Vẫn phải kiểm soát lượng ăn vào, kể cả những "siêuthực phẩm" Ảnh: happyeatshealthy.com
Siêu thực phẩm là những loại thực phẩm được cho là có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, thường là các thực phẩm từ thực vật hoặc cũng có một vài loại cá và các chế phẩm từ sữa. Việt quất, cá hồi, rau cải kale và acai là một vài ví dụ về các loại thực phẩm được gắn mác "siêu thực phẩm". Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ thì không có bộ tiêu chí nào để xác định loại thực phẩm nào là siêu thực phẩm còn loại nào thì không. Thay vì thế thì "siêu thực phẩm" là một cụm từ mang tính tiếp thị cho các thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn là một nhóm thực phẩm riêng.
Các "siêu thực phẩm" có chứa nhiều loại dưỡng chất ví dụ như các chất chống oxy hóa, được cho là có thể chống lại ung thư. Những thực phẩm này cũng chứa các loại chất béo tốt có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch, chất xơ giúp phòng chống tiểu đường cùng các bệnh tim mạch, và các phytochemical (các chất hóa học từ thực vật tạo nên các màu đậm cũng như mùi hương và cũng có thể có nhiều lợi ích cho sức khỏe).
Ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng hiển nhiên là rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của một chế độ ăn lành mạnh chính là việc ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng ở mức độ phù hợp.
Các loại "siêu thực phẩm" phổ biến
Việt quất thường đứng đầu các danh sách về "siêu thực phẩm" vì chúng rất giàu vitamin, chất xơ hòa tan và các chất chống oxy hóa. Nhưng các dưỡng chất được tìm thấy trong việt quất cũng được thấy trong các loại quả họ dâu khác như dâu tây và nam việt quất. Một nghiên cứu năm 2013 chỉ ra rằng việc tiêu thụ một lượng lớn flavonoid (một loại chất chống oxy hóa có trong việt quất cũng như các quả họ dâu khác) có thể làm giảm nguy cơ một vài loại bệnh tim mạch nhất định ở phụ nữ trẻ. Tuy nhiên, việc quả việt quất chiếm ngôi đầu bảng ở các bảng xếp hạng "siêu thực phẩm" có thể chỉ đơn giản do chúng được nghiên cứu nhiều nhất.
Cải xoăn kale rất xứng đáng với danh hiệu "siêu thực phẩm" mà loại rau này đã dành được, nhưng cùng một danh hiệu đó cũng có thể dành cho hầu hết các loại rau có lá màu xanh đậm như: Cải cầu vồng (Swiss chard), cải rổ (collard green), cải xanh, cải bó xôi (rau chân vịt) và bắp cải. Thậm chí súp lơ xanh cũng có thể được cho vào danh sách này. Những loại rau lá xanh này chứa đầy các vitamin như A, C, K cũng như chất xơ, canxi và các khoáng chất khác.
Khoai lang và bí đao thường cũng có tên trong danh sách các "siêu thực phẩm" nhờ những lý do tương tự với các loại rau lá xanh. Cả hai loại đều là những nguồn chất xơ và vitamin A tuyệt vời. Hơn nữa, chúng còn có vị ngọt tự nhiên nên sẽ không cần thêm bơ, kem hay muối như khi ăn khoai tây.
Các loại đỗ và ngũ cốc nguyên cám là các loại thực phẩm tiếp theo trong danh sách này. Các loại đỗ chính là một nguồn protein ít béo cũng như chất xơ không hòa tan giúp giảm cholesterol, chất xơ hòa tan giúp kéo dài cảm giác no, và rất nhiều các vitamin và khoáng chất. Ngũ cốc nguyên cám khác với ngũ cốc tinh chế ở điểm chúng không bị xát hết phần cám chứa nhiều dinh dưỡng cùng với phần phôi mầm trong quá trình xử lý. Ngũ cốc nguyên cám cũng cung cấp những lợi ích về sức khỏe tương tự như các loại đỗ dù chúng có chứa ít protein hơn. Hạt diêm mạch (quinoa) không phải là ngũ cốc nhưng cách nấu thì tương tự như các loại ngũ cốc khác và cũng là một nguồn đáng kể các protein, vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất chống oxy hóa.
Các loại hạt có chứa một lượng lớn các khoáng chất và các chất béo tốt. Tuy những điều này là tốt, nhưng chúng lại có mức năng lượng khá cao. Chỉ một nắm nhỏ hạt cũng đã có thể chứa hơn 100 calo.
Các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá thu đều rất giàu các axit béo omega-3, được cho là giúp giảm nguy cơ các bệnh tim mạch và đột quỵ. Các lợi ích từ việc ăn cá có thể vượt xa nguy cơ từ lượng thủy ngân có thể tích trong thịt cá. Nếu bạn lo lắng về việc cá bạn mua có thể chứa các chất ô nhiễm thì hãy tránh ăn những loại cá ở trên cao trong chuỗi thức ăn. Các loại cá như cá mập, cá kiếm, cá thu và cá kình có chứa mức thủy ngân cao hơn các loại cá nhỏ như cá mòi hay cá cơm.
Bất kỳ danh sách "siêu thực phẩm" nào cũng chắc chắn có chứa những loại quả ngoại lai như acai, quả nhàu (noni), thanh long, chôm chôm hay quả lựu. Những loại quả này có thể tốt cho sức khỏe nhưng cũng không giàu dinh dưỡng hơn những loại quả thông thường khác, ví dụ như việt quất. Một vài loại quả trong nhóm trên có thể có chứa nhiều một loại dưỡng chất nhất định. Ví dụ như quả lựu có chứa ellagitannin, có tính chất chống ung thư. Nhưng quả mâm xôi cũng chứa ellagitannin và cũng ngon như lựu vậy.
Các chỉ trích về danh pháp "siêu thực phẩm"
Các nhà khoa học cho rằng việc sử dụng cụm từ "siêu thực phẩm" chỉ là một công cụ tiếp thị mà không phải dựa trên nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn phụ thuộc rất nhiều vào chiêu trò tiếp thị và các nhà vận động hành lang để định hình nhận thức của công chúng về các sản phẩm của họ.
Một chỉ trích nữa về việc sử dụng cụm từ "siêu thực phẩm" là trong khi các thực phẩm có thể rất giàu dinh dưỡng, nhưng qua chế biến công nghiệp có thể lại không còn như vậy. Lấy ví dụ như khi trà xanh được pha trong ấm chứa rất nhiều chất chống oxy hóa. Nhưng các loại nước trà xanh đóng chai công nghiệp thực chất lại thường chứa rất ít trà trong khi lại có rất nhiều đường. Các loại "siêu nước ép" đóng chai từ quả acai hay quả nhàu, hay quả lựu cũng có thể được cho thêm rất nhiều đường.
Tương tự, các loại ngũ cốc nguyên cám thường được qua tinh chế giúp dễ ăn hơn, nhưng điều đó lại làm giảm đi giá trị dinh dưỡng. Ví dụ yến mạch ăn liền cũng ít dưỡng chất như các loại thực phẩm tinh chế khác như bánh mì trắng vì chúng đều làm đường huyết tăng vọt ngay sau khi ăn. Điều đó làm tăng nguy cơ kháng insulin, béo phì và tiểu đường.
Do cụm từ "siêu thực phẩm" không bắt nguồn từ khoa học nên có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, khiến họ tập trung vào một loại thực phẩm hơn các loại khác. Khi một loại thực phẩm được gắn mác là "siêu thực phẩm" và "lành mạnh" thì mọi người thường sẽ nghĩ họ có thể ăn những thực phẩm đó không giới hạn. Sự thực thì không phải vậy, ta vẫn phải kiểm soát lượng ăn vào vì kể cả khi chỉ ăn những thực phẩm được gắn mác tốt cho sức khỏe thì ta vẫn có thể tăng cân.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chế độ ăn lý tưởng là chế độ ăn gồm phần lớn đồ ăn từ thực vật với đa dạng các loại rau củ quả, ngũ cốc nguyên cám, và các sản phẩm từ thịt lành mạnh. Các "siêu thực phẩm" có thể là một khởi đầu lý tưởng để bắt đầu thực hiện một chế độ ăn lành mạnh, và việc hiểu các giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm bạn ăn vào có thể là một điều hữu ích. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều các thực phẩm tốt cho sức khỏe khác ta có thể khám phá, cho dù không ai gọi chúng là các "siêu thực phẩm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận