Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, kết quả cho thấy lần đầu tiên Việt Nam trở thành đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất vào nước này, vượt qua Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản - những đối thủ cạnh tranh lớn nhất tại thị trường gạo đảo quốc sư tử.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp gạo Việt Nam còn nhiều việc phải làm để duy trì vị thế trên thị trường Singapore.
Bên cạnh mặt hàng thế mạnh truyền thống của Việt Nam là gạo tẻ trắng, có hai nhóm hàng khác là gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ cũng chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại Singapore, lần lượt đạt 80,08% và 73,33%.
Đây là nhân tố chính giúp Việt Nam trở thành quốc gia chiếm thị phần gạo lớn nhất tại Singapore.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, chiều hướng tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu gạo của Singapore từ năm 2023 tiếp tục được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2024, do hai nguyên nhân chính là lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và sự phục hồi nhanh lượng du khách du lịch đến Singapore.
Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Singapore. Do vậy, về cơ bản, để duy trì bền vững vị trí đối tác lớn nhất, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều việc phải làm.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore Cao Xuân Thắng nhấn mạnh bên cạnh sự hỗ trợ, cập nhật các cơ chế chính sách của địa bàn cho các doanh nghiệp ở trong nước, thì các bộ ngành địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần cố gắng tăng cường sự hiện diện của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường Singapore.
Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá thương hiệu, đồng thời duy trì chất lượng sản phẩm gạo - yếu tố quan trọng để giữ vị trí lâu dài trên thị trường Singapore.
Theo ông Thắng, các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ cũng rất quan tâm đầu tư tới việc quảng bá hình ảnh sản phẩm, cũng như có thỏa thuận với đơn vị nhập khẩu, phân phối về việc giữ tên, thương hiệu hàng hóa.
Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam vốn được coi có ít tiềm lực, không tích cực đầu tư vào việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nên nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối ở Singapore chủ yếu là nhập gạo thô của Việt Nam, sau đó đóng gói mẫu mã, bao bì và thương hiệu nội địa của Singapore để dễ tiêu thụ trên thị trường.
Chính vì vậy, để duy trì vị thế về mặt dài hạn, các doanh nghiệp phải tính toán đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Trên thực tế, gạo Việt Nam khá được ưa chuộng tại Singapore. Một khách hàng tại siêu thị Cold Fresh trong khi thanh toán tiền cho bao gạo "Product of Vietnam" đã chia sẻ: "Mọi người trong nhà tôi thích loại gạo này, vì gạo dẻo và thơm".
Ông Thắng nhấn mạnh để đảm bảo gạo Việt Nam luôn có chỗ đứng trên thị trường khó tính và đắt đỏ như Singapore, việc tuân thủ các quy định của nước sở tại rất quan trọng.
Vì vậy, các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng nên quan tâm cập nhật thường xuyên thông tin về các quy định này.
Bên cạnh đó, việc ký biên bản ghi nhớ (MOU) về gạo giữa Việt Nam và Singapore cũng có thể là công cụ hữu hiệu để duy trì vị thế số 1 của sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường Singapore.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận