Gian hàng trưng bày sản phẩm của ST Engineering tại Triển lãm hàng không Singapore 2018 - Ảnh: LÊ NAM
Singapore Airshow (dự kiến kết thúc vào ngày 11-2) là triển lãm hàng không lớn nhất châu Á, từng được xếp hạng là triển lãm hàng không lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Le Bourget (Pháp), Farnborough (Anh). Mãi đến khi nhà tổ chức Dubai Airshow của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) nâng cấp quy mô và mở rộng vào năm 2017, trật tự trên mới bị thay đổi.
Kể từ lần đầu tiên khai mạc năm 2008 với tên gọi Changi International Airshow, triển lãm diễn ra hai năm một lần thu hút khá nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn, các hãng hàng không và ngành công nghiệp vũ trụ, vũ khí. Qua nhiều năm tổ chức, Singapore đã thu được khá nhiều từ sự kiện hàng không danh tiếng này.
Chẳng hạn Singapore Airshow 2018 có hơn 1.060 công ty và các đại diện trong ngành hàng không, sản xuất máy bay và công nghiệp hàng không từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Ban tổ chức dự kiến sẽ thu hút 130.000 lượt khách tham quan, vé bán dành cho công chúng tham quan luôn được bán hết trước ngày mở cửa. Ở sự kiện diễn ra lần đầu tiên vào năm 2008, chỉ có 85.000 khách tham quan và khoảng 800 đại diện gian hàng của các công ty hàng không.
Năm nay giá vé 60 SGD (khoảng 1 triệu đồng) cho một ngày tham quan. Tuy nhiên doanh thu từ các du khách này không thể so sánh được với những hợp đồng kếch xù mà hai công ty hàng đầu của Singapore như Công ty Kỹ thuật công nghệ Singapore (ST Engineering) và Công ty kỹ thuật hàng không của Hãng hàng không Singapore Airlines (SIAEC) thu được.
Với mục tiêu trở thành một trung tâm hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua các triển lãm hàng không, SIAEC đã liên tục ký kết các hợp tác, liên doanh với các công ty đại diện trong ngành hàng không, sản xuất máy bay và công nghiệp hàng không để phục vụ cho các khách hàng là những hãng hàng không trong khu vực.
Theo phân tích của giới nghiên cứu ngân hàng, mỗi lần triển lãm hàng không Singapore diễn ra đều mang lại tin tốt cho SIAEC. Chẳng hạn, triển lãm năm 2016, công ty liên doanh với hãng sản xuất động cơ Rolls Royce đã giúp doanh thu năm 2017 của SIAEC tăng thêm 4%. Với liên doanh này, số lượng máy bay Boeing có sử dụng động cơ Rolls Royce mà các hãng hàng không đang sở hữu trong khu vực sẽ chọn Singapore thực hiện các bảo dưỡng động cơ.
Liên doanh với hãng sản xuất máy bay Airbus cũng đóng góp khá nhiều trong doanh thu của SIAEC khi tỉ lệ máy bay Airbus trong đội bay của các hãng hàng không khu vực chiếm tỉ lệ khá cao. Rất nhiều hãng hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chọn Singapore làm nơi để tiến hành các bảo dưỡng, bảo hành định kỳ những dòng máy bay Airbus A320, A321, A350, A380... theo quy định của nhà sản xuất.
Một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn nữa từ Singapore Airshow là ST Engineering. Tại Singapore Airshow 2018, khu vực gian hàng của công ty này chiếm tỉ lệ lớn nhất với hơn 2.000m2 trưng bày hàng loạt sản phẩm công nghệ mới, các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực hàng không dân dụng và còn có cả những sản phẩm quân sự trên bộ như xe bọc thép và các sản phẩm vũ khí dành cho không quân...
ST Engineering còn có thể phát triển các loại vũ khí nhỏ, xe quân sự và vũ khí phục vụ tổ chiến đấu để phục vụ cho chính nhu cầu an ninh quốc gia và xuất khẩu. Thống kê tháng 11-2017 của ST Engineering cho thấy chỉ riêng doanh thu đến từ khu vực hàng không đã tăng 8% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế của năm 2017, theo nhóm phân tích Ngân hàng OCBC, "kỳ vọng cao hơn năm ngoái" khi công ty này có tổng giá trị đơn đặt hàng đạt khoảng 8,8 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận