Theo Luật cấy ghép tạng người mới sửa đổi này, ngoài những tiêu chí về y tế, những ca cấy ghép sẽ được giám sát bởi một hội đồng y đức để đảm bảo việc hiến tạng là hoàn toàn tự nguyện. Song mức giá bồi hoàn cụ thể cho các ca hiến tạng vẫn chưa được xác định. Theo luật pháp Singapore hiện nay, việc mua bán tạng người hoàn toàn bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên, những ý kiến phản đối cho rằng nguy cơ luật này bị lạm dụng cho mục đích buôn bán tạng là khó tránh khỏi khi hiện nay nhiều người sẵn sàng cho đi một bộ phận cơ thể mình để đổi lấy tiền. Nhiều nghị sĩ lo ngại những người nước ngoài đang gặp khó khăn trong khủng hoảng kinh tế tại Singapore có thể là nạn nhân của luật bồi hoàn này. “Đối với một người lao động nước ngoài tuyệt vọng, ngay cả khoản tiền bồi hoàn khoảng 10.000 đôla Singapore (6.600 USD) cũng hấp dẫn hơn việc phải quay trở về tay không với một khoản nợ đang chờ sẵn” - chủ tịch Ủy ban y tế Halimah Yacob phân tích trên Straits Times. Vấn đề giàu nghèo cũng được đặt ra. Những người có đủ khả năng trả tiền bồi hoàn có được ưu tiên nhận tạng hiến hơn trong khi những bệnh nhân nghèo phải chấp nhận chịu thiệt?
Trong tháng tới, Bộ Y tế sẽ đưa ra những nguyên tắc cụ thể cho các hội đồng y đức cũng như triển khai hệ thống thực hiện việc bồi hoàn. Singapore không phải là nước đầu tiên trả tiền cho người hiến tạng. Trước đó Anh và Mỹ đã hợp pháp hóa các khoản bồi hoàn tài chính trong các ca hiến tạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận