Từ cuối tháng 5-2018 đến nay giao dịch mua bán nhà đất chững lại. Trong ảnh: hàng loạt dự án bất động sản trên xa lộ Hà Nội, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lý do, theo hiệp hội này, các doanh nghiệp bất động sản đang rất cần nguồn vốn vay trung và dài hạn từ các ngân hàng (NH).
Nhưng ngay từ đầu năm 2018, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã khó tiếp cận nguồn vốn vì NH Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, không nới "room" tín dụng trong những tháng cuối năm, đồng thời giảm dần tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Do vậy, nếu giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 40% như lộ trình sẽ khiến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn.
Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh kiến nghị này.
Chỉ khoảng một nửa số người vay mua bất động sản để ở, còn lại nhằm lướt sóng kiếm lời. Do vậy, việc siết tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm thiểu được đầu cơ bất động sản
Chuyên gia NGUYỄN TRÍ HIẾU
Coi chừng bong bóng nhà đất
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - trưởng khoa tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng việc giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là bước đi chính sách phù hợp và cần thiết "nhằm hạn chế bong bóng bất động sản".
Việc này cũng nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng đóng góp tích cực cho kinh tế, đưa vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Không phủ nhận vai trò của thị trường bất động sản nhưng thực tế thời gian qua bất động sản đã tăng quá nóng. Nếu quá tập trung tín dụng cho lĩnh vực này sẽ dẫn đến tình trạng bong bóng nhà đất.
Do vậy cần giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhằm tránh hiện tượng này, đồng thời đảm bảo an toàn cho hệ thống NH cũng như giữ vững mục tiêu điều hành lạm phát. Tôi cho rằng NH Nhà nước không nên nhượng bộ" - ông Bảo nói.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ngoài thống kê về tỉ lệ cho vay bất động sản trong tổng dư nợ, cho vay bất động sản còn "ẩn" trong tín dụng tiêu dùng.
Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nếu tính cả phần tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản thì tỉ trọng cho vay bất động sản cả nước lên đến 14,43%. Tính riêng tại TP.HCM thì tỉ lệ này là 15%.
"Theo tôi, chỉ khoảng một nửa số người vay mua bất động sản để ở, còn lại nhằm lướt sóng kiếm lời. Do vậy việc siết tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm thiểu được đầu cơ bất động sản" - ông Hiếu phân tích.
Ngoài ra theo ông Hiếu, hiện tỉ lệ lạm phát năm nay đã gần đụng trần, do vậy việc NH Nhà nước hạn chế "room" cho vay bất động sản là hợp lý.
"Theo tôi, NH Nhà nước nên thực hiện đúng lộ trình đã đặt ra từ trước là giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 40% từ 1-1-2019 để công chúng thấy sự nghiêm minh chính sách, không nên dời thời hạn này để bảo đảm an toàn cho hệ thống NH" - ông Hiếu nói thêm.
Từ cuối tháng 5-2018 đến nay giao dịch mua bán nhà đất chững lại. Trong ảnh: hàng loạt dự án bất động sản trên xa lộ Hà Nội, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chủ yếu lướt sóng kiếm lời
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho biết hiện nay những khoản cho vay mua nhà, đất, sửa chữa nhà mà người vay trả nợ bằng lương đều được các NH xếp vào cho vay tiêu dùng chứ không tính vào vay mua bất động sản. Các NH cũng đẩy mạnh cho vay lĩnh vực này vì lãi suất cho vay cao hơn các lĩnh vực khác.
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, hiện lãi suất cho vay mua bất động sản phổ biến 11-12,5%/năm tùy vào thời gian cố định lãi suất. Như vậy, với người vay khoảng 1 tỉ đồng, thời hạn 10 năm, với lãi suất vay trung bình 1%/tháng sẽ phải trả hơn 18 triệu đồng/tháng gồm cả gốc lẫn lãi.
Trong trường hợp vay 15 năm phải trả 16 triệu đồng/tháng. Như vậy muốn vay 1 tỉ đồng mua bất động sản thì mỗi tháng phải có thu nhập xấp xỉ 15-30 triệu đồng tùy theo độc thân hay có gia đình, vì khi xét duyệt cho vay NH luôn trừ hao khoản sinh hoạt phí hằng tháng.
Hiện giá nhà đất nhiều khu vực đã tăng gấp đôi, có nơi tăng gấp 3 lần khoảng 3 năm trước. Nếu không có sẵn nguồn tiền nhàn rỗi, phải dựa vào vay NH, sẽ rất khó kham nổi trả gốc lẫn lãi trong suốt thời gian vay.
Từ cuối tháng 5-2018 đến nay giao dịch mua bán nhà đất chững lại. Trong ảnh: quảng cáo bán đất nền trên đường Đỗ Xuân Hợp, Q.9, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tín dụng bất động sản "ẩn náu" trong cho vay tiêu dùng
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, thừa nhận ngoài con số thống kê chính thức, tín dụng bất động sản "ẩn náu" trong cho vay tiêu dùng khá lớn, chiếm khoảng 32% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP.
"Về kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, NH Nhà nước TP trước khi có ý kiến chính thức lên thống đốc sẽ phải đánh giá lại quá trình đầu tư bất động sản thời gian qua trên địa bàn. Trong đó xác định rõ nợ xấu bất động sản đến từ nguồn nào, chủ đầu tư hay người vay...
Từ đó NH Nhà nước TP sẽ có phản hồi với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và có kiến nghị phù hợp lên thống đốc nhằm mục tiêu chung là giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh" - ông Minh cho hay.
Thống kê 9 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn TP tăng 11,5%, trong đó tín dụng bất động sản tăng khoảng 8% và chiếm 10,7% trong tổng dư nợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận