Trước sức mua tăng nhanh, dồn dập, cứ 30 phút nhân viên của siêu thị tiếp hàng một lần. Hàng hóa vẫn rất dồi dào nhưng sức mua quá mạnh khiến tình trạng hàng bị thiếu cục bộ xảy ra. Trong khi đó, kênh bán hàng online cũng ghi nhận bị quá tải phục vụ - Ảnh: M.M
Ngoài ra, các đơn vị bán lẻ cũng đang khẩn trương phối hợp với Sở Công thương TP.HCM và chính quyền các địa phương để chuẩn bị các giải pháp cung ứng hàng hóa cho người dân trong 2 tuần tới.
Qua buổi trưa, nhiều hệ thống siêu thị vẫn liên tục tiếp hàng lên kệ, nhà bán lẻ khẳng định vẫn căng mình phục vụ người dân mua sắm trên hai kênh trực tiếp lẫn trực tuyến trong khi chờ hướng dẫn mới từ cơ quan chức năng.
Đại diện AEON Việt Nam cho biết các siêu thị trong hệ thống đã có kế hoạch tăng thêm 4 đến 5 lần mặt hàng thịt tươi các loại và tăng 10 lần các mặt hàng rau củ quả Đà Lạt từ ngày 22-8. Tương tự, MM Mega Market cho biết hàng hóa vẫn được đảm bảo lên kệ đầy đủ đến cuối ngày, phục vụ những người tiêu dùng trước giờ đóng cửa.
Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch tại siêu thị như điều tiết giới hạn số lượng khách vào siêu thị, bố trí khu vực xếp hàng và ngồi chờ đảm bảo giãn cách, phân luồng di chuyển ra/vào siêu thị, đơn vị cũng lên phương án bán hàng lưu động, bán hàng online, giảm tải cho kênh trực tiếp cho người tiêu dùng.
Khách đợi bên ngoài khu vực mua sắm trong khi nhân viên siêu thị đang tiếp hàng lên kệ tại Mega Market An Phú, TP Thủ Đức. Hầu hết khách chỉ tập trung ở khu vực thực phẩm tươi sống, rau củ quả - Ảnh: M.M
Theo ghi nhận, về trưa các điểm bán cũng bớt "nóng" hơn so với buổi sáng khi dãy hàng xếp chờ mua sắm bên ngoài cũng không còn. Tuy vậy, sức mua đối với các nhóm thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các mặt hàng thịt tươi, rau củ quả tăng đột biến, dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ vào một số thời điểm.
Nhân viên siêu thị cho biết lượng hàng trong kho vẫn còn nhưng do khách mua quá nhanh nên siêu thị không kịp đóng vỉ, dán tem giá, hàng vừa được chở từ kho ra là được người mua lấy hết sạch.
"Theo hướng dẫn chúng tôi có được, người dân trong 'vùng xanh' vẫn được đi chợ tối đa 2 lần/tuần. Trong khi người dân trong 'vùng đỏ' sẽ có lực lượng đi chợ hộ trong 14 ngày. Người khó khăn sẽ có hỗ trợ ngay gói an sinh, gói dinh dưỡng, gói thuốc men", đại diện một nhà bán lẻ cho biết.
Do đó, trong thời điểm hiện nay, việc chuẩn bị nguồn hàng để bán vẫn diễn ra bình thường, hiện lượng hàng hóa trữ sẵn đủ cung ứng cho thị trường trong vòng một tháng, một số mặt hàng có lượng dự trữ tương ứng 3 tháng như bún khô, lương khô...
Sau thông tin người dân TP.HCM sẽ không được ra ngoài mua thực phẩm từ ngày 23-8, sáng sớm ngày 21-8 nhiều người lại đổ ra các siêu thị mua sắm. Để giới hạn lượt mua sắm, siêu thị này phải kiểm soát ngay từ cổng vào bãi gửi xe. Tuyến đường phía trước siêu thị kẹt cứng từ sáng sớm đến trưa - Ảnh: M.M
Người dân đợi hàng giờ trước siêu thị và không đảm bảo khoảng cách an toàn - Ảnh: NHẬT THỊNH
Tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), lượng người xếp hàng và chờ đợi diễn ra từ sáng sớm. - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều người cho biết họ xếp hàng gần 2 tiếng mới đến lượt mua sắm, nhưng vẫn may mắn vì đã mua được hàng cho gia đình những ngày tới - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xếp hàng dài ở siêu thị Co.opmart Chu Văn An, quận Bình Thạnh - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Theo nhiều người, vì đến rằm tháng 7 nên người dân cần mua đồ về cúng, vì vậy người ra đường mua nhiều hơn - Ảnh: NHẬT THỊNH
Các điểm bán nhỏ cũng chứng kiến dòng người xếp hàng dài để mua rau, củ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận