22/09/2024 12:21 GMT+7

Siêu bão và những công cuộc tái thiết gian nan - Kỳ 6: Đừng tin vào đê, mưa lũ sẽ còn hung hãn!

Bão Hagibis với cấu trúc tương tự như bão Haiyan năm 2013 đã đổ bộ vào Nhật tối 12-10-2019. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ trong 51 năm qua với sức gió trên 200 km/h (cấp 17).

Siêu bão và những công cuộc tái thiết gian nan - Kỳ 6: Đừng tin vào đê, mưa lũ sẽ còn hung hãn! - Ảnh 1.

Lượng mưa lớn của bão Hagibis phá hủy 135 điểm đê dọc 71 con sông. Trong ảnh là sông Chikuma (tỉnh Nagano) tràn bờ gây ngập nặng - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên người dân Nhật vẫn cảm thấy an tâm trước cơn bão vì tin vào hệ thống chống ngập của Nhật.

Chính phủ Nhật nên xem xét nghiêm túc hơn về những dự báo tương lai về biến đổi khí hậu do các nhà khoa học đưa ra và có biện pháp hành động.

KAZUHISA TSUBOKI

Trong 18 tiếng đã chuyển thành siêu bão

Từ hàng ngàn năm nay, quần đảo Nhật Bản đã dũng cảm chống chịu thiên tai tàn phá. Với quan điểm quản lý thiên tai cần được giải quyết bằng kỹ thuật, Nhật đã đầu tư nhiều tỉ yen xây dựng cơ sở hạ tầng chống lũ lụt rộng khắp cả nước.

Các dự án được khởi động vào cuối thập niên 1950 xây dựng đập, đê và gia cố bờ sông bằng bê tông để ngăn nước. Các quy định đưa ra yêu cầu xây dựng chống động đất. Các tuyến phòng thủ đẳng cấp thế giới được xây dựng ven biển nhằm giảm thiểu rủi ro về sóng bão.

Các đập, đê và hồ chứa nước được xây dựng khắp thủ đô Tokyo. Một mạng lưới đường hầm thoát nước ngầm rộng lớn được xây dựng dọc theo các đường ống dẫn khí đốt và tuyến tàu điện ngầm.

Kênh xả ngầm ngoài khu vực đô thị (G-cans) ở Tokyo trị giá 2,16 tỉ USD hoàn thành vào năm 2006 sau 13 năm xây dựng là hệ thống thoát nước lũ lớn nhất thế giới.

Ngày 27-11-2015, Chính phủ Nhật đã đưa ra Kế hoạch thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Kế hoạch này được hoàn thiện vào tháng 6-2018 bằng Luật Thích ứng với biến đổi khí hậu. Tháng 11-2018, tự tin vào khả năng đối phó với các sự kiện khí hậu nguy hiểm, Nhật đã công bố Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài viết "Bão Hagibis và chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu của Nhật" đăng trên trang web của khoa luật Đại học Tulane (Mỹ) ghi nhận khi cơn bão Faxai đến và đi vào tháng 9-2019, mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch và củng cố thêm lòng tự hào dân tộc của người Nhật.

Thật không may, bão Hagibis tấn công nước Nhật ngày 12-10-2019 đã chuyển từ bão nhiệt đới thành siêu bão cấp 17 với tốc độ quá nhanh chỉ trong 18 tiếng, làm 85 người tử vong, 9 người mất tích và hơn 400 người bị thương.

Bão mang theo lượng mưa kéo dài bất thường vì một hiện tượng thời tiết đi kèm chưa được hiểu đầy đủ được gọi là "sông khí quyển". Đây là kênh khí ẩm dài và hẹp tập trung trong khí quyển đôi lúc hình thành cùng với các xoáy thuận ngoài nhiệt đới.

Theo TS khí tượng học Kazuhisa Tsuboki tại Viện nghiên cứu môi trường không gian - Trái đất thuộc Đại học Nagoya (Nhật), đây có thể là lần đầu tiên hiện tượng "sông khí quyển" xảy ra cùng lúc với bão nhiệt đới như bão Hagibis.

Tại hội thảo về thời tiết khắc nghiệt ở Đài Bắc vào giữa tháng 10-2019, TS Tsuboki đã trình bày phát hiện ban đầu về "sông khí quyển" trong bão Hagibis và ước tính "sông khí quyển" đã mang theo lượng nước gấp đôi toàn bộ nước vùng Amazon và đã cung cấp một lượng lớn hơi nước cho vùng đông bắc của cơn bão Hagibis.

TS Robert Rogers thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) nhận xét: "Tôi đồng ý với đánh giá của TS Tsuboki rằng "sông khí quyển" có thể là một thành phần quan trọng trong các sự kiện mưa lớn như những gì chúng ta đã thấy với bão Hagibis".

Siêu bão và những công cuộc tái thiết gian nan - Kỳ 6: Đừng tin vào đê, mưa lũ sẽ còn hung hãn! - Ảnh 2.

Bão Hagibis gây thiệt hại 12,5 tỉ USD, làm 85 người chết, 9 người mất tích và hơn 400 người bị thương - Ảnh: Channel News Asia

Kiểm soát lũ lụt và lập kế hoạch sơ tán

Thủ tướng Shinzo Abe lúc bấy giờ đã thừa nhận hậu quả kinh tế to lớn từ cơn bão Hagibis (bão gây thiệt hại khoảng 12,5 tỉ USD) và khẳng định: "Chính phủ sẽ tiếp tục làm mọi thứ trong khả năng để các nạn nhân trong thảm họa này có thể trở lại cuộc sống bình thường sớm nhất có thể".

Tuy nhiên, TS Tsuboki đã cảnh báo về những kỳ vọng không thực tế: "Chúng ta nên chờ đợi tần suất các cơn bão mạnh và mưa lớn sẽ tăng lên cùng với hiện tượng Trái đất nóng lên".

Ông nản lòng vì cơ quan khí tượng Nhật sử dụng hình ảnh vệ tinh không đầy đủ và giải thích: "Lý tưởng nhất là chúng ta nên cho máy bay bay lên quan sát thời tiết nhưng điều đó lại đang trong giai đoạn thử nghiệm".

Chuyên gia Nobukuyi Tsuchiya - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bờ sông Nhật - đồng tình với nhận định của TS Tsuboki và lưu ý rằng nước Nhật chưa chuẩn bị cho lượng mưa tăng cao do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Ông nhận xét mặc dù Nhật đã chi các khoản đầu tư lớn nhưng "Thật không may, các biện pháp kiểm soát lũ lụt theo tầm nhìn về biến đổi khí hậu vẫn chưa được thiết lập tại Nhật".

Sau bão Hagibis, nhiều nhà khoa học Nhật đã kêu gọi đẩy nhanh các chương trình kiểm soát lũ lụt và cảnh báo bão trong tương lai sẽ ngày càng hung hãn hơn.

GS Yasuo Nihei chuyên về kỹ thuật sông ngòi tại Đại học Khoa học Tokyo thừa nhận: "Trên thực tế sẽ có những trận mưa mà chúng ta không thể chống lại". Ông đã đề nghị nâng cấp ngay các biện pháp kiểm soát lũ lụt.

Mười ngày sau cơn bão Hagibis, tạp chí Science (Mỹ) đã đăng bài viết với đầu đề "Cơn bão chết người buộc Nhật Bản phải đối mặt với nguy cơ dễ bị tổn thương trước những cơn bão ngày càng mạnh hơn".

Bài viết khẳng định bão Hagibis đã cho thấy đê điều được xây dựng trong nhiều thập niên dọc theo hầu hết sông lớn ở Nhật có thể không bảo vệ được trước những cơn bão ngày càng mạnh do biến đổi khí hậu.

Trong nghiên cứu công bố vào đầu năm 2019, nhà mô hình khí hậu Thomas Knutson thuộc NOAA cùng các đồng nghiệp trên thế giới đã kết luận rằng biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân làm gia tăng đáng kể cường độ các cơn bão nhiệt đới.

Bằng chứng là tại một số khu vực, trong vòng từ 24-28 tiếng, lượng mưa trong bão Hagibis đã tương đương từ 30-40% lượng mưa hằng năm.

Chuyên gia Tsuchiya nhận xét: "Giảm ngập do bão sẽ chỉ được cải thiện nếu có một phương pháp tiếp cận bao gồm hai yếu tố là phần cứng và phần mềm". Ý ông muốn nói là hai biện pháp gồm kiểm soát lũ lụt và lập kế hoạch sơ tán. Trong đó, củng cố kế hoạch sơ tán có tác động tức thời nhất.

TS Yukihiro Shimatani - chuyên gia quản lý lưu vực sông tại Đại học Kyushu - nhận thấy trong những cơn bão gần đây, số lượng người được lệnh sơ tán đã lớn hơn sức chứa của các địa điểm trú bão.

Ngoài ra, các nơi trú bão được trang bị kém và những người có thú cưng, trẻ sơ sinh, người già và người tàn tật thường ngần ngại sơ tán.

TS Tsuboki giải thích các cơ quan chính quyền cứ đinh ninh người dân trong những khu vực dễ ngập phải hiểu họ phải tự lo cho họ, song người dân lại có hiểu biết về lũ lụt rất hạn chế. Nhiều trường hợp người dân từ nơi sơ tán trở về nhà sau khi bão đi qua mà không hiểu nước lũ đang từ thượng nguồn ầm ầm đổ về.

Chuyên gia Tsuchiya ghi nhận nạo vét sông để sông chứa lượng nước lớn hơn cũng là một biện pháp cải thiện khả năng kiểm soát lũ lụt. TS Shimatani đề nghị về lâu dài nên áp dụng "các chính sách nhằm giảm dân số cư trú tại những vùng nguy hiểm".

Nước Nhật choáng váng

Bão Hagibis đã đổ lượng mưa kỷ lục trên 1/3 nước Nhật. Lần đầu tiên Cơ quan Khí tượng Nhật (JMA) đã phát cảnh báo đặc biệt cấp 5 về mưa lớn (mức cao nhất trong thang cảnh báo) cho 13 tỉnh. 13.000 ngôi nhà bị ngập, 275 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, 1.711 căn bị phá hủy một phần và 2.997 căn bị hư hại.

85 người tử vong, 9 người mất tích và hơn 400 người bị thương. Bão gây thiệt hại nghiêm trọng đến sông ngòi (tràn bờ, vỡ đê, sạt lở…), lở đất, mạng lưới đường bộ và đường sắt. Hàng trăm ngàn hộ gia đình bị mất điện và mất nước ở 38 tỉnh. 22.000 hộ vẫn chưa có điện và 133.000 hộ chưa có nước gần hai tuần sau bão.

------------------------

Gần 20 năm trôi qua, siêu bão Katrina làm hơn 1.800 người thiệt mạng vẫn là nỗi đau chưa lành sẹo của Mỹ. Không chỉ chính phủ mà nhiều tổ chức đã nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị để thảm họa không lặp lại.

Kỳ tới: Siêu cường Mỹ cũng tả tơi vì bão và bài học tương lai

Siêu bão và những công cuộc tái thiết gian nan - Kỳ 6: Đừng tin vào đê, mưa lũ sẽ còn hung hãn! - Ảnh 3.Siêu bão và những công cuộc tái thiết gian nan - Kỳ 5: Gian nan xây lại nhà sau bão dữ Gabrielle

Tại một quốc gia thường xuyên bị lũ lụt ảnh hưởng như New Zealand, hậu quả cơn bão Gabrielle được coi là vô tiền khoáng hậu về nhiều phương diện.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên