15/10/2013 08:35 GMT+7

Sinh ra để... leo dừa

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TT - Bây giờ đã hơn 50 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Mười Hai (nhân vật chính trong phim ngắn Bà ngoại leo dừa đoạt giải Cánh diều bạc tại Liên hoan phim ngắn năm 2009 của đạo diễn Đỗ Thành An) vẫn được mệnh danh là “đệ nhất leo dừa” ở miền Tây.

Chưa có người phụ nữ nào đủ sức, đủ tài tiếp nối cái nghề cực kỳ nguy hiểm này.

wyEq6wLj.jpg
Bà Nguyễn Thị Mười Hai, người được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất... leo dừa” - Ảnh: Sơn Lâm

“Dừa chọn tui đó chứ!”

Một chiều giữa tháng 10-2013 mưa tầm tã. Chúng tôi đến nhà bà Mười Hai ở ấp Bờ Xe, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) khi anh Bùi Minh Lý - con trai của bà Mười Hai - tranh thủ trộn hồ tô tường nhà. Bà Mười Hai bảo căn nhà này là thành quả của hàng chục năm leo dừa kiếm sống, dành dụm, chắt chiu từng đồng bạc lẻ cộng với một ít mượn của bà con chòm xóm. “Cuối tháng 11 sẽ cố tô xong bốn bức tường rồi làm cửa nẻo đàng hoàng cho con cháu ăn tết” - bà Mười Hai nói.

Cuối năm 2011, bà Mười Hai còn giành được giải ba cuộc thi chạy việt dã tỉnh Tiền Giang. “Năm ngoái tui bận công chuyện nên không tham gia được, năm nay tui sẽ thi tiếp. Giải dành cho người cao tuổi thì tui còn chạy tốt vài năm nữa đó”, bà Mười Hai cười thật tươi.

Đã có hai cháu nội, hai cháu ngoại và đã leo gần như tất cả hàng trăm ngàn cây dừa ở xứ Châu Thành suốt gần nửa đời người, nhưng đến bây giờ bà Mười Hai vẫn không giải thích được vì sao lại gắn với nghề này. “Có lẽ dừa chọn tui đó chứ. Tui là đàn bà con gái sao chọn nghề mà đàn ông còn sợ như vậy được. Chú nghĩ xem có phải không?”.

Bà chẳng nhớ mình biết leo dừa từ năm mấy tuổi, chỉ nhớ lần đầu được người ta trả công cho mấy đồng nhờ leo dừa, về đưa tiền cho mẹ thì bị la một trận kinh hồn bạt vía.

Bà kể: “Mẹ tui sợ tui té chết nên cấm. Về sau tui cũng hay lén leo hái dừa của gia đình, ai kêu hái giùm cũng leo riết thành quen. Rồi gia đình khó khăn quá nên phải đi hái dừa giùm chòm xóm, họ cho tiền. Cha mẹ không nói gì nữa. Nghề leo dừa của tui cũng chính thức bắt đầu từ đó, khoảng đâu 16-17 tuổi, không nhớ rõ lắm”.

Rồi khi các anh chị đều lập gia đình ra riêng thì bà Mười Hai sống với mẹ già. Vì kế sinh nhai, bà đặt cả hai chân vào cái nghề vốn không dành cho phụ nữ chân yếu tay mềm: hái dừa thuê. Cái dáng người nhỏ nhắn của người con gái chân quê dần dần “cơ bắp” lúc nào không hay.

Cả đôi bàn chân, tay cũng sần sùi chẳng kém thân cây dừa mà ngày ngày bà leo hái trái. Cho đến năm 24 tuổi, bà tạm ngưng công việc này để lấy chồng. “Hồi đó tui cứ nghĩ sẽ bỏ nghề để chồng nuôi, ai dè cả hai vợ chồng phải tiếp tục sống bằng nghề của tui mới lạ chứ” - bà Mười Hai cười móm mém.

Ông Lợi, chồng bà Mười Hai, tiếp lời: “Tui cũng nghèo nên khi cưới xong thì hai vợ chồng phải sống lây lất bằng nghề làm thuê làm mướn. Ai mướn gì làm đó chứ không làm nghề gì cố định cả. Bả bàn với tui lấy nghề leo dừa thuê làm nghề chính, khi rảnh ai kêu làm thì làm thêm nhưng tui đâu có chịu. Mất mặt đàn ông con trai quá. Tui sinh ra ở xứ dừa Bến Tre còn không thể leo lên ngọn cây dừa cao 4m mà để vợ suốt ngày leo dừa thuê nuôi chồng ai mà coi chứ”.

Nhưng dù buông cái này bắt cái kia quần quật mấy năm trời vẫn không khá hơn được. Dần dần công việc đồng áng, vườn tược cũng ít đi. Hai vợ chồng bà Mười Hai phải chuyển sang nghề mua dừa tươi trong vườn đem bỏ mối cho các vựa dừa. Nhưng được chẳng bao lâu thì mấy thanh niên chuyên leo dừa bỏ nghề hết, chẳng còn ai hái dừa sẵn để vợ chồng bà đến mua rồi chở về.

Các chủ vườn ra điều kiện: “Nếu vợ chồng bây hái luôn thì được bao nhiêu tau bán hết bấy nhiêu. Chứ giờ dừa trên cây đó mà chẳng có ai hái thì sao mà bán được”. Tối về, hai chợ chồng im lặng không nói gì với nhau đến tận nửa đêm. Bà Mười Hai sợ nếu đòi leo dừa nữa thì chồng buồn. Còn ông Lợi cũng không dám mở lời vì sợ... mất thế đàn ông. Cuối cùng bà Mười Hai lên tiếng trước: “Giờ làm chuyện gì cũng khó. Thôi thì ông phải cho tui tiếp tục nghề leo dừa chứ nếu không làm gì bây giờ...”.

Sáng hôm sau hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ đến vườn dừa hỏi mua và ra điều kiện: “Con hái dừa giúp cô chú luôn”. Từ ngày ấy, người phụ nữ leo dừa duy nhất của xứ này ngày ngày đong đưa trên những ngọn dừa cao hàng chục mét trong sự thán phục của tất cả mọi người.

Ông Lợi kể: “Đứng dưới đất và chỉ cần 2-3 phút bả đã có mặt trên ngọn dừa cao 30-40m, nhanh như sóc vậy. Thậm chí nhiều lúc bả còn đu lá dừa chuyền sang cây khác ở gần để khỏi leo xuống leo lên. Nhìn chóng mặt luôn. Nhiều lúc bả ở trên ngọn dừa la làng, tui ngó lên thì thấy con rắn rơi xuống đất. Thì ra bả vừa làm con rắn kinh động, nó phóng ra. May mà né được. Hú hồn”.

Trời đánh không chết

Cả vùng chuyên canh vườn dừa và cây ăn trái của huyện Châu Thành, Cai Lậy, Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) bây giờ chỉ có duy nhất một phụ nữ hái dừa. Và chắc chắn ở huyện Châu Thành chỉ còn một người sống bằng nghề leo dừa, đó là bà Mười Hai. Bà nói: “Dừa ở đây trồng lâu năm, có cây phải đến 40m. Cây nào tầm ba bốn chục mét tui đều nhớ hết. Cây nào đến ngày thu hoạch tui cũng nhớ để nhắc chủ vườn”.

Mỗi chục dừa (12 trái) hái từ cây xuống được 5.000 đồng, dọn vệ sinh dừa thì được trả 15.000 đồng/cây, công việc nghe qua đơn giản nhưng luôn ẩn chứa muôn vàn nguy hiểm. Phất phơ kiếm sống lưng chừng trời, một cơn gió nhẹ đong đưa cũng có thể biến phút lơ đễnh thành mất mạng. Bà Mười Hai tặc lưỡi: “Nói chứ tui đúng là hên thật, cả đời leo dừa nhưng chỉ có... hai lần bị té”.

Hai lần té của bà đều là hai lần tưởng chừng đã chết. Lần đầu là lúc mới mang thai người con đầu được sáu tháng. Vì có thai, hai vợ chồng tạm ngưng công việc leo dừa và ông Lợi quay lại với việc làm mướn.

Lần đó ông đi vắng, một chủ vườn dừa có cây cao chừng 10m đến nhờ bà leo cho kịp thu hoạch. Cũng muốn dành chút đỉnh chờ sinh, bà lén chồng nhận lời. Lên đến nửa cây đầu tiên bỗng nhiên hoa mắt, bà Mười Hai tỉnh lại trong trạm xá mới biết mình đã trượt chân rơi xuống đất. “Sém tí nữa mất đứa con, từ đó tui cẩn thận hơn chứ không dám liều nữa”, bà kể.

Dù rất cẩn thận nhưng trong một lần đang ngồi trên ngọn dừa thì trời đổ mưa. Vốn quen leo trèo cả lúc trời đang mưa nên bà Mười Hai cũng làm việc bình thường mà không để ý cạnh đó có trạm điện cao thế. Và... sét đánh. Tia lửa điện ở gần trạm điện xẹt ngang cây dừa. Bà Mười Hai rơi xuống đất. Tóc bị cháy khét lẹt. Nhưng bà vẫn đứng dậy bình thường. Chuyện này trở thành giai thoại “Bà Mười Hai bị trời đánh không chết”.

Hái dừa đã khó, nhưng theo bà Mười Hai, dọn vệ sinh cây dừa còn khó hơn gấp bội. Bà giải thích: “Trong một mớ bòng bong rác rến xung quanh bẹ lá bao giờ cũng có chuột, ong, và cả rắn độc rình rập, kiến vàng bò vào tai. Chuyện bà bị ong đốt sưng mặt cả tuần không dám ra khỏi nhà hay bị rắn cắn hụt, kiến vàng cắn te tua... xảy ra như cơm bữa. Cũng vì vậy bà dứt khoát bắt con trai mình kiếm chuyện khác làm, không được làm nghề của mẹ. Anh Bùi Minh Lý kể: “Có lần tui phụ hái dừa với mẹ bị ong đốt nằm liệt giường, sau đó không dám leo nữa, giờ đi làm phụ hồ kiếm sống. Nghề của mẹ nguy hiểm quá”.

Đoạn dây vải dù dùng để làm “nài” leo dừa của bà Mười Hai giờ đã cũ và mòn đi khá nhiều nhưng căn nhà đúng nghĩa mà cả đời leo dừa dành dụm vẫn chưa làm xong. Bà Mười Hai quyết tâm làm thêm một thời gian nữa để kiếm tiền hoàn thiện căn nhà mới tính chuyện “nghỉ hưu”.

____________

Kỳ tới: Quai búa tảo tần

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên