Đoàn công tác của Bộ Công thương kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa trưa 5-2 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Gần trưa 5-2, đoàn công tác của Bộ Công thương đã trực tiếp đi làm việc và khảo sát tình hình cung ứng hàng hóa tại các hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội. Phóng viên báo Tuổi Trẻ cũng trực tiếp khảo sát tình hình thị trường.
Ghi nhận tại siêu thị Vinmart (số 2 Tôn Thất Thuyết, Q.Cầu Giấy), các kệ hàng đầy ắp rau, củ, quả, thịt, cá... Tại đây không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ do lo ngại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Đang lựa mua thực phẩm, bà Trần Ngọc Ánh (ở P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy) cho biết trung bình 2-3 ngày bà lại qua siêu thị để mua thực phẩm.
"Tôi thường vào siêu thị mua đồ, thực phẩm sử dụng cho khoảng 2-3 ngày. Hôm trước có nghe thông tin về việc người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ, thậm chí có siêu thị hết cả đồ. Những nơi khác không biết thế nào nhưng ở đây tôi đi mua thì tôi thấy siêu thị vẫn đầy đủ mọi thứ tôi cần dùng", bà Ánh nói.
Nhu cầu tiêu dùng của người dân mùa đại dịch tăng gấp đôi - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ông Trịnh Văn Linh (giám đốc siêu thị Vinmart Cầu Giấy) cho biết nhu cầu của người tiêu dùng sau tết và những lo ngại trước tình hình dịch bệnh virus corona những ngày gần đây tăng khoảng 30-40% so với bình thường. Các mặt hàng tăng đột biến chủ yếu là thực phẩm rau, củ, quả, thịt cá, khẩu trang, nước rửa tay…
"Siêu thị chúng tôi có nguồn cung rất lớn, ngoài ra cũng làm việc với các đối tác cung ứng yêu cầu bắt buộc phải đảm bảo nguồn cung toàn bộ rau, củ, quả, thịt, cá… cho siêu thị nên chúng tôi luôn đầy đủ hàng hóa, thực phẩm cung ứng cho người tiêu dùng", ông Linh nói
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà nguyễn Thị Kim Dung - giám đốc Co.op Mart Hà Nội - cho biết lượng hàng mua tăng 15-20% so với cùng kỳ, vì vậy lượng hàng dự trữ của siêu thị cũng tăng 40-50% để đảm bảo cung ứng.
Ngoài nguồn hàng dự trữ trong kho, siêu thị cũng làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn hàng.
Nguồn cung rau xanh dồi dào mặc dù miền Bắc có mưa đá gây thiệt hại, nhiều siêu thị đã chuyển hàng từ TP.HCM, Đà Lạt ra Hà Nội tiêu thụ - Ảnh: NGỌC AN
Theo bà Dung, sức mua bình thường tăng trưởng 20-30% so với cùng kỳ do năm nay ảnh hưởng dịch nên người tiêu dùng mua tích trữ nhu yếu phẩm. Nhiều mặt hàng nông sản như rau xanh vừa qua ở Hà Nội có tình trạng khan hiếm, siêu thị đã phải điều hàng, nguồn thực phẩm rau xanh từ TP.HCM, Đà Lạt ra để đáp ứng nhu cầu.
Ngoài ra, SaigonCo.op cũng có kế hoạch giải cứu thanh long, dưa hấu và dự kiến vào ngày mai hàng sẽ về siêu thị, với mức giá chỉ 8.000-9.000 đồng/kg so với mức giá gần 20.000 đồng/kg dưa hấu như hiện nay. Tổng lượng nông sản giải cứu lên tới 5 tấn/cửa hàng.
Ông Khúc Tiến Hà - giám đốc điều hành BigC các tỉnh phía Bắc - cũng cho biết sau Tết Nguyên đán số lượng khách tới siêu thị tăng gấp 3 lần bình thường. Sản phẩm được mua chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu với rau củ quả, gạo, đường, bột ngọt, mì gói, đồ hộp…
Đối với các sản phẩm nông sản đang khó khăn trong xuất khẩu sang Trung Quốc như thanh long, dưa hấu, lãnh đạo Big C cho biết cũng đang có chương trình hỗ trợ đồng hành cùng người nông dân, mỗi ngày dự kiến tiêu thụ 40 tấn dưa hấu, tương tự như vậy với sản phẩm thanh long.
Có nhiều giải pháp để giữ giá cả ổn định, tăng nguồn cung
Bà Trần Thị Phương Lan - phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội - cho biết đã triển khai lực lượng thường xuyên kiểm tra hệ thống phân phối, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố.
Hiện nay các nhà bán lẻ đã tăng dự trữ thêm 10-15%, chủ động tìm nguồn hàng sản lượng nhập, dự trữ; mở rộng thêm kênh bán hàng qua kênh online, giảm tải lượng người mua trực tiếp.
Với các mặt hàng nông sản đang bị ùn ứ ở cửa khẩu do không xuất được sang Trung Quốc, sở đã xây dựng kịch bản ứng phó với 4 cấp độ bình ổn thị trường.
Đánh giá chung về tình hình, Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương cho biết do các doanh nghiệp dự báo được nhu cầu của người dân nên đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này, nguồn hàng dồi dào với giá cả ổn định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận