Sinh viên Trường ĐH Tài chính - marketing tham quan thực tế tại một khách sạn - Ảnh: UFM
Nhiều môn dạy thiếu buổi
Các sinh viên K.18 khoa du lịch Trường ĐH Tài chính - marketing học chương trình đào tạo đặc thù, phản ánh trước đây khi trúng tuyển vào học chương trình đại trà nhưng nhà trường chuyển họ qua học chương trình đặc thù với chương trình học thực tế nhiều hơn, 50% học thực hành với doanh nghiệp, giảng viên chuyên nghiệp, thực tập tại khách sạn, resort 4 sao, 5 sao, do đó học phí cũng tăng cao so với đại trà.
Tuy nhiên chương trình học thì không được học thực hành, thực tế, không có doanh nghiệp dạy. Có những môn giảng viên dạy thiếu buổi nhưng vẫn thi qua môn.
"Điều đáng nói, chúng tôi họp yêu cầu khoa, trường giải quyết về chương trình học hoặc ít nhất trả lại học phí, chỉ thu đúng như đại trà nhưng chưa bao giờ có người có trách nhiệm trả lời hoặc tham gia nghe sinh viên nêu ý kiến; chỉ có cố vấn học tập ghi nhận chứ đâu có quyền trả lời về học phí, chương trình đào tạo", một số sinh viên phản ánh.
Sinh viên còn liệt kê danh sách hơn chục học phần, các môn học và tên các giảng viên phụ trách chưa được đi thực tế tại nhiều địa phương (TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Đà Lạt, Nha Trang…) còn thiếu nhiều buổi học từ năm học 2018-2019 đến nay.
Trong khi nhiều sinh viên khác thắc mắc chương trình học của K.18 đã kết thúc, sinh viên sắp ra trường, vậy học phí tăng thêm mà trường thu của sinh viên sẽ giải quyết ra sao; số buổi sinh viên học thiếu thì các môn học đó có được công nhận hay không; nếu chương trình đào tạo chưa được thông qua vậy sinh viên ra trường là đại trà hay đặc thù?
Nhiều sinh viên bức xúc: "Khoa du lịch yêu cầu sinh viên tự liên hệ giảng viên dạy thiếu buổi để yêu cầu giảng viên ký xác nhận dạy thiếu để gửi khoa giải quyết. Chuyện này thật sự kỳ cục, sao sinh viên yêu cầu giảng viên làm sai ký xác nhận rồi trường mới giải quyết?".
Trường sẽ đối thoại với sinh viên
Sáng 21-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Huỳnh Thế Nguyễn, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing, cho biết ông chưa nhận được thông tin này và không biết sinh viên phản ánh việc này là khóa nào.
Cũng theo ông Nguyễn, trường tuyển sinh chương trình đào tạo đặc thù từ khóa 18. Đối với chương trình đào tạo đặc thù, nhà trường thiết kế theo hướng là có 50% thực hành.
"Những sự việc thế này chúng tôi cần phải nắm rõ mới có thông tin chính thức được. Ví dụ trường hợp khoa, giáo viên hay doanh nghiệp chưa đảm bảo chúng tôi sẽ can thiệp ngay.
Khái niệm thực hành ở đây được hiểu là tất cả các hoạt động thực hành tại phòng máy, cũng có thể thực hành tại doanh nghiệp, đi tour… nhưng về cơ bản trường đảm bảo được 50%", ông Nguyễn nói.
Đối với giảng viên, theo công văn hướng dẫn đào tạo chương trình đặc thù của bộ cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đào tạo trong quá trình đào tạo chương trình này. Trong trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo, nếu khoa phát hiện nhà trường sẽ có ý kiến xử lý.
"Chúng tôi sẽ báo cáo ngay việc này với hiệu trưởng và sẽ yêu cầu khoa báo cáo sự việc để có câu trả lời chính xác với sinh viên vào chiều 22-2", ông Nguyễn cho biết thêm.
Chiều 22-2, ông Lê Trung Đạo, phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay: "Nhà trường đang thu xếp để tổ chức đối thoại với sinh viên, dự kiến cuối tuần này".
Theo cam kết của nhà trường, với chương trình đào tạo đặc thù sinh viên được học 50% lý thuyết và 50% thực hành, chương trình được thiết kế theo hướng mở dễ chuyển đổi và liên thông; 30% thời lượng sinh viên học với các chuyên gia hoặc lãnh đạo doanh nghiệp.
100% sinh viên được thực hành trên các phần mềm hoặc thực hành mô phỏng tại các doanh nghiệp; 100% sinh viên được tham quan thực tế, chỗ thực tập và vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp; các dạng đề tài thực hành, thực tập do doanh nghiệp đề xuất, đi sát thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận