Máy nạo vét cát được dùng để cải tạo đất ở Singapore - Ảnh: TÂN HOA XÃ
Malaysia, nguồn cung cấp cát biển lớn nhất của Singapore, từ năm ngoái đã cấm xuất khẩu vật liệu này cho đảo quốc sư tử. Tuy nhiên, thông tin về lệnh cấm này đã bị "ém nhẹm" và chỉ xuất hiện những ngày qua.
Theo đó, hôm 3-7, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ các quan chức chính phủ giấu tên tiết lộ rằng kể từ ngày 3-10 năm ngoái, Malaysia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu cát biển trong một động thái để kiềm chế kế hoạch mở rộng lãnh thổ của Singapore.
Các quan chức này cho biết lệnh cấm không được công khai vì có khả năng ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Singapore. Các nguồn tin này cũng tiết lộ lệnh cấm được đưa ra bởi vì các lo ngại của thủ tướng Malaysia.
Tuy nhiên, hôm qua (4-7), Malaysia đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc nói rằng lệnh cấm xuất khẩu cát của nước này được đưa ra nhằm kiềm chế Singapore mở rộng lãnh thổ.
Theo đài Channel News Asia, Bộ trưởng Nước, Đất và Tài nguyên thiên nhiên Malaysia Xavier Jayakumar đã bác bỏ thông tin cho rằng lệnh cấm trên được đưa ra vì Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nổi giận với việc cát của Malaysia được dùng để tăng diện tích lãnh thổ Singapore.
"Không phải như vậy. Lệnh cấm không liên quan gì tới vấn đề đó" - ông Jayakumar khẳng định, và cho biết thêm lệnh cấm được đưa ra vì các lo ngại về môi trường và không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.
Vị bộ trưởng cho biết thêm cát khai thác từ sông hiện vẫn được phép xuất khẩu sang các quốc gia khác như Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Mauritius và Brunei.
Trong khi đó, Endie Shazlie Akbar, thư ký báo chí của ông Mahathir cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng động thái trên nhằm ngăn chặn kế hoạch mở rộng lãnh thổ của Singapore, và lý giải mục đích của lệnh cấm là nhằm ngăn "cát tặc".
Tuy nhiên, các thương nhân cho rằng động thái của Malaysia có thể sẽ làm phức tạp kế hoạch lấn biển đầy tham vọng của Singapore. Trong số này có kế hoạch phát triển siêu cảng Tuas.
Singapore và Malaysia trước kia đều thuộc Malaya, một thuộc địa của Anh, và sau đó trở thành hai quốc gia riêng rẽ vào năm 1965. Hai quốc gia này đã trải qua mối quan hệ căng thẳng do các tranh chấp về lãnh thổ và các nguồn tài nguyên chung như nước.
Cát biển hầu hết được dùng cho việc bồi đắp đất, trong khi cát sông là một thành phần cốt lõi trong các vật liệu xây dựng như ximăng.
Kể từ khi độc lập vào năm 1965, Singapore đã tăng diện tích lãnh thổ thêm 1/4, hầu hết nhờ vào việc sử dụng cát để bồi đắp các khu vực ven biển. Hiện 1/3 lãnh thổ Singapore chỉ cao 5m so với mực nước biển.
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, Singapore đã nhập khẩu 59 triệu tấn cát từ Malaysia trong năm 2018, với chi phí 347 triệu USD. Con số này chiếm tới 97% trong tổng lượng cát nhập khẩu của Singapore.
Giới quan sát lo ngại lệnh cấm của Malaysia sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các kế hoạch phát triển sắp tới của Singapore.
Năm 2007, lệnh cấm xuất khẩu cát sang Singapore của Indonesia đã gây ra một cuộc "khủng hoảng cát" ở đảo quốc sư tử, các hoạt động xây dựng gần như ngưng trệ. Từ thời điểm đó, Singapore đã tăng cường dự trữ cát.
Về phía Malaysia, Bộ trưởng Nước, Đất và Tài nguyên thiên nhiên nước này, ông Xavier Jayakumar nhấn mạnh Malaysia sẽ không chịu thiệt hại đáng kể về mặt tài chính khi thực hiện lệnh cấm trên vì nguồn thu từ xuất khẩu cát biển hiện "rất nhỏ".
Ông cũng cho biết thêm nhu cầu sử dụng cát biển nội địa của Malaysia hiện tăng khi các bang Penang, Malacca, và Negri Sembilan thực hiện các dự án cải tạo.
Về phía Singapore, Bộ Phát triển quốc gia nước này cho biết Singapore hiện nhập khẩu cát từ nhiều quốc gia để đảm bảo sự linh hoạt trong nguồn cung, đồng thời khuyến khích giảm sự phụ thuộc vào cát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận