18/09/2024 11:29 GMT+7

Siêu bão và những công cuộc tái thiết gian nan - Kỳ 2: Cuộc hồi sinh sau siêu bão Haiyan

Cuồng phong Haiyan vừa càn quét qua thành phố Tacloban (tỉnh Leyte, Philippines) vào sáng ngày 8-11-2013, sự thảm khốc và sụp đổ hệ thống đã tràn ngập khắp nơi.

Siêu bão và những công cuộc tái thiết gian nan - Kỳ 2: Cuộc hồi sinh sau siêu bão Haiyan - Ảnh 1.

Người mẹ bế con nhỏ xin thực phẩm sau khi bão Haiyan tàn phá Tacloban - Ảnh: QUỐC VIỆT

Ngoài bờ biển, nhiều xác người chết đuối bị sóng đánh dạt vào, trên đường phố thi hài người chết cũng la liệt. Dưới các ngôi nhà đổ sập, mùi tử khí dần bốc lên...

Mất nhà, đói khát và cướp bóc

11 năm đã trôi qua kể từ ngày siêu bão cấp 5 (cấp cao nhất trong thang bão Saffir-Simpson với sức gió trên 250km/h, mạnh hơn cả siêu bão cấp 17 theo thang bão Việt Nam sử dụng) tàn phá miền trung Philippines, chúng tôi vẫn còn ám ảnh những cảnh đau thương, khốn khổ mà mình phải chứng kiến.

Từng tác nghiệp qua nhiều trận bão dữ ở miền Trung Việt Nam, nhưng đây là lần đầu chúng tôi phải nhìn thấy quá nhiều người chết cũng như cảnh sụp đổ, tê liệt hoàn toàn các hệ thống thiết yếu cho cuộc sống con người.

90% nhà cửa ở Tacloban bị siêu bão Haiyan đánh tan nát. Hệ thống viễn thông tê liệt hoàn toàn, điện mất, nguồn nước sạch đứt vỡ, các cửa hàng, chợ búa, siêu thị cũng sụp đổ dưới các đống bê tông xám xịt.

Vừa trải qua thời khắc sinh - tử khi tâm bão hoành hành, những người may mắn còn sống lại đối diện đói khát, không còn nhà cửa trú thân và dịch bệnh hoành hành.

Siêu bão và những công cuộc tái thiết gian nan - Kỳ 2: Cuộc hồi sinh sau siêu bão Haiyan - Ảnh 2.

Bão đã qua mấy ngày, nhưng thi hài nạn nhân vẫn còn dưới đống đổ nát - Ảnh: QUỐC VIỆT

Có mặt tại miền Trung Philippines ngay sau khi cuồng phong tàn phá, chúng tôi đã nhìn thấy nhiều hình ảnh người già, phụ nữ và trẻ em ra đường xin lương thực. Có người xòe tay, có người giơ tấm bảng nguệch ngoạc chữ cầu xin.

Những xe tải quân đội có binh lính cầm súng áp tải gạo làm mọi người rộn hẳn lên, dù không phải chiếc nào cũng dừng lại. Ngay khách sạn đổ nát mà chúng tôi tạm tá túc cũng phải có mấy bảo vệ lăm lăm súng.

Vừa khốn khổ vì bão tố, họ lại lo lắng nạn cướp bóc, bắn giết. Philippines là quốc gia vành đai bão được tập hợp bởi các hòn đảo nên việc cứu hộ, cứu trợ sau bão rất khó khăn. Mọi sự cần di chuyển đều trông chờ máy bay hoặc tàu biển.

Nhưng các phương tiện này vừa thiếu lại vừa khó hoạt động, vì thời tiết xấu do hoàn lưu bão, đặc biệt là các sân bay và đường sá đi tiếp vào vùng nông thôn cũng bị hư hỏng nặng nề.

Chúng tôi đã nghe nói về những vé bay trực thăng chặng ngắn ra khỏi "thành phố chết" Tacloban với giá lên tới 5.000 USD nhưng không phải ai cũng mua được. Để tác nghiệp, chúng tôi phải rất khó khăn mới thuê được xe ô tô.

Giá thuê rất đắt, nhưng tài xế vẫn không nhiệt tình vì anh ta cũng chẳng thể biết đường sá phía trước thế nào. Ngoài đường hư hỏng vì bão, đáng sợ nhất là tình trạng bắn giết, cướp bóc và phiến quân từ trên núi xuống.

Chúng tôi cũng bị một nhóm người có vũ khí chặn xe trên đường từ Tacloban sang Ormoc (tỉnh Leyte), nhưng may mắn là điều tồi tệ không xảy ra. Có lẽ họ đã không ra tay khi biết các nhà báo đi đưa tin về cơn siêu bão đã làm đau thương chính họ.

Cuồng phong đi qua, cái đói ngập tràn khắp nơi. Quân đội không thể chở gạo cứu đói kịp và đủ cho dân. Chúng tôi lặng nhìn cảnh người dân ào đến phá cửa để tìm lương thực ở các cửa hàng hiếm hoi không bị bão đánh sập.

Chủ cửa hàng tiếc của cầm súng đứng chặn, nhưng ông đã phải bỏ súng xuống để giữ mạng trước quá đông kẻ đói khát cũng có cả súng và dao trong tay.

Nhờ kinh nghiệm tác nghiệp bão lũ, chúng tôi mang theo ít xúc xích cùng bánh năng lượng cao, và rồi nhanh chóng cho những đứa trẻ đang nằm lả ở bệnh viện cũng đã đổ nát.

Hồi sinh nhờ sự trợ giúp của quốc tế

Ngày 10-11-2013, tức hai hôm sau bão, Tổng thống Philippines Benigno Aquino bay trực thăng đến thăm vội vã Tacloban - nơi nhiều người chết và thiệt hại nặng nề nhất sau bão Haiyan.

Siêu bão và những công cuộc tái thiết gian nan - Kỳ 2: Cuộc hồi sinh sau siêu bão Haiyan - Ảnh 3.

Không quân Philippines dùng máy bay C130 chở người già, trẻ em và người bị bệnh ra khỏi vùng đổ nát sau khi bão qua - Ảnh: QUỐC VIỆT

Trước cảnh đổ nát và chết chóc vẫn chưa được xử lý, ông Aquino cam kết: "Xác định đầy đủ số người chết và mất tích là mối quan tâm của chính phủ. Nhưng chính phủ ưu tiên việc cứu giúp những người còn sống sót sau bão, nhất là những người bị thương và cần hỗ trợ thực phẩm, nước uống".

Tuy nhiên, cam kết của Tổng thống Aquino không thể thực thi nhanh chóng nếu không có sự giúp đỡ khẩn cấp, chuyên nghiệp và hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Khi chúng tôi có mặt ở các thành phố bị bão càn quét là Cebu, Ormoc, Tacloban đã thấy những lực lượng cứu hộ của hải quân Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Anh … Họ nhanh chóng sang giúp Philippines với dụng cụ và cách thức làm việc rất chuyên nghiệp.

Mỹ là lực lượng có mặt sớm nhất. Họ điều cả hàng không mẫu hạm USS George Washington đang ở gần đó cùng các tàu trong hạm đội với đơn vị viễn chinh Thủy quân Lục chiến số 31 đến giúp. Các máy bay vận tải quân đội như C17 Globemaster , C-130 Hercules và cả trực thăng lai MV-22 Osprey làm cầu hàng không chở thiết bị cứu hộ, thực phẩm, nước uống.

Tính tất cả, Hải quân Mỹ đã cử 12 tàu, gồm cả tàu y tế, đến giúp đỡ đồng minh bị thiên tai, đặc biệt là thành phố Tacloban chịu thiệt hại nặng nề nhất. Lúc cao điểm, Mỹ đã cử hơn 13.000 quân nhân đến vùng thảm họa Philippines.

Họ làm việc khẩn cấp mà rất chuyên nghiệp theo quy trình ưu tiên thứ gì cần thiết trước. Đầu tiên là công binh Hải quân Mỹ nhanh chóng thiết lập các trạm thu - phát vệ tinh để giúp Tacloban thoát tình trạng biệt lập thế giới bên ngoài.

Siêu bão và những công cuộc tái thiết gian nan - Kỳ 2: Cuộc hồi sinh sau siêu bão Haiyan - Ảnh 4.

Những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên được máy bay quân đội chở đến sân bay Tacloban cũng đã tan nát sau bão - Ảnh: QUỐC VIỆT

Người dân đang mắc kẹt ở thành phố có thể gọi điện nhờ giúp đỡ từ thân nhân bên ngoài. Sau đó, họ thiết lập các trạm phát điện dã chiến, xử lý nước sạch và phân phối bánh quy năng lượng cao, thu dọn thi hài người chết, xử lý môi trường…

Gần như cùng lúc với Mỹ, các nước có nhiều phương tiện và kinh nghiệm cứu hộ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh cũng cử tàu và máy bay đến. Trong đó, Nhật đưa máy bay, tàu JDS Ise và JDS Osumi với gần 1.200 quân nhân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Ngoài ra, đội cứu trợ thiên tai chuyên nghiệp của Nhật cũng được cử sang. Còn Úc thì cử máy bay của lực lượng không quân hoàng gia và tàu HMAS Tobruk chở đội hỗ trợ y tế. Anh cử hai tàu HMS Daring và HMS Illustrious …

Các tỉnh đảo Philippines bị thiệt hại vì bão lúc này lại có lợi thế địa hình cho các tàu lớn dễ tiếp cận. Mỗi tàu có thể chở được hàng ngàn tấn hàng hóa và nhiều người mà không loại máy bay hạng nặng nào có thể thay thế.

Gần 50 nước đã nhanh chóng trợ hỗ trợ sau bão cho Philippines cùng số tiền ban đầu đã gần 500 triệu đô la, trong đó hơn 20 nước cử người và phương tiện sang giúp đỡ trực tiếp.

Vài tháng sau siêu bão Haiyan, người dân ở các vùng thiệt hại đã gượng gậy. Khung cảnh nhà cửa đổ sập vẫn còn, những cái lều tạm bợ vẫn bên đường, nhưng người ta cũng chụp được những bức ảnh đám cưới đầy sức sống. Các nấm mộ tập thể nạn nhân bão ở Tacloban cũng nở những đóa hoa tươi đầu tiên.

Cảnh thiếu thốn lương thực không còn nữa. Bà Valerie Amos, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo, thăm Philippines ngày 27-2- 2014, đã ghi nhận những nỗ lực tái thiết Tacloban và Guiuan, hai thành phố bị thiệt hại nặng nhất.

Bà nói: "Tacloban giờ hoàn toàn khó nhận ra so những gì tôi thấy ngay sau bão. Đường phố đổ nát giờ đang kẹt xe. Nhiều siêu thị đã mở trở lại, trẻ em được đi học trong các trường mới".

Tuy nhiên, công cuộc tái thiết sau siêu bão vẫn còn một hành trình rất dài đòi hỏi sự nỗ lực lớn lao của chính phủ và người dân Philippines cũng như sự tiếp tục giúp đỡ hiệu quả của quốc tế. Năm 2023 vừa qua, quốc gia này kỷ niệm 10 năm sau bão Haiyan.

Trong buổi lễ đầy xúc động ở các thành phố tâm bão năm 2013, chuông nhà thờ vang lên, người ta nhắc nhớ về những người đã chết và nói rằng hành trình tái thiết vẫn tiếp tục…

Trong lễ kỷ niệm 10 năm thảm họa siêu bão Haiyan, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. phát biểu tại thành phố Tacloban, nhắc nhớ hơn 6.000 người đã chết, trên 28.000 người thương tích, hơn 1.000 người mất tích và hơn 3 triệu gia đình bị ảnh hưởng nặng nề.

Tổng thống Philippines nói: "Biến đổi khí hậu sẽ làm nặng nề thêm tác động tiêu cực của thiên tai. Philippines phải xem xét đưa biến đổi khí hậu trở thành phần quan trọng trong các chính sách quốc gia".

_______________________________________________

Cách đây 15 năm, vụ lở đất kinh hoàng trong cơn bão Morakot đã xóa sổ ngôi làng Tiểu Lâm ở Đài Loan tương tự như Làng Nủ ở Việt Nam.

Kỳ tới: Bài học đau thương từ cơn bão Morakot

Siêu bão và những công cuộc tái thiết gian nan - Kỳ 2: Cuộc hồi sinh sau siêu bão Haiyan - Ảnh 2.Siêu bão và những công cuộc tái thiết gian nan - Kỳ 1: Haiyan, cơn đại cuồng phong khủng khiếp

Không chỉ những đảo quốc vành đai bão như Philippines từng chịu nhiều thiệt hại nặng nề vì siêu bão, mà ngay cả các nước phát triển như Mỹ cũng không thể tránh khỏi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên