp. Hoặc nhiều khi trường có hội thảo hay tọa đàm bắt buộc sinh viên phải tham gia thì việc di chuyển qua lại giữa hai cơ sở rất bất tiện vì khá xa nhau" - T. kể.
Nhiều hỗ trợ
Trường ĐH Mở TP.HCM có cơ sở đào tạo ngành công nghệ sinh học tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương. Tuy nhiên, từ năm 2019 toàn bộ sinh viên ngành này được đưa về học tại cơ sở chính ở TP.HCM, chỉ thực hành, thí nghiệm tại cơ sở Bình Dương. "Trường bố trí xe đưa đón sinh viên học thực hành tại Bình Dương khi có lịch.
Việc xếp thời khóa biểu cực hơn, chi phí nhiều hơn nhưng trường chấp nhận để sinh viên có điều kiện phát triển tốt hơn. Số lượng thí sinh trúng tuyển ngành công nghệ sinh học của trường hai năm qua tăng mạnh so với các năm trước.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chuyển đào tạo về TP.HCM. Hoạt động của sinh viên khoa cũng sôi nổi hơn" - GS.TS Nguyễn Minh Hà, hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, nói.
Để tạo thuận lợi cho sinh viên, nhiều trường bố trí người của các bộ phận trực tại các cơ sở tiếp nhận xử lý và hỗ trợ sinh viên liên quan đến thủ tục giấy tờ.
TS Bùi Quang Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết trước khi đưa sinh viên ra cơ sở mới học tập, nhận thấy điều sinh viên quan tâm là việc di chuyển nên nhà trường đã thực hiện khảo sát hơn 3.000 sinh viên sẽ tham gia học trực tiếp tại đây, kết quả tỉ lệ hơn 2/3 sinh viên chọn giảm học phí thay vì đi xe buýt trợ giá.
Dựa trên kết quả này, trường đồng thời áp dụng hai biện pháp: giảm học phí đồng loạt cho tất cả sinh viên, vừa thiết lập hệ thống xe buýt trợ giá với cơ sở Nguyễn Văn Linh là bến cuối. Đoàn trường cũng khảo sát và giới thiệu nhà trọ cho sinh viên.
"Các đơn vị chức năng liên quan đã bố trí nhân sự phục vụ công tác hỗ trợ sinh viên trực tiếp tại cơ sở Nguyễn Văn Linh để thuận lợi hơn cho sinh viên" - ông Hùng nói.
Giải quyết trực tuyến trong 24 giờ
Với các trường có nhiều cơ sở, việc ứng dụng công nghệ, hỗ trợ sinh viên trực tuyến, giảm thiểu việc di chuyển của sinh viên đã được nhiều trường áp dụng.
Chẳng hạn, bộ phận tiếp nhận của Trường ĐH Văn Lang, ĐH Công nghệ TP.HCM sau khi tiếp nhận yêu cầu trực tuyến của sinh viên sẽ xử lý và chuyển trả giấy tờ cho sinh viên trong vòng 24 giờ.
Tương tự, Trường ĐH Mở TP.HCM cho biết ngoài thủ tục hành chính, các hoạt động khác như cố vấn học tập, họp với giáo viên chủ nhiệm cũng được tương tác qua ứng dụng trực tuyến để thuận lợi hơn cho sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận