Đó là chia sẻ của bà Lê Minh Lý - giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương - tại Hội nghị sơ kết công tác chuyển đổi số, thực hiện đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 và đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng sinh trắc học, được tổ chức ngày 21-7 tại Hà Nội.
Dùng căn cước công dân giả làm hồ sơ hưởng bảo hiểm
Theo bà Lý, bình quân mỗi ngày có 200 - 220 người dân hưởng lợi từ thí điểm xác thực sinh trắc học trên căn cước công dân gắn chip tại bộ phận một cửa từ ngày 8-11-2022 đến nay. Tuy vậy, cơ quan chức năng cũng phát hiện 3 trường hợp nghi ngờ sử dụng căn cước công dân gắn chip giả để làm hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Cụ thể, từ tháng 12-2022 đến tháng 3-2023, bộ phận một cửa tại văn phòng Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận 3 người sử dụng căn cước công dân gắn chip, nghi ngờ là giả đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tổng số tiền nếu được tiếp nhận và giải quyết ước tính khoảng 200 triệu đồng.
Sau đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã báo cáo cơ quan công an để xem xét, xác minh và xử lý. Đồng thời, ngành bảo hiểm xã hội cũng thông báo đến các tỉnh thành lưu ý, cảnh giác.
Theo trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, thứ trưởng Bộ Công an, đề án 06 và các giải pháp đồng bộ đã dần hạn chế việc trục lợi trong thanh toán bảo hiểm xã hội một lần, thanh toán bảo hiểm y tế.
Ông Ngọc đánh giá việc liên thông dữ liệu và áp dụng các biện pháp công nghệ tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, cũng như giảm tham nhũng vặt khi thực hiện dịch vụ công.
Tiết kiệm hàng trăm tỉ khi áp dụng công nghệ
Ông Nguyễn Thế Mạnh - giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - nêu ví dụ mỗi năm có khoảng 170 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nếu áp dụng hệ thống sinh trắc học thì thời gian, chi phí của bệnh nhân giảm, chẳng hạn 1.000 đồng/người thì làm lợi ít nhất 170 tỉ đồng/năm.
Về lâu dài, ngành bảo hiểm xã hội sẽ nghiên cứu áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng dẫn, phân luồng người khám bệnh.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tạo thói quen cho người dân sử dụng căn cước thay thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, ông cũng đề nghị cơ quan chức năng liên thông dữ liệu khám chữa bệnh nhằm hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử, hướng dẫn quy định về thiết bị sinh trắc học để có căn cứ đấu thầu…
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tích hợp xác thực sinh trắc học có thời gian xác thực từ 6 - 13 giây/lượt, độ chính xác cao và chỉ cần một cán bộ y tế cho các quầy xác thực.
Qua thí điểm tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình và Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới từ 5-4 đến 31-5, có trên 18.400 lượt xác thực sinh trắc vân tay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận