Siêu bão Noru đang chuẩn bị đổ bộ vào đảo Luzon (Philippines) - Ảnh: NCHMF
Chiều 25-9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - chủ trì họp với các bộ, ngành và 16 địa phương để ứng phó siêu bão Noru.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó thủ tướng nhấn mạnh dự báo bão Noru (bão số 4) với tốc độ di chuyển nhanh, đây là cơn bão mạnh, ảnh hưởng trên phạm vi rất rộng.
Theo ông, những cơn bão có cường độ lớn cấp 13 đến cấp 16 thì ảnh hưởng rất lớn, thiệt hại tới tài sản, tính mạng của nhân dân. Qua thống kê năm 2017 có 2 cơn bão mạnh cấp 12 và cấp 13. Cơn bão số 12 năm 2017 làm 107 người chết và mất tích, thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng.
Với siêu bão Noru, ông nhấn mạnh tinh thần tập trung, lãnh đạo chỉ đạo từ sớm, từ trung ương tới địa phương.
"Dự kiến bão mạnh cấp 13, giật cấp 16 ảnh hưởng rất lớn, rất khó để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn. Trên cơ sở tình hình thực tiễn tại địa phương, phải rà soát kỹ tất cả cơ sở vật chất, cơ sở xung yếu, có giải pháp để thống nhất trước khi bão đổ bộ" - ông nói.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó với siêu bão Noru - Ảnh: C.TUỆ
Ông Phạm Đức Luận, phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết đến trưa 25-9 đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 57.800 tàu/300.000 lao động.
Trong đó, hoạt động trong khu vực bắc Biển Đông, giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là 739 tàu/7.455 người.
Hiện còn 127 tàu (nhiều nhất là Bình Định 100 tàu) đang ở trong vùng nguy hiểm, trong 24 giờ tới cần phải kêu gọi vào bờ.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão gần Biển Đông.
Các tỉnh từ Quảng Bình - Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ/868.230 người, trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tùy theo diễn biến của bão.
Ngư dân từ biển vào cảng Sa Kỳ tranh thủ bán cá để đưa tàu thuyền đến khu vực tránh trú bão - Ảnh: TRẦN MAI
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có 16.600ha và 3.185 lồng, bè nuôi trồng thủy sản.
Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi hiện có 40 trọng điểm, vị trí xung yếu và 3 công trình đê biển, đê cửa sông đang thi công dở dang.
Về trồng trọt, tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ còn hơn 110.000ha lúa chuẩn bị hoặc chưa thu hoạch, khoảng 1 triệu ha lúa đang trong giai đoạn trổ và vào chắc.
Từ Thanh Hóa đến Bình Thuận hiện có gần 8,2 triệu gia súc và 108 triệu gia cầm, 248 trang trại quy mô lớn.
"Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao xong trước ngày 26-9" - ông Luận nói.
Nhiều tàu cá công suất lớn khai thác ở ngư trường Hoàng Sa lần lượt về cảng Sa Kỳ neo tàu trú bão Noru - Ảnh: TRẦN MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận