12/06/2006 04:01 GMT+7

Sinh động "Quốc hội trẻ"

TRẦN ĐÌNH TÚ - ĐẶNG TUÂN
TRẦN ĐÌNH TÚ - ĐẶNG TUÂN

TT - “Tại sao nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành nghề đào tạo? Tôi đề nghị bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời”...“Có chính sách nào thu hút nguồn nhân lực trẻ từ du học sinh khi họ trở về nước chưa?”...

AybPioCO.jpgPhóng to
Toàn cảnh phiên họp "Quốc hội trẻ"

Những câu chất vấn dồn dập từ gần 400 “đại biểu Quốc hội trẻ” đã làm nóng hội trường Ba Đình vào sáng chủ nhật 11-6...

Vì sao 80% sinh viên tốt nghiệp làm trái nghề?

8g30 sáng, phiên họp chính thức khai mạc, không khí Quốc hội chỉ nóng lên thật sự bắt đầu khi Phạm Tuyết Hạnh Hà - “ủy viên Ủy ban Thường vụ, chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Quốc hội” đọc báo cáo, giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu (ĐB) để chỉnh lý dự thảo nghị quyết “Việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp”.

Hội trường Ba Đình liên tục “tăng nhiệt” với nhiều câu hỏi làm khó cả đoàn chủ tịch. “Mỗi năm, nước ta đào tạo ra hàng trăm ngàn SV, nhưng tình trạng thất nghiệp của SV sau khi ra trường có xu hướng tăng.

2d9s17ge.jpgPhóng to
Đại biểu - SV Nguyễn Đăng Dưỡng đang "chất vấn"
Trong khi ở nước ngoài, chỉ khi nào xã hội có nhu cầu thì nhà trường mới đào tạo, tức là sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp rất tốt. Phải chăng chúng ta chưa có và cũng chưa chịu học tập mô hình “doanh nghiệp - nhà trường - doanh nghiệp” như các nước? - ĐB Đỗ Tùng Lâm nêu bức xúc.

“Rõ ràng, chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực cũng như không sử dụng đúng chuyên môn”- một ĐB đăng đàn bức xúc. ĐB này đưa ngay dẫn chứng rất thời sự: “Theo thống kê của Bộ LĐ - TB & XH, tính đến ngày 5-5-2006, có tới 80% SV sau khi tốt nghiệp làm trái ngành nghề. Nếu không chịu đổi mới chiến lược đào tạo nguồn nhân lực thì mục tiêu đến năm 2010 giảm tỉ lệ này xuống còn 10% liệu có khả thi không?”.

ĐB Nguyễn Đăng Dưỡng chất vấn tiếp: “Chúng ta hay bàn đến vấn đề chảy máu chất xám khi một lượng lớn nhân lực “có tầm” ra nước ngoài làm việc mà trong dự thảo “Việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp” không đề cập đến vấn đề tạo chính sách đãi ngộ thu hút nguồn nhân lực là du học sinh về nước phục vụ thay vì phải thuê chuyên gia nước ngoài”.

“Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH” Nguyễn Thị Hồng Yến đăng đàn giải trình thêm. “Bà bộ trưởng” nói: “Lỗi của Bộ GD-ĐT là không có một định hướng nghề nghiệp rõ ràng ngay cho học sinh đang trên ghế nhà trường phổ thông. Mặt khác, Bộ LĐ-TB&XH chúng tôi cũng chưa chủ động trong việc dạy nghề, mở các trung tâm giới thiệu việc làm một cách qui củ tạo nên sự thiếu chủ động trong khâu giải quyết việc làm. Chúng tôi xin khắc phục và sẽ có sự phối hợp giữa hai bộ trong việc này”.

Hàng chục ý kiến của các ĐB vẫn chưa hài lòng và tiếp tục đăng ký phát biểu tiếp, nhưng “chủ tịch Quốc hội” Trương Ngọc Kiểm buộc phải ngắt lời vì hết thời gian. Cuối phiên họp, dự thảo nghị quyết được thông qua biểu quyết bằng hình thức bấm nút sau khi ban thư ký tiến hành chỉnh sửa trong giờ giải lao.

Ít thời gian cho những bức xúc

Đoàn chủ tịch kỳ họp đặc biệt gồm có “Chủ tịch Quốc hội” Trương Ngọc Kiểm (sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên), “Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH” Nguyễn Thị Hồng Yến (sinh viên Đại học Luật Hà Nội), “Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH” Phạm Tuyết Hạnh Hà (sinh viên Học viện Hành chính quốc gia). Đây là lần đầu tiên VN tổ chức một diễn đàn cho SVHS làm quen với hoạt động của Quốc hội.

Diễn đàn “Thế hệ trẻ với hoạt động của Quốc hội” là sáng kiến của Văn phòng Quốc hội và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, do Tổ chức SIDA Thụy Điển tài trợ. 400 SVHS tiêu biểu của 19 trường đại học, THPT thủ đô Hà Nội đã “vào vai” chủ tịch, phó chủ tịch Quốc hội, chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, bộ trưởng... và các ĐB.

Tham dự diễn đàn còn có Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, anh Đào Ngọc Dung, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn và các chủ nhiệm các UB của Quốc hội thật.

Các SVHS đã có hai tuần chuẩn bị với bốn lần tập dượt, cho nên phiên họp kéo dài 3 tiếng của một “Quốc hội trẻ” không còn vẻ bỡ ngỡ của những “nghị sĩ” vẫn ngồi trên ghế giảng đường. Thậm chí còn bất ngờ với những ý kiến đóng góp thật sát sườn với những vấn đề bức xúc của giới SVHS như một ĐB Quốc hội thật.

Tuy nhiên, bên lề phiên họp, nhiều SV cũng cảm thấy nuối tiếc khi thời gian chỉ kéo dài 3 tiếng đồng hồ khiến hoạt động trở nên có phần hình thức.

Đỗ Thị Thào, SV năm 3 khoa luật, ĐHQG Hà Nội, nói: “Mình cũng đã chuẩn bị ý kiến nhưng thiếu thời gian nên không thể bày tỏ chính kiến liên quan trực tiếp đến tương lai của các bạn SV, tiếc thật!”.

TRẦN ĐÌNH TÚ - ĐẶNG TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên