Vịnh Marina của Singapore. Ảnh: TTXVN
Tuyến đường ống nước thải ngầm "siêu tốc" nói trên có đường kính từ 3-6m và được lắp đặt ở độ sâu 35-55m so với mặt đất. Hệ thống đường ống này sẽ tiếp nhận nước thải từ các hộ gia đình và các nhà máy, và sau đó đưa tới các nhà máy xử lý; nước thải sau khi được xử lý sẽ được sử dụng chủ yếu cho mục đích công nghiệp và làm mát không khí.
Theo ông Ng Joo Hee - Giám đốc điều hành Ủy ban Công ích Singapore, đối với Singapore thì nước đã qua sử dụng là một nguồn nước hữu ích và không được lãng phí.
Tuyến đường ống nước thải ngầm này có chiều dài 90km, dự kiến được hoàn tất vào năm 2025, sẽ giúp nâng tỷ lệ nước thải được tái sử dụng sau khi qua khâu xử lý trong tổng nhu cầu nước của Singapore từ con số 40% hiện nay.
Chính phủ Singapore hy vọng đến năm 2060, tỷ lệ này sẽ tăng lên 85% nhu cầu nước của "đảo quốc Sư tử", nhờ hoạt động "tái chế" nước thải và khử mặn nước biển.
Singapore – một quốc gia khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, trong đó có nước ngọt – đang đầu tư mạnh mẽ để nâng cao tỷ lệ tự cung, tự cấp nước sạch và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nước từ nước láng giềng Malaysia.
Theo Hiệp định Nước năm 1962 mà Singapore và Malaysia đã ký kết, Singapore được quyền mua 250 triệu gallon (945 triệu lít) nước/ngày từ sông Johor của Malaysia với giá 0,03 ringgit (0,7 xu Mỹ)/1.000 gallon.
Tuy vậy, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, người đã trở lại vị trí điều hành đất nước Malaysia từ tháng 5/2018, đã yêu cầu nâng giá nước cung cấp cho Singapore vì cho rằng mức giá trên là không hợp lý.
Singapore và Malaysia đã không đạt được thỏa thuận về giá nước, do đó không loại trừ khả năng việc ngừng cung cấp nước cho Singapore có thể sẽ xảy ra./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận