Hỗ trợ bà con nông dân Đăk Lăk tiêu thụ bí đỏ tại siêu thị Lotte Mart - Ảnh: QUANG ĐẠT
Câu chuyện cứ lặp đi lặp lại qua từng năm mỗi mùa thu hoạch. Mới đây nhất, đại diện hệ thống Lotte Mart cho biết, đã nhanh chóng phối hợp với các địa phương tiến hành thu mua các sản phẩm nông sản tại Đắk Lắk và Quảng Nam nhằm ổn định tình hình trước mắt.
Tại Đắk Lắk, rơi vào tình thế được mùa mất giá, các hộ nông dân buộc phải bán ra hàng trăm tấn bí đỏ với mức giá 800 đồng - 1.500 đồng/kg, nhưng vẫn chưa giải quyết được hết tình trạng ứ đọng, hư hỏng vì các sản phẩm đang độ chín tới, cần thu hoạch nhanh.
Tại Quảng Nam sau mùa vụ được giá bán vào quý 1 năm 2018, các hộ nông dân bước vào giai đoạn khó khăn với hàng trăm tấn dưa hấu bỏ ngỏ không người mua. Khác với mức giá mong đợi bán ra hồi đầu năm với 8.000 đồng/kg, hiện nông dân Quảng Nam phải chịu bán lỗ giá dưa hấu chỉ với 1.000 đồng -1.500 đồng/kg, tương ứng với mức thua lỗ của mỗi hộ nông dân lên tới hàng chục triệu đồng, chưa kể tới việc dưa ứ đọng không tìm thấy nguồn ra.
Ông Đoàn Diệp Bình, trưởng phòng truyền thông Lotte Mart cho biết, trước mắt doanh nghiệp này đã hỗ trợ được10 tấn bí đỏ, 5 tấn dưa hấu, dự kiến sản lượng hỗ trợ sẽ tăng lên 50 tấn bí đỏ trong thời gian tới.
Không chỉ hỗ trợ bà con thu mua nông sản, LOTTE Mart còn thu mua với mức giá cao hơn so với giá thương lái mua tại vườn nhằm đẩy nhanh quá trình lấy lại vốn, đảm bảo lợi nhuận giúp bà con nông dân sớm ổn định canh tác chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo.
Trong khi đó, cách đây không lâu, hệ thống Saigon Co.op cũng liên tục ra tay giải cứu hàng loạt nông sản các loại như củ cải trắng, su hào, cà rốt và bắp cải trắng của huyện Mê Linh (Hà Nội) và tỉnh Hưng Yên.
Giá bán các loại nông sản này tại thời điểm đó bằng với giá thu mua số lượng lớn từ nông dân, dao động quanh mức từ 2.500 - 6.900 đồng/kg tùy loại sản phẩm.
Không phải lần đầu tiên nông sản được kêu gọi giải cứu, gần như năm nào, mùa nào tình trạng này cũng lặp lại. Từ vài năm trước, PGS.TS Ngô Trí Long, từng nói với Tuổi Trẻ: để xảy ra tình trạng phải giải cứu do lỗi của cả "4 nhà", nhà nước không cho thấy chức năng tính toán, dự báo thị trường, không có phương án cho tiêu thụ, chế biến, nhà nông thì không tìm hiểu thông tin sản xuất, đầu ra, nhà phân phối chưa có kết nối tốt và còn bỏ mặc nông dân.
Theo ông Long, không thể cứ giải cứu mãi như vậy được. Để giải quyết vấn đề này về sâu xa là quy hoạch vùng sản xuất, các loại nông sản, nhưng trước mắt cần dự báo thông tin thị trường, đánh giá cầu như thế nào để cung không được vượt quá. Nếu cơ quan chức năng không tập trung nghiên cứu thị trường thì không bao giờ giải quyết được bài toán này.
Bên cạnh đó, cũng cần chuẩn bị các kịch bản khi cung vượt quá cầu thì phải chế biến, dự trữ ra sao. Các nước khác cũng vậy, khi thu hoạch nông sản diễn ra đồng thời, lượng nông sản tập trung thì không thể tiêu thụ ngay một lúc, nhưng công tác chế biến tốt sẽ tích trữ để lại tiêu thụ về sau, nhưng ở Việt Nam chưa làm được điều này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận