TTCT - Việc tránh đau đớn khi sinh nở vẫn là điều mong mỏi của các sản phụ và đôi khi hoàn cảnh - ít ra là trong các nước đang phát triển... Phóng to Dù nguy hiểm, nhiều sản phụ vẫn chọn sinh mổ để tránh đau đớn và được sinh con vào “ngày tốt”TTCT - Việc tránh đau đớn khi sinh nở vẫn là điều mong mỏi của các sản phụ và đôi khi hoàn cảnh - ít ra là trong các nước đang phát triển... Từ ca đầu tiên Vào năm 1500, vợ ông Jacob Nufer ở một thị trấn tại Thụy Sĩ chuyển dạ nhưng không sinh được và có nguy cơ tử vong. Hơn mười bà đỡ của thị trấn đã cố giúp bà nhưng không được và vì không có bác sĩ ở địa phương, chồng bà - làm nghề hoạn lợn - liều mổ vợ để lấy con ra. Vào thời ấy, khó có người sống sót sau một cuộc giải phẫu như vậy, nên hai vợ chồng đã nói lời vĩnh biệt trước khi ông Jacob Nufer tiến hành cuộc mổ. Kết quả, hai mẹ con đều khỏe mạnh. Ca mổ thành công nhờ thể trạng tốt của sản phụ và tay dao khéo của người chồng, nhưng phần lớn là nhờ người vợ có thai ngoài tử cung. Nếu mang thai bình thường, chắc bà Nufer đã chết vì xuất huyết ồ ạt do vách tử cung bị phá. Ca mổ này được đa số các nhà khoa học cho là ca sinh mổ đầu tiên trên thế giới. Dễ dàng như... nhổ răng 500 năm sau, sinh mổ đã trở nên dễ dàng và phổ biến như... chuyện nhổ răng. Tại Chile, đất nước có tỉ lệ sinh mổ cao nhất hành tinh, sinh mổ chiếm tới 40% toàn bộ các ca sinh nở. Nhưng xét về khu vực, châu Á lại là nơi có nhiều ca sinh mổ nhất, nhất là Hàn Quốc (36,4% trong năm 2006), Đài Loan (33%), Singapore (30%) và Trung Quốc (26%). Thống kê chưa chính thức của Tổng Y viện Bangkok cho biết tỉ lệ sinh mổ toàn quốc là 65%. Vì việc sinh mổ liên quan đến tỉ lệ tử vong cao của sản phụ và các vấn đề sức khỏe khác, các con số trên là đáng báo động. Sự lo lắng càng nghiêm trọng khi các thống kê mới đây tại Mỹ cho thấy sự gia tăng tỉ lệ sinh mổ - hiện là 31%, tăng 50% so với cách đây mười năm - trùng hợp với gia tăng tỉ lệ tử vong của bà mẹ (mặc dù mối liên hệ này chưa rõ ràng tuyệt đối). Cứ 100.000 ca sinh ở Mỹ năm 2003 có 12,1 bà mẹ tử vong - lần đầu tiên vượt số 10 trong vòng 26 năm. Năm 2004, con số này là 14. Sau mười năm nghiên cứu, giáo sư Eugene Declercq thuộc Trường Y của Đại học Boston thừa nhận “có bằng chứng hiển nhiên về tỉ lệ tử vong cao trong các trường hợp sinh mổ với các bà mẹ có rủi ro thấp”, và ông gợi ý phụ nữ nào muốn sinh mổ cần tự hỏi tại sao trong khi “bà và con bà đều khỏe mạnh”. Cần nhớ là việc sinh con bình thường không phải lúc nào cũng là chọn lựa hấp dẫn. Với đa số phụ nữ, việc sinh con tự nhiên là một trong các nỗi đau đớn thân xác nặng nề nhất mà họ có thể trải qua, trừ các tai nạn lớn. Thời gian đau đẻ của lần sinh đầu khoảng 7-12 giờ, nhưng có thể kéo dài đến 20 giờ hay lâu hơn nữa. Nhìn cách nào đó, việc sinh con cũng giống một ca cấp cứu. Thật ra, nếu không có sự can thiệp y học, trong 67 ca sẽ có một ca tử vong. Việc sợ đau đớn khi sinh nở là chính đáng và người ta không lấy làm lạ khi thấy nhiều sản phụ chọn cách sinh mổ mà thời gian sinh chỉ kéo dài khoảng 40 phút. Khi chi phí không còn là vấn đề, các bà thích sinh mổ hơn. Tại Hong Kong, tỉ lệ sinh mổ ở các bệnh viện tư là hơn 45%, còn tại đại lục là 27%. Họ cũng muốn xác định ngày giờ sinh để xin phép nghỉ hộ sản và xin sinh mổ vào những ngày tốt theo tử vi. Và những hậu quả Khi nào nên sinh mổ? Mổ lấy thai có chỉ định trong các trường hợp: mẹ có khung chậu hẹp, lệch, dị dạng đường sinh dục, bất thường cơn co tử cung, sinh khó do cổ tử cung có vết mổ cũ mà không có điều kiện sinh theo ngả âm đạo, chuyển dạ kéo dài, dọa vỡ tử cung... Về phía thai nhi: thai to, ngôi thai bất thường, thai suy... hoặc do phần phụ của thai như sa dây rốn, nhau tiền đạo, nhau bong non. Mổ lấy thai là để cứu mẹ trong những trường hợp mẹ bị bệnh lý rất nặng - nếu để kéo dài thai kỳ có thể tử vong do sản giật, tiền sản giật nặng, bệnh tim... Hoặc khi thai bị suy nếu để tiếp tục có thể chết, nên phải can thiệp đưa ra ngoài may ra có thể cứu sống. Mổ lấy thai có những nguy hiểm nhất định và có ảnh hưởng đến tương lai sản khoa của người mẹ. Sau mổ, nhiều trường hợp phải dùng kháng sinh nên mẹ ngại cho con bú, nguồn sữa giảm, phải mua sữa lại tốn kém. Trẻ sinh mổ sẽ không được hấp thu (qua bánh nhau) các yếu tố nội tiết, tăng trưởng và các vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa so với trẻ sinh thường... Vì vậy cần cân nhắc thật kỹ trước khi có chỉ định mổ lấy thai để tạo sự an toàn tối đa cho mẹ và con.Tuy nhiên, việc sinh mổ không phải không có trở ngại và ca mổ kết thúc với mối dây may cuối cùng ở bụng dưới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề nghị bà mẹ cho trẻ bú trong vòng một giờ sau khi sinh, vì các kháng thể quan trọng và protein bảo vệ - sự tạo miễn dịch đầu đời - được cung cấp qua các giọt sữa quí báu đầu tiên. Nhưng việc cho con bú sẽ khó khăn nếu bà mẹ chỉ vừa tỉnh lại, chưa kể những trường hợp mê man nhiều giờ sau khi mổ. Trong những ngày sau khi mổ, phụ nữ có nguy cơ cao về huyết học hoặc bị nhiễm trùng. Đây là vấn đề chung cho mọi cuộc giải phẫu, nhưng cũng có nghĩa là sinh mổ có nguy cơ tử vong cao hơn sinh con tự nhiên. Con số 12,1 bà mẹ tử vong trong mỗi 100.000 ca sinh ở Mỹ năm 2003 có thể trở thành con số 36 nếu chỉ xét riêng số sinh mổ - và sự khác biệt, theo tạp chí Obstetrics and Gynecology, “có thể được gán cho chính việc giải phẫu”. Cuối cùng, những phụ nữ sinh mổ sẽ gặp phải khả năng giảm thụ thai, nếu muốn có thêm con. Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy phụ nữ đã sinh mổ có vấn đề về mang thai nhiều gấp bốn lần so với phụ nữ sinh bình thường. Các phụ nữ sinh mổ cũng có thể gặp các nguy cơ có thai ngoài tử cung, nhau thai nằm không đúng chỗ gây chảy máu và nhiều rắc rối khác. Và do vết sẹo sinh mổ lần trước có thể đứt khi sinh tự nhiên, kéo theo các hậu quả tai hại khác - nên các đứa con sau cũng phải được sinh mổ, và các nguy cơ lại gia tăng ở mỗi lần sinh. Giáo sư Tan Kok Hian của Bệnh viện phụ nữ và trẻ em KK ở Singapore nói: “Nếu không có lý do y khoa chính đáng để thực hiện sinh mổ, các sản phụ nên sinh con theo cách tự nhiên”. Tự nhiên vẫn tốt hơn Mặc dù có những nguy hiểm và trở ngại trong việc sinh mổ nhưng lại có rất ít nỗ lực về phía chính phủ nhằm giảm tỉ lệ sinh mổ cao ở châu Á. Một trong các thí dụ là vào năm 2004, chính quyền Hàn Quốc mở chiến dịch cổ vũ việc sinh con tự nhiên và mở nhiều lớp học tiền sinh sản, giúp phụ nữ học các kỹ thuật giảm đau lúc sinh con tự nhiên. “Nói chung, phụ nữ Hàn Quốc đã được giáo dục nhiều về vấn đề này - Kim Jae Sun, thuộc Cơ quan Bảo hiểm y tế Hàn Quốc nói - nhưng chiến dịch được tài trợ quá ít ỏi và lộn xộn”. Tại Thái Lan, quan điểm bênh vực cho sinh đẻ tự nhiên không được nhiều người nghe theo. Bác sĩ Tanit Habanananda, thuộc Quĩ Vận động sinh con tự nhiên và cho con bú ở Thái Lan, nói: “Việc vận động này cũng giống như đẩy hòn đá lên dốc vậy. Chúng tôi thật nản lòng. Thật là dễ khi xin sinh mổ ở Thái Lan”. Vợ ông, bác sĩ Melanie Habanananda, nói thêm: “Nếu bạn dùng từ ngữ “sinh đẻ tự nhiên” ở đây, người ta nghĩ rằng bạn muốn ngồi giữa đồng để sinh con. Việc sinh mổ đã trở thành mốt ở đây, nhất là các phụ nữ trung lưu”. Tại bệnh viện tư nhân Samitivej, Bangkok, 1/3 trẻ em ra đời bằng sinh mổ, mặc dù ở đây có một khu vực khoa sản được bác sĩ Tanit Habanananda thành lập để cổ vũ việc sinh con tự nhiên. Trong khi đó các bà mẹ nước ngoài, chiếm đa số ở Bệnh viện Samitivej, lại thích sinh con tự nhiên hơn. Nói chung, các cơ sở y tế gặp khó khăn trong việc cổ vũ sinh con tự nhiên, trong đó có các lý lẽ về vấn đề nữ quyền - ở đây muốn nói đến các bác sĩ tìm cách giảm niềm tin của phụ nữ vào việc sinh con tự nhiên, nên phụ nữ xếp hàng sinh mổ và bệnh viện có thêm nguồn thu nhập. Bác sĩ Melanie Habanananda nói: “Tôi qui trách nhiệm cho các bác sĩ sản khoa. Họ không giúp sản phụ tin vào cơ thể của mình... Họ tạo một môi trường sợ hãi quanh việc sinh đẻ”. Tại Đài Loan, bác sĩ Kuo Su-chen, giáo sư khoa hộ sinh Trường Hộ sinh Đài Bắc, nói việc sinh mổ trở nên quen thuộc “vì các bác sĩ không đủ kiên nhẫn. Họ muốn ca mổ kết thúc nhanh”. Xu hướng không cưỡng được Việc tránh đau đớn khi sinh nở vẫn là điều mong mỏi của các sản phụ và đôi khi hoàn cảnh - ít ra là trong các nước đang phát triển - không giúp các bác sĩ đủ kiên nhẫn trong các ca sinh tự nhiên kéo dài. “Tôi đến thăm vài bệnh viện và thấy chỉ 2-3 nhân viên trực và khoảng 20 sản phụ chờ sinh - không thể chờ 10-12 giờ cho mỗi ca được” - phát biểu của Manju Chhugani, nữ giảng viên khoa hộ sinh Đại học Jamia Hamdard ở New Delhi (Ấn Độ), thư ký của chi hội địa phương của Hội Nữ hộ sinh Ấn Độ, và là một chuyên viên chăm sóc y tế đã từng tổ chức nhiều cuộc hội thảo về sinh con tự nhiên. Các nguyên nhân làm tăng tỉ lệ sinh mổ ở châu Á là không thể cưỡng lại được, cả từ phía cung và phía cầu của phương trình - và mặc dù các trở ngại y tế là có ý nghĩa, vẫn không đủ nghiêm trọng để thành sự răn đe cho các sản phụ. Khi kỹ thuật mổ được cải thiện và chi phí đã giảm nhiều, có lẽ các lý do để sinh con tự nhiên sẽ rất mơ hồ. Lúc ấy việc sinh con tự nhiên sẽ là chọn lựa của số ít người lãng mạn và giàu có mà thôi. Sinh mổ & nguy cơ cho cả mẹ lẫn con Năm 2007, theo thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, tại TP.HCM trong số 127.090 ca sinh thì có đến 40.482 trường hợp sinh mổ, chiếm 31,85%. Số liệu này chưa phân tích cụ thể ở từng đơn vị bởi con số sinh mổ có bệnh viện (BV) trên 7.000 ca/năm, có BV 22.000 ca/năm. Đó là chưa nói đến các cơ sở y tế tư nhân, ở đó tỉ lệ sinh mổ còn nhiều hơn. Tại một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, tỉ lệ sinh mổ cũng “tăng tốc”, có BV tỉnh đã mổ trên 3.000 ca/năm. Thời gian mổ lấy thai chỉ từ 15-30 phút so với một cuộc chuyển dạ để sinh thường có khi vài giờ đến 1-2 ngày, BV lại được tăng nguồn thu từ dịch vụ mổ, thuốc cho đến chi phí nằm viện dài ngày... Chi phí một ca sinh mổ hiện 5-10 triệu đồng, một số nơi thu tiền công mổ theo yêu cầu là 2 triệu đồng/ca. Mỗi năm BV Nhi Đồng 1 đã cấp cứu khoảng 30 trường hợp trẻ sơ sinh suy hô hấp nặng do sinh mổ khi mới 36 tuần tuổi. Trẻ suy hô hấp do xẹp phổi - vì phổi không đủ chất surfactant giúp phổi nở ra. Chi phí điều trị để cứu sống các ca này từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng tại sao nhiều sản phụ chọn “ngày giờ vàng”, chọn “bác sĩ ruột” để mổ lấy thai? Có người bảo sinh mổ nhẹ nhàng, đỡ những cơn đau quặn thắt và... an toàn! TS.BS Vũ Thị Nhung (BV Hùng Vương) cho biết: - Nhiều sản phụ cứ lầm tưởng mổ lấy thai là an toàn tuyệt đối, nhưng thực tế tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong chu sinh (trong vòng 28 ngày sau khi sinh) ở mổ lấy thai lại cao hơn so với sinh thường. Những nguy cơ trong mổ lấy thai là do tai biến khi gây tê, gây mê, vết mổ bị rách rộng gây chảy máu, tổn thương đường tiết niệu, thuyên tắc mạch, và đặc biệt là nhiễm trùng. Nhiễm trùng vết mổ tử cung sau sinh mổ thì sản phụ có thể bị băng huyết vài tuần sau. Nhiễm trùng mổ khiến vết mổ không lành, có khi gây hoại tử tử cung, muốn cầm máu và chấm dứt nhiễm trùng có khi phải cắt bỏ tử cung. Tai biến xa về sau còn phải kể đến bệnh lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột, tắc ống dẫn trứng gây vô sinh thứ phát. Cần lưu ý sẹo mổ trên tử cung có thể... nứt trong những thai kỳ sau. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con, nhất là trong các trường hợp giữa hai lần mang thai quá gần (dưới hai năm). Với sản phụ đã sinh mổ lần một, đa số không dám để sinh thường lần hai. Do khi bước vào chuyển dạ, một số cơn gò đã làm bung tử cung nên chỉ một số cơ sở có điều kiện mới dám để theo dõi cho sinh thường, còn hầu như phải mổ lấy thai trên 90%.
Bầu cử Mỹ: Ông Trump sắp bỏ phiếu DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Xuất hiện vết nứt trên núi, quân đội di dời khẩn cấp người dân đến nơi an toàn NHẬT LINH 05/11/2024 Một vết nứt dài khoảng 50m trên núi Phú Gia (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) vừa xuất hiện gây nguy cơ sạt lở. Quân đội đã phải di dời người dân ở bên dưới đến nơi an toàn.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.