11/09/2013 05:35 GMT+7

Singapore hối hả nâng cấp sân bay

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT- Không chỉ muốn giữ vững vị thế cửa ngõ hàng không, Singapore đang tham vọng biến Changi thành sân bay lớn nhất thế giới.

74D2DoFl.jpgPhóng to
Nhà ga T3 hiện đại tại sân bay Changi - Ảnh: Reuters

Với tốc độ tăng trưởng được dự báo là chóng mặt của việc đi lại bằng đường hàng không ở châu Á - Thái Bình Dương trong vòng hai thập niên tới, dự án mở rộng sân bay Changi của Singapore sẽ giúp nơi này phục vụ tới 135 triệu lượt hành khách/năm vào giữa thập niên 2020.

Trong dự án vừa được công bố cuối tháng 8, tâm điểm là việc xây mới nhà ga hành khách siêu lớn T5 trên diện tích đất 1.080ha ở Changi Đông. Đây được coi là đợt mở rộng sân bay lớn nhất, nhiều thách thức nhất của Changi kể từ khi chuyển về khu vực hiện tại từ sân bay Paya Lebar năm 1981. Kênh Channel News Asia cho biết trong năm 2012 sân bay Changi đã đón tiếp 51,2 triệu lượt khách, lần đầu tiên vượt mốc 50 triệu trong lịch sử 31 năm của mình.

Tham vọng “cửa ngõ hàng không”

Cả khu vực nhộn nhịp

Các sân bay khác trên thế giới cũng đang lên kế hoạch mở rộng một cách nhanh chóng. Theo Today Online, khi được hoàn thành sân bay Trung tâm Thế giới của Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) sẽ có quy mô tương đương sân bay Changi khi được mở rộng. Sân bay quốc tế Kuala Lumpur đang lên kế hoạch đón tiếp 100 triệu hành khách vào năm 2020. Bangkok cũng đang rục rịch chuẩn bị cho con số 120 triệu lượt khách vào năm 2024.

Báo Jakarta Post cho biết việc mở rộng sân bay là vô cùng quan trọng đối với Singapore trong việc duy trì vị thế cửa ngõ hàng không lớn nhằm cạnh tranh với các sân bay lớn khác ở Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Hong Kong và Dubai.

Hiện sân bay Changi có ba nhà ga hành khách, hai đường băng và khả năng phục vụ 66 triệu lượt hành khách/năm. Tuy nhiên, trước khi T5 hoàn thành thì đến khoảng năm 2020, sân bay Changi sẽ có thêm nhà ga hành khách thứ tư và đường băng thứ ba với khả năng phục vụ 85 triệu lượt hành khách/năm.

Nhà ga T5 khi hoàn thành giữa thập niên 2020 có thể đón tiếp 50 triệu lượt hành khách năm, hơn cả nhà ga T2 và T3 cộng lại. Các nhà hoạch định sân bay cũng tính toán trước để nhà ga này có thể mở rộng trong tương lai nếu cần.

Today Online cho biết khi xây xong, T5 sẽ là một trong những nhà ga hành khách lớn nhất thế giới. Như vậy cùng với T5, sân bay Changi sẽ có khả năng phục vụ 135 triệu lượt hành khách/năm. Jakarta Post cho biết sân bay đông đúc nhất hiện nay là Heathrow ở London năm ngoái đã đón tiếp khoảng 70 triệu lượt hành khách.

T5 sẽ được kết nối với các nhà ga hành khách khác thông qua hệ thống tàu điện ngầm. Nó cũng sẽ được trang bị các tiện nghi như khách sạn, trung tâm mua sắm, nhà hàng, không gian tổ chức hội nghị và một công viên văn phòng. Tất nhiên, các cơ sở vật chất hàng không đi kèm như trung tâm điều hành không vận, nhà kho bảo trì, sửa chữa... cũng sẽ được xây dựng.

Nhìn xa trông rộng

Today Online dẫn một báo cáo được công bố năm ngoái dự báo số hành khách đi máy bay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng hơn ba lần và chạm mức 5 tỉ lượt khách vào năm 2031, bằng cả thị trường châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại. Điều này được cho là nhờ vào tầng lớp trung lưu ở các nền kinh tế đang phát triển tăng lên.

Người đứng đầu bộ phận hàng không của Công ty luật Stephenson Harwood là ông Paul Ng cho biết sân bay Changi đã tăng trưởng hai con số trong ba năm qua, và ngay cả với dự báo khiêm tốn nhất thì Changi cũng sẽ tăng trưởng khoảng 8% trong nửa thập niên tới.

“Với tốc độ phát triển như vậy, Changi phải cần thêm đường băng và nhà ga hành khách. Nhà ga T4 sắp đi vào hoạt động năm 2018 chỉ đáp ứng mức tăng trưởng 8% của Changi. Nếu tiếp tục với tốc độ này thì sân bay sẽ cần đến nhà ga T5 vào năm 2020” - Channel News Asia trích lời ông Ng.

Và có lẽ vì chuyện Hãng hàng không Úc Qantas hồi tháng 3 chuyển đường bay từ Singapore sang Dubai đã làm dấy lên quan ngại về tính cạnh tranh trong tương lai của Singapore về một cửa ngõ hàng không của khu vực và thế giới.

Quốc vụ khanh phụ trách giao thông của Singapore Josephine Teo phát biểu việc mở rộng sân bay Changi không phải là để thể hiện những con số làm hình thức. “Chúng tôi nhìn vấn đề từ quan điểm chất lượng. Làm thế nào để chúng tôi có thể đưa ra một trải nghiệm sân bay tốt hơn, và khi đó chúng tôi nghĩ rằng đây là cấp độ để có thể đem lại sự khác biệt” - bà Teo nói và nhấn mạnh dự án tham vọng này cần có sự hoạch định cẩn thận vì quy mô cũng như thời gian sử dụng lâu dài của nó.

Một số nhà phân tích nói việc xây dựng nhà ga T5 là đi trước nhu cầu và các hoạt động cần thiết. Tuy nhiên, có lẽ cũng nên nhắc lại rằng khi nhà ga T3 mở cửa vào năm 2008, nó đã được mệnh danh là “thành phố ma” và sau đó thực tế đã khác.

Cũng có một số nhà phân tích cảnh báo Changi khi mở rộng sẽ không thể giữ được vị thế cửa ngõ hàng không như mong đợi. Nhà tư vấn hàng không Prithpal Singh đề cập sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các sân bay trong khu vực và những tiến bộ công nghệ, bao gồm cả những chiếc máy bay lớn hơn có thể bay các tuyến đường dài trực tiếp mà không cần phải quá cảnh. “Và cũng đừng quên lợi thế của tàu lửa cao tốc. Điều này sẽ tạo nên sự khác biệt lớn” - ông Singh nói.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên