08/06/2013 07:41 GMT+7

"Siêu trộm" bị đề nghị chung thân

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Ngày 7-6, TAND TP Đà Nẵng tiếp tục phần xét hỏi “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân (31 tuổi) và những người bị hại. Vấn đề ai trong số hàng chục gia đình bị trộm được trả lại tài sản được quan tâm đặc biệt tại phiên tòa.

4qp9kKiV.jpgPhóng to
Gia đình của Tân (hàng ghế đầu) và gia đình các bị hại ngồi phía bên phải - Ảnh: Hữu Khá

Theo cáo trạng, Tân đã sử dụng 541 triệu đồng trộm ở nhà ông Trần Văn Tám (182 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng) và hơn 1 tỉ đồng trộm ở nhà ông Nguyễn Cúc (16 Đào Duy Anh, Đà Nẵng) mua ôtô hiệu Toyota Venza trị giá hơn 1,5 tỉ đồng do cha mẹ vợ Tân đứng tên. Ngoài ra, số tiền Tân trộm được ở nhà 33 Núi Thành (Đà Nẵng) dùng mua một lô đất giá 2,5 tỉ đồng do cha mẹ Tân đứng tên.

“Tiền trộm được bị cáo ăn chơi hết”

Tại phiên xét hỏi buổi sáng, hội đồng xét xử (HĐXX) tập trung làm rõ tài sản sau khi trộm cắp được Tân tiêu thụ ở đâu, vào mục đích gì. Tân tỏ ra bình thản vui vẻ, trái ngược với sự lo lắng của hàng chục người bị hại đang mòn mỏi hi vọng khả năng nhận lại được chút tài sản. Chủ tọa hỏi: “Bị cáo nghĩ thế nào về cáo buộc của viện kiểm sát về việc sử dụng tiền trộm được để mua ôtô, đất”. Tân trả lời rạch ròi: “Bị cáo trộm được tiền sử dụng vào mục đích ăn chơi hết. Không có chuyện bị cáo mua đất, xe rồi nhờ ba mẹ vợ hay ba mẹ ruột đứng tên”.

Chủ tọa hỏi tiếp: “Thế vụ trộm 110 lượng vàng ở nhà bà Ngọc, số 33 Núi Thành bị cáo bán ở đâu, sau đó làm gì?”. Tân trả lời không chút đắn đo: “Tôi bán ở Đà Nẵng 4 lượng, số còn lại đem ra Hà Nội bán được 3,4 tỉ đồng. Sau đó sử dụng số tiền này tiêu xài”.

Chủ tọa lại truy: “Thế vì sao lời khai của các nhân chứng nói khi mua bán xe, đất bị cáo là người luôn có mặt dò hỏi, giao dịch?”. Tân đáp: “Việc mua ôtô là do lúc ở nhà có nghe cha vợ bị cáo nói cần mua ôtô. Bị cáo là người rành về xe cộ nên đi hỏi. Lúc đi có vợ bị cáo đi theo, còn chồng tiền làm thủ tục thanh toán giấy tờ là việc của cha vợ bị cáo”.

Kết thúc phiên xét hỏi, viện kiểm sát đã luận tội đề nghị Tân mức án chung thân, bị cáo Nguyễn Hữu Phước (30 tuổi, đồng phạm) 14-15 năm tù, bị cáo Nguyễn Bạch Dương (vợ Tân, bị ra tòa vì tội tiêu thụ tài sản do người khác trộm cắp mà có) 8-10 năm tù.

Khi tòa hỏi: “Anh có ý kiến gì với bản luận tội của viện kiểm sát?”, Tân trả lời không chút sợ hãi: “Tôi gây ra tội này thì tôi chịu. Có làm có chịu chứ không ai xô đẩy tôi vào cả. Viện kiểm sát đề nghị mức án chung thân cho tôi là đúng, tôi sẵn sàng đón nhận mức án cao nhất. Việc tôi gây ra đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bao nhiêu gia đình. Riêng phần buộc tội vợ tôi như vậy tôi không đồng ý... Vợ tôi không bao giờ biết tôi đi ăn trộm. Tiền tôi đưa cho vợ tôi luôn nói đó là tiền buôn bán hàng mỹ nghệ, ôtô cũ. Ngoài ra, có bảy vụ tôi không trộm mà cáo trạng viện kiểm sát lại cáo buộc là sai sự thật”.

Mất không trình báo

Chiều 7-6, tại phiên tòa, người bị hại được chú ý nhất là bà Phạm Thị Ngọc (33 Núi Thành, Q.Hải Châu - vợ ông Nguyễn Thanh Quang, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam). Bà Ngọc và người thân có mặt tại tòa với vẻ buồn bã sau khi mất 110 lượng vàng. “Bà cho biết việc mất tài sản của gia đình bà diễn ra như thế nào?” - chủ tọa hỏi. Bà Ngọc đứng lên bên cạnh người anh, giọng buồn thiu: “110 lượng vàng mất đó không phải hoàn toàn là của tôi. Cha tôi già yếu gửi 10 lượng, anh tôi gửi 15 lượng, tôi chỉ có 25 lượng, tất cả còn lại là người khác gửi chờ mua đất. Xin cho gia đình tôi được bình yên, từ khi xảy ra chuyện mất mát này đến nay gia đình tôi luôn sống trong cảnh giày vò”. Bà Ngọc nói ngang đó rồi muốn tiếp tục kể về hoàn cảnh gia đình xáo trộn sau khi bị mất trộm nhưng chủ tọa cắt lời.

Tại phiên tòa hôm qua có rất nhiều bị hại vắng mặt. Theo các luật sư, các bị hại này là mắt xích quan trọng để làm rõ tội danh của bị cáo, vì vậy đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, ý kiến này của luật sư không được chấp nhận.

Tranh luận với viện kiểm sát, luật sư Vũ Tiến Vinh, luật sư của bị cáo Tân, nói: “Quá trình điều tra của vụ án này có nhiều vấn đề không được rõ ràng. Vì sao rất nhiều vụ trộm khi xảy ra công an phường, quận không làm hồ sơ vụ án? Tại sao việc mất tài sản của nhiều gia đình lên tới cả tỉ đồng, nhưng khi trình báo công an các địa phương không khởi tố vụ án trong khi có chứng cứ, hiện trường vụ trộm rất rõ?”.

Đại diện viện kiểm sát cho biết có chín vụ trộm cơ quan điều tra không đề cập. Nguyên nhân do Tân đột nhập vào không lấy được tài sản hoặc phát hiện có người nhà nên rút lui. Cả chín vụ này trong cáo trạng không nói rõ đã đột nhập nhà ai, tại địa chỉ nào.

Ngày 10-6, HĐXX tiếp tục phần tranh luận và tuyên án.

Điểm vô lý của cáo trạng

Khi HĐXX đề cập cáo buộc của viện kiểm sát là Tân đã sử dụng tiền ăn trộm để mua ôtô, bị cáo Tân bác bỏ: “Hai vụ trộm này xảy ra cách nhau hơn một năm. Cái đó là do tôi bị buộc ký vào. Thật tình tôi trộm vụ nào thì sau đó ăn tiêu hết tiền vụ ấy”.

Còn luật sư Trịnh Anh Hùng (cũng bào chữa cho Tân) đặt ra rất nhiều câu hỏi xung quanh cáo trạng, đề cập đến việc dư luận cho rằng hai chủ nhà này có quen biết điều tra viên và nói đây là lý do đề nghị hoãn phiên tòa. “Tại sao lại lấy hai vụ án khác nhau xảy ra cách nhau hơn một năm để ghép vào nói số tiền trộm được dùng để mua ôtô? Sao lại có chuyện việc Tân lấy tài sản nhà ông Tám rồi cất cả năm, đợi đến lúc trộm nhà ông Cúc để mua ôtô? Tại sao ban đầu ông Cúc chỉ khai mất 570 triệu đồng, nhưng rất lâu sau khi Tân bị bắt thì lại khai mất thêm 20 lượng vàng? Đây là điều bất nhất, vậy mà ông Cúc không có mặt tại tòa để làm rõ vấn đề này” - luật sư Hùng nói.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên