Siêu đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM đến năm 2035 theo kết luận 49 của Bộ Chính trị (đề án metro) với nhiều cơ chế, chính sách chưa từng có.
Đề án có mục tiêu là tạo sự đột phá về xây dựng hệ thống metro nhanh và đồng bộ, thay vì thực hiện như cách cũ trong những năm qua.
Huy động hơn 36 tỉ USD làm 183km metro
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 (được duyệt tại quyết định số 568), TP quy hoạch 8 tuyến metro (chiều dài 172,6km), 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (chiều dài 56,5km).
Mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 2-3 tuyến metro (số 1, 2, 5); giai đoạn sau 2020 tiếp tục đầu tư mạng lưới đường sắt theo quy hoạch.
Tuy nhiên, đến nay metro số 1 mới sắp đưa vào khai thác năm 2024, còn metro số 2 dự kiến hoàn thành 2030. Như vậy, tiến trình đầu tư các tuyến metro tại TP rất chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và chưa góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn trong thời gian qua.
Tại dự thảo: "Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060", hệ thống đường sắt đô thị tại TP sẽ gồm 12 tuyến, với 10 tuyến metro có tổng chiều dài khoảng 510km, 2 tuyến tramway/LRV (khoảng 70km).
Theo đề án metro, TP.HCM xác định đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Phát triển đường sắt đô thị gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển liên kết vùng.
Đề án đặt mục tiêu giai đoạn 1 từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến với tổng chiều dài khoảng 183km.
Mạng lưới giai đoạn này dự kiến đảm nhận từ 40 - 50% lượng khách công cộng, đáp ứng 7 - 8 triệu lượt hành khách/ngày đêm. Sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn này cần hơn 871.216 tỉ đồng (khoảng 36,33 tỉ USD).
Vốn để triển khai các dự án sẽ được huy động tối đa mọi nguồn lực nhà nước, đa dạng hóa các phương thức đầu tư.
Trong đó, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị giai đoạn đến năm 2035.
Để thực hiện mục tiêu, đề án cũng đã xây dựng 6 nhóm cơ chế chính sách với 28 cơ chế. Trong đó, có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội; 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.
Sớm làm chủ kỹ thuật, công nghệ
Đề án cũng đã xây dựng những cơ chế chính sách, lộ trình phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nguồn nhân lực trong nước.
Theo đó, đến năm 2035 sẽ thực hiện nhận, chuyển giao công nghệ đường sắt đô thị, đạt tỉ lệ chung về nội địa hóa từ 30 đến 40% (phương tiện, thiết bị và hệ thống thông tin tín hiệu)... Đối với đường ray sẽ đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp luyện kim (thép), có thể chế tạo loại P50 (lắp đặt trong depot).
Đến năm 2045, đề án đặt ra sẽ liên kết sản xuất một số vật tư, phụ tùng, thiết bị, tỉ lệ nội địa hóa 30%.
Về hệ thống thông tin - tín hiệu sẽ phát triển làm chủ 100% phần mềm, nhận chuyển giao và nghiên cứu sản xuất đối với các linh kiện, phần cứng. Với hệ thống điện động lực, trong nước sẽ đảm nhận tối thiểu 80 - 90% hạng mục điện và máy biến áp…
Về nguồn nhân lực, TP sẽ tăng cường phối hợp với các bộ ngành trong công tác phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc tế, đặt hàng các đề tài nghiên cứu ứng dụng về công nghệ đường sắt. Đồng thời, phát triển các đơn vị với đội ngũ lao động chất lượng cao, sớm vươn lên thật sự làm chủ kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng hiệu quả cho nhu cầu phát triển tương lai của TP.
Trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm
Theo kế hoạch, TP Hà Nội và TP.HCM phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ đề án vào tháng 6-2024. Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến về đề án trong quý 3-2024. Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về các cơ chế, chính sách (để triển khai thực hiện đề án) tại kỳ họp cuối năm 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận