TTCT - Nhiều quốc gia có quy định về đăng ký SIM chính chủ, nhưng không phải người dân nào cũng hài lòng, và hiệu quả giảm tiêu cực của việc dẹp SIM rác cũng không như kỳ vọng. Ảnh: AFPTheo Privacy International (Anh), tính đến năm 2021 có 157 nước đã thực thi việc đăng ký thông tin thẻ SIM bắt buộc, trong khi chỉ 36 nước là chưa có luật quy định việc này. Thông tin cập nhật chắc chắn sẽ phải có thêm Philippines, khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. ký ban hành đạo luật buộc các nhà mạng viễn thông phải duy trì cơ sở dữ liệu về người dùng hồi cuối năm ngoái.Chuyện không riêng nước nàoJustine, một thợ làm tóc 27 tuổi ở Philippines, vẫn chưa thể lựa lời nói với gia đình rằng cô đã mất sạch số tiền tiết kiệm chỉ trong vài giờ sau khi trở thành nạn nhân một vụ lừa đảo qua điện thoại. Thủ đoạn của kẻ xấu vẫn rất quen thuộc: sau khi Justine chấp nhận lời mời làm việc từ một bên tự xưng là tuyển dụng của Amazon hồi tháng 1-2022, một người đàn ông đã hướng dẫn cô gửi tiền cho hắn ta để "duy trì hoạt động buôn bán của Amazon", theo tạp chí Nikkei. Người này sau đó gửi lại cho Justine một số tiền lớn hơn, xem như phần chênh lệnh là thanh toán tiền công.Việc này lặp lại nhiều lần với số "tiền công" tăng dần, cho đến lần gần nhất Justine đã vét hết tiền tiết kiệm để gửi cho hắn 50.000 peso (2.500 USD). Đổi lại, người đàn ông kia ngừng trả lời cô và chặn mọi liên lạc. "Tôi tự nhủ những nạn nhân khác giống như tôi nhưng không có thu nhập ổn định có lẽ còn bị tổn thương nhiều hơn" - Justine nói, đồng thời cho biết cô ủng hộ luật buộc chủ thẻ SIM phải đăng ký.Theo số liệu của Ủy ban Viễn thông quốc gia Philippines, tính đến hết ngày 10-1-2023 đã có hơn 17 triệu thẻ SIM hoàn tất đăng ký sau ba tuần triển khai, chiếm hơn 10% trong tổng số gần 170 triệu thuê bao di động ở nước này. Những thông tin người dùng cần cung cấp bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại di động và một trong những giấy tờ tùy thân có ảnh do chính phủ cấp chẳng hạn hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ cử tri hoặc căn cước, theo báo Inquirer. Mục tiêu của Chính phủ Philippines là đạt 1 triệu lượt đăng ký mỗi ngày để cán mốc toàn bộ thuê bao có tên trong cơ sở dữ liệu quốc gia đúng hạn chót 26-4 năm nay.Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông Philippines khuyến khích các công ty viễn thông nước này áp dụng hình thức đăng ký trực tuyến để tránh cho người dân phải chầu chực xếp hàng cũng như tạo thuận tiện những công dân đang sinh sống ở nước ngoài. "Các công ty viễn thông chỉ cần gửi cho quý vị một thông báo kèm đường dẫn tới trang web để xác thực thông tin và tải ảnh căn cước lên" - Bộ trưởng Ivan Uy cho biết. Tại một quốc gia Đông Nam Á khác là Malaysia, luật đăng ký SIM chính chủ đã tồn tại từ năm 2006 và được cơ quan chức năng thực thi khá nghiêm túc. Năm 2019, Ủy ban Truyền thông và đa phương tiện Malaysia đã ra mức phạt tổng cộng 700.000 ringgit (3,7 tỉ đồng) đối với sáu công ty viễn thông nước này vì hành vi đăng ký thẻ SIM trả trước mà không thực hiện xác minh nhân thân.Ở Indonesia, Bộ Truyền thông đã tiến hành khóa khoảng 101 triệu thẻ SIM trả trước không được đăng ký bằng căn cước hợp lệ hồi tháng 3-2018, khoảng năm tháng sau khi có quy định đăng ký SIM chính chủ.Các loại SIM được bán ở Philippines. Ảnh: The Manila TimesLợi bất cập hạiThượng nghị sĩ Philippines Grace Poe tin rằng luật mới dù không phải "thần dược" của mọi tội phạm, nhưng vẫn là "một bước đi tốt đầu tiên" để chống lừa đảo qua tin nhắn sau khi loại tội phạm này gia tăng ở quốc gia 109 triệu dân trong thời gian đại dịch Covid-19. Bà giải thích thêm rằng luật này sẽ không cho phép các đơn vị kinh doanh thẻ SIM bên thứ ba thu thập thông tin người dùng.Tuy nhiên, một số chuyên gia công nghệ thông tin như Kim Cantillas của Hiệp hội Chuyên gia máy tính (CPU) tỏ ra không mấy lạc quan về triển vọng đẩy lùi tội phạm từ việc đăng ký SIM chính chủ. "Luật chỉ xử phạt hành vi gian lận trong đăng ký. Nếu muốn tìm ra kẻ đứng sau một vụ lừa đảo, bạn cần có trát của tòa án và sự giúp đỡ của cảnh sát cộng với thời gian, công sức và tiền bạc bỏ ra để theo đuổi vụ việc - Cantillas giải thích với Nikkei - Cùng lắm thì chúng ta chỉ có thể trông đợi rằng thẻ SIM của (những kẻ lừa đảo) sẽ bị khóa, mà để làm vậy thì vốn đâu cần đăng ký".Điều đáng lo ngại hơn, theo Cantillas, là luật này có thể khuyến khích việc giám sát những tiếng nói chỉ trích chính phủ khi được vận dụng kết hợp với Luật chống khủng bố năm 2020 của Philippines. "Giờ đây, họ cho phép cơ quan thực thi pháp luật truy cập không giới hạn vào dữ liệu của những người (bị gán nhãn khủng bố)" - bà nói.Một mối quan tâm khác là vấn đề bảo mật thông tin. Năm 2019, Privacy International đã cảnh báo về mặt trái của những chính sách như vậy sau khi ghi nhận sự gia tăng hành vi đánh cắp danh tính người dùng di động và thị trường chợ đen đối với thẻ SIM chưa đăng ký ở một số nơi như Pakistan. Năm 2022, dữ liệu cá nhân của hơn 100 triệu người Indonesia được xác nhận bị rò rỉ sau khi nước này đối diện với một loạt vụ tấn công tin tặc kể từ khi bắt đầu triển khai đăng ký SIM chính chủ năm 2018.Chính Ủy ban Viễn thông quốc gia Philippines cũng đưa ra cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo mới ăn theo việc người dân bị buộc phải đăng ký SIM chính chủ. Trước thời điểm mở đăng ký SIM toàn dân, một số người dùng di động nước này nhận email lừa đảo với nội dung họ cần hoàn tất thủ tục "đăng ký trước" bằng cách điền thông tin cá nhân vào biểu mẫu trong trang web giả mạo. Tình trạng cò mồi cũng xuất hiện dù chính phủ nước này khẳng định quá trình đăng ký hoàn toàn miễn phí và người dân có thể tự mình thực hiện một cách nhanh chóng."Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng luật đăng ký SIM này không phải là giải pháp cho các vụ lừa đảo vì những kẻ lừa đảo sẽ luôn tìm cách đánh cắp thông tin và lừa tiền của nạn nhân" - Inquirer dẫn lời ông Maded Batara, người phát ngôn Mạng lưới phản đối đăng ký SIM (JSRN), một liên minh gồm các chuyên gia kỹ thuật số và người tiêu dùng đang vận động bãi bỏ luật mới.Batara cho rằng lượng thông tin cá nhân phải cung cấp cho các công ty viễn thông và cách các thông tin này có thể được sử dụng vào mục đích bất chính khi rơi vào tay kẻ xấu là một trong những lý do chính khiến JSRN kêu gọi hủy bỏ luật đăng ký SIM ngay từ đầu. "Chúng tôi không thể để thông tin cá nhân của mình rơi vào tay những kẻ sẽ sử dụng nó để thu lợi hoặc lừa đảo mọi người" - Batara nói chắc nịch. Ở Ấn Độ, một công cụ phát hiện và ngăn chặn gian lận liên quan đến thẻ SIM bằng cách sử dụng nhận dạng khuôn mặt đối chứng với dữ liệu sinh trắc đi theo SIM đang được sử dụng mà người dùng không hề hay biết, theo một phân tích của trang Medianama.Công cụ mang cái tên khá dài "Giải pháp hỗ trợ trí tuệ nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt để xác minh thuê bao SIM viễn thông" (ASTR) hoạt động bằng cách lấy ảnh mà người dùng gửi cho nhà mạng và sử dụng AI để đối chiếu với các cơ sở dữ liệu khác nhằm tìm ra các thẻ SIM được đăng ký bởi cùng một người nhưng dưới các tên gọi hoặc ngày sinh khác nhau.Nhờ sự hỗ trợ của ASTR mà 428.000 thẻ SIM trong tổng số 1,67 triệu SIM đang hoạt động ở vùng Mewat bang Haryana đã bị vô hiệu hóa, theo trang Biometric Update. Kỳ vọng vào eSIMeSIM - viết tắt của embedded SIM - là công nghệ SIM phi vật lý được tích hợp trực tiếp vào thiết bị di động thay vì dưới dạng một chiếc thẻ rời có thể tháo lắp. Công nghệ này xuất hiện lần đầu năm 2016 trên dòng đồng hồ thông minh Samsung Gear S2 Classic 3G, theo trang The Verge. Tháng 9-2022, Apple thông báo các dòng sản phẩm iPhone 14 được bán ở Mỹ sẽ chỉ hỗ trợ eSIM mà không có khay SIM vật lý, khiến giới mộ điệu dự báo đây sẽ là xu thế tất yếu của tương lai.Một đặc điểm quan trọng của eSIM có thể giúp nó trở thành khắc tinh của tội phạm lừa đảo bằng điện thoại là việc chuyển đổi SIM trên cùng một thiết bị không quá đơn giản. Thay vì chỉ cần tháo SIM cũ lắp SIM mới mất chưa đầy 1 phút, người dùng cần làm thủ tục chuyển đổi thông qua ứng dụng hoặc cổng trực tuyến của nhà mạng.Một người dùng bình thường có lẽ không cần quá lo lắng về sự bất tiện này vì đổi SIM không phải là thao tác bạn sẽ phải làm mỗi ngày. Nhưng với một kẻ lừa đảo hay bất cứ ai cần thay đổi số liên tục thì đây sẽ là "một cơn ác mộng", trang Fast Company dẫn lời George Koroneos, người phát ngôn Công ty viễn thông Verizon. Tags: Sim chính chủMạng viễn thôngThuê bao di độngSIMĐăng ký SIMSIM rácSIM điện thoạiLừa đảo
Phó bí thư thường trực Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ chung sức để TP.HCM ngày càng phát triển TIẾN LONG 25/01/2025 Ngay sau khi được trao quyết định, tân Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu nhận nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM VIỄN SỰ 25/01/2025 Ông Nguyễn Thanh Nghị - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Ông Vũ Hồng Văn làm Bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ngoại trưởng Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ là hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ quốc tế DUY LINH 25/01/2025 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm đầu tiên với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tối 24-1.